Dùng mã QR code: Cần thống nhất dữ liệu công dân

08:49 14/09/2021

Ba bộ Công an, Y tế và Thông tin Truyền thông đã thống nhất theo chỉ đạo từ Thủ tướng Chính phủ, sẽ chỉ dùng một phần mềm, một mã QR code toàn quốc để người dân tiện khai báo chống dịch. Song việc này chỉ làm được, khi phần mềm đó gắn kết toàn bộ cơ sở dữ liệu công dân, mà các bộ ngành quản lý cần chia sẻ.

Ứng dụng quét mã QR code công dân sẽ giúp tăng hiệu quả kiểm soát chống dịch ở các địa phương.
Ứng dụng quét mã QR code công dân sẽ giúp tăng hiệu quả kiểm soát chống dịch ở các địa phương.

Điều này đòi hỏi một thay đổi rất lớn trong công tác quản lý lâu nay, hợp nhất các dữ liệu thống kê, kiểm soát, mà từ lâu các bộ ngành đều có đặt ra mà chưa thể làm được. Phải chăng, đã đến lúc Chính phủ phải trực tiếp đặt lại bài toán này, để công tác quản lý dữ liệu quốc gia có chuyển biến mới?

Trăm hoa đua nở vì… lẻ dữ liệu?

Phản ảnh từ dư luận cho thấy, giai đoạn tăng cường chống dịch vừa qua, mảng công nghệ xuất hiện tình trạng “trăm hoa đua nở” các phần mềm, ứng dụng phòng chống Covid-19. Chỉ riêng 3 bộ Y tế, Công an, Thông tin và Truyền thông, đã có gần 20 ứng dụng cùng lúc, mỗi ứng dụng đáp ứng một mảng thông tin. Nhiều nhất là các phần mềm theo dõi y tế, như NCOVI, Bluezone, Sổ sức khỏe điện tử, tokhaiyte.vn… Bộ Công an thì đưa ra phần mềm khai báo di chuyển nội địa, rồi tích hợp phần mềm VNEID. Các tỉnh thành cũng xây dựng phần mềm phục vụ chống dịch, mỗi địa phương lại có một ứng dụng riêng cho địa bàn quản lý.

Điều đáng nói, là các phần mềm ứng dụng này đều có tính đơn lẻ, không hề kết nối dữ liệu. Ngay khi Bộ Y tế đã đề nghị thống nhất dùng tokhaiyte.vn làm phần mềm chung, hợp nhất dữ liệu, tiện cho công tác quản lý, truy tìm đối tượng, các các ban ngành và tỉnh thành vẫn vận hành phần mềm riêng của mình. Tiêu chí kiểm soát ngành dọc y tế theo đó bị phân mảnh. Đây là lý do khiến một số địa phương gặp khó khăn khi muốn kết nối thực tiễn địa bàn với chủ trương, chỉ đạo chung toàn vùng và toàn quốc. 

Có quá nhiều phần mềm ứng dụng khai báo y tế được xây dựng trong thời gian qua.
Có quá nhiều phần mềm ứng dụng khai báo y tế được xây dựng trong thời gian qua.

Rõ ràng từ thực trạng đó, Thủ tướng Chính phủ đã phải chỉ đạo thống nhất phần mềm khai báo y tế, để người dân tiện dùng khi tham gia phòng chống dịch. Đặc biệt, khi vấn đề mã QR code được ngành CNTT đưa ra, ban đầu áp dụng thí điểm tại Đà Nẵng, Hà Nội rồi lan ra cả nước, yêu cầu đồng bộ hóa dữ liệu để quản lý càng được chú ý hơn. Những nhược điểm trong quản lý chống dịch theo tư duy hành chính vốn có ngày một bộc lộ sâu sắc, buộc các địa phương phải đánh giá lại mức độ và khả năng ứng dụng của mình, cả về nhận thức ứng dụng lẫn đầu tư trang thiết bị, đào tạo kỹ năng cho các lực lượng chức năng, tuyến đầu.

Mỗi công dân một mã code!

Theo nhìn nhận của một số chuyên gia tư vấn công nghệ, mã QR code thật ra không phải vấn đề mới lạ. Từ khi dòng mã này xuất hiện trên bản đồ ứng dụng công nghệ thế giới, nhiều đơn vị công nghệ đã nhanh chóng triển khai vào đời sống. Mảng ứng dụng QR code phổ biến nhất là thương mại hàng hóa, dần thay thế mã vạch cũ, giúp hoạt động thương mại Việt Nam ngày càng cập nhật trình độ các nước tiên tiến, hội nhập sâu kinh tế toàn cầu.

Đến khi dịch bệnh xảy ra, yêu cầu kiểm soát quản lý gia tăng, đặc biệt về quản lý công dân khai báo tình trạng sức khỏe, mã QR code càng được chú ý bởi những lợi thế cập nhật dữ liệu nhanh chóng. Sau khi Bộ Công an đặt vấn đề quản  lý dữ liệu công dân bằng căn cước điện tử, mã QR code càng phát huy ưu thế, trở thành định hướng cần thiết để xây dựng hệ thống dữ liệu công dân quốc gia với mục tiêu “một công dân mỗi mã code”. 

Thống nhất dữ liệu công dân sẽ là cơ sở để có một phần mềm dùng chung mã QR code phục vụ quản lý xã hội.
Thống nhất dữ liệu công dân sẽ là cơ sở để có một phần mềm dùng chung mã QR code phục vụ quản lý xã hội.

Theo đó, ngành công nghệ khẳng định, mã QR code là lựa chọn không thể bỏ qua nếu muốn giải đáp bài toán chuyển đổi số quốc gia, dùng công nghệ quản lý công dân. Áp dụng được một công dân một mã code, công tác quản lý sẽ đồng bộ mạnh mẽ và thống nhất, bao trùm toàn bộ các mặt kinh tế xã hội, từ an ninh trật tự, đến tài chính, giao thông, y tế, giáo dục… Kho số quốc gia cũng dựa vào mã QR code công dân như vậy, để có thể rút gọn tối đa và tăng cường hiệu quả quản lý, đạt độ chính xác cao hơn.

Tuy nhiên, để làm được điều này, yêu cầu đồng bộ, thống nhất hệ thống dữ liệu quốc gia phải được đặt ra. Để có được một phần mềm dùng chung cho khai báo y tế, có được một mã QR code chung cho các ứng dụng tự động cập nhật, những dữ liệu thống kê, khai báo của các ngành quản lý phải hợp nhất về một đầu mối quốc gia, sau đó tùy phân vùng thông tin để cung cấp ngược lại cho các ban ngành, tỉnh thành địa phương. Đây là một đòi hỏi thay đổi rất lớn trong tư duy và trách nhiệm quản lý của mỗi ngành, mỗi địa phương trong cả nước. Phải chấn chỉnh được tư duy cục bộ, ngại chia sẻ dữ liệu giữa các ngành, các vùng địa giới hành chính, mới có thể xây dựng hệ thống dữ liệu lớn, thống nhất được dữ liệu công dân cả nước.

Liệu đòi hỏi này, sẽ được chính các bộ ngành thực thi ngay, hay vẫn cần có sự yêu cầu mạnh mẽ hơn từ Chính phủ?

Nguyên Đức