EU buộc các "đại gia công nghệ" phải hạn chế hành vi phản cạnh tranh

10:33 08/09/2023

Các công ty được chỉ định là người gác cổng có 6 tháng để tuân thủ các nghĩa vụ theo Đạo luật Thị trường kỹ thuật số nhằm thúc đẩy thị trường kỹ thuật số công bằng.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Liên minh châu Âu (EU) đã công bố tên các công ty bị áp dụng Đạo luật Thị trường kỹ thuật số (DMA), theo đó chỉ định 6 "đại gia công nghệ" lớn nhất thế giới là "người gác cổng" và sẽ phải đối mặt với những biện pháp hạn chế cứng rắn nhất từ trước đến nay.

Ủy ban châu Âu (EC), Cơ quan Chống Độc quyền của EU, đã nêu tên 22 dịch vụ "nền tảng" của "6 đại gia công nghệ" - gồm Alphabet (công ty mẹ của Google), Amazon, Apple, Meta, Microsoft và công ty ByteDance của Trung Quốc.

Các dịch vụ này trong đó có App Store của Apple; Facebook, Instagram và WhatsApp của Meta; nền tảng video YouTube; trình duyệt Chrome của Google và Safari của Apple.

Theo Neowin, đây là lần đầu tiên các công ty bị coi là người gác cổng kể từ khi luật này được ban hành vào đầu năm nay. Các công ty được chỉ định là người gác cổng có 6 tháng để tuân thủ các nghĩa vụ theo DMA nhằm hạn chế hành vi phản cạnh tranh và thúc đẩy thị trường kỹ thuật số công bằng. Theo DMA, những người gác cổng được chỉ định phải mở cửa với các đối thủ, cung cấp cho bên thứ ba quyền truy cập vào các dịch vụ nền tảng chính như cửa hàng ứng dụng, hệ điều hành và cơ sở hạ tầng đám mây.

Apple và Google sẽ buộc phải cung cấp không gian cho các cửa hàng ứng dụng của bên thứ ba trên các thiết bị iOS và Android. Hiện tại, người dùng Android có thể cài đặt ứng dụng từ các nguồn thay thế, nhưng quá trình này thường yêu cầu họ tắt một số cài đặt bảo mật nhất định. Các chuyên gia trong ngành đã dự đoán "một loạt các cửa hàng ứng dụng thay thế sẽ xuất hiện sau khi các quy tắc mới có hiệu lực". Điều đó cũng sẽ phát sinh "số lượng giao dịch độc quyền sẽ tăng lên, khi mà các trò chơi và ứng dụng nhất định có thể chỉ có sẵn để tải xuống thông qua các cửa hàng nhất định"

Người tiêu dùng sẽ không còn bị buộc phải sử dụng các ứng dụng mặc định trên thiết bị của họ, chẳng hạn như trình duyệt web Safari trên iPhone hoặc Google Maps trên điện thoại Android. Những công ty công nghệ lớn phải cho phép người dùng dễ dàng chuyển đổi từ cửa hàng ứng dụng mặc định, trình duyệt web, công cụ điều hướng và những thứ khác trên thiết bị của họ sang các lựa chọn thay thế. Ví như các nền tảng của Big Tech cần cung cấp cho người dùng “màn hình lựa chọn” với nhiều tùy chọn khi thiết lập thiết bị ban đầu, như sử dụng Safari hay Chrome.

Những người gác cổng cũng sẽ bị cấm sử dụng dữ liệu từ một dịch vụ để ủng hộ dịch vụ khác, chẳng hạn như sử dụng dữ liệu từ nền tảng truyền thông xã hội để mang lại lợi ích cho thị trường thương mại điện tử do cùng một công ty sở hữu.

Các dịch vụ thương mại như Amazon, nguồn cấp dữ liệu nội dung của Facebook và công cụ tìm kiếm của Google sẽ bị cấm đưa ra thứ hạng ưu tiên trong các dịch vụ và sản phẩm của họ.

Danh sách các công ty Big Tech và dịch vụ của họ bị ảnh hưởng bởi DMA
Danh sách các công ty công nghê lớn và dịch vụ của họ bị ảnh hưởng bởi DMA.

Cũng theo quy định của DMA, Ủy ban châu Âu có thể chỉ định các nền tảng kỹ thuật số là người gác cổng nếu chúng cung cấp một cổng kết nối quan trọng giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng liên quan đến các dịch vụ nền tảng cốt lõi. Các quyết định chỉ định mới tuân theo quy trình xem xét kéo dài 45 ngày do ủy ban thực hiện sau khi có thông báo của Alphabet, Amazon, Apple, ByteDance, Meta, Microsoft và Samsung về vị thế tiềm năng của họ với tư cách là người gác cổng.

Theo DMA, các dịch vụ của các Big Tech bị chỉ định giờ đây sẽ phải có được sự đồng ý rõ ràng trước khi theo dõi người dùng vì mục đích quảng cáo. Khách hàng doanh nghiệp sử dụng dịch vụ quảng cáo trực tuyến do Amazon, Google và Meta cung cấp cũng sẽ có quyền yêu cầu dữ liệu được thu thập liên quan đến chiến dịch của họ, một nguồn tài nguyên có giá trị thường bị các nền tảng giấu kín.

Ủy ban châu Âu cũng đã mở các cuộc điều tra riêng biệt về việc liệu một số dịch vụ nhất định do Microsoft và Apple cung cấp, bao gồm Bing, Edge, Bing Ads và iMessage, có nên được loại khỏi danh sách người gác cổng dựa trên lập luận của các công ty hay không. Trước đó, Microsoft và Apple đã vận động Liên minh châu Âu (EU) để ngăn đưa các dịch vụ này vào danh sách người gác cổng.

DMA được đưa ra nhằm chấm dứt các hành vi cạnh tranh không công bằng của các công ty công nghệ lớn, hoạt động như “người gác cổng” kỹ thuật số.

Đây được coi là một sự thay đổi quan trọng trong cuộc chiến của EU chống lại sự thống trị của các nền tảng lớn và diễn ra sau nhiều năm ròng rã theo đuổi các cuộc chiến pháp lý không thành công với các đại gia công nghệ.

Những "người gác cổng" vi phạm các quy tắc mới có thể bị phạt tới 10% doanh thu trên toàn thế giới của công ty và lên tới 20% trong trường hợp tái phạm. Ủy ban châu Âu thậm chí áp dụng các biện pháp khắc phục cơ cấu nhằm buộc các công ty vi phạm phải bán các đơn vị kinh doanh hoặc mua lại.

Tú Anh (t/h)