Đưa các luật liên quan đến đất đai có hiệu lực sớm; tăng lương đảm bảo an sinh xã hội

18:11 01/07/2024

Thành công lớn của kỳ họp này là đưa các luật liên quan đến đất đai, nhà ở có hiệu lực từ 1/8; tăng lương, kể cả lương hưu, bảo trợ xã hội cao nhất từ trước tới nay, để đảm bảo an sinh xã hội...

Sau hơn 27 ngày làm việc nghiêm túc, khoa học, dân chủ, trách nhiệm cao, kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV đã họp phiên bế mạc hôm 29/6. Kỳ họp này Quốc hội đã hoàn thành xuất sắc một khối lượng công việc rất lớn, đã xem xét, quyết định và hoàn thành 49 nội dung quan trọng thuộc các lĩnh vực lập pháp và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.

Ảnh minh họa

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu kết thúc Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV. Ảnh: Quochoi.vn

Đưa các luật liên quan đến đất đai, nhà ở vào đời sống là một thành công lớn

Quốc hội biểu quyết thông qua: Luật Bảo hiểm xã hội - BHXH (sửa đổi); Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai số 31/2024/QH15, Luật Nhà ở số 27/2023/QH15, Luật Kinh doanh bất động sản (BĐS) số 29/2023/QH15, Luật Các tổ chức tín dụng số 32/2024/QH15; Nghị quyết về việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia...

Đặc biệt Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS và Luật Các tổ chức tín dụng, có hiệu lực từ ngày 1/8/2024. Các luật này đã được Quốc hội thông qua, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025 nhưng Chính phủ muốn có hiệu lực sớm hơn vì nó rất quan trọng để thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, góp phần khai thông nguồn lực đất đai.

Để có sự thành công đó, Quốc hội và đặc biệt là Chính phủ đã chuẩn bị rất kỹ nhiều các nghị định thông tư liên quan, hướng dẫn thi hành... để đảm bảo các luật này nhanh chóng đi vào đời sống. Chính Thủ tướng Phạm Minh Chính trong nhiều cuộc họp Chính phủ đã liên tục đôn đốc, thúc giục các bộ, các cơ quan liên quan nhanh chóng hoàn thiện cơ sở pháp lý để các luật đi vào đời sống. Cuối cùng Chính phủ đã có Tờ trình đề nghị đưa các luật này sớm có hiệu lực và chịu trách nhiệm với đề xuất đó. Đó là công việc khổng lồ, bởi các luật này điều chỉnh rất nhiều vấn đề thiết lực liên quan đến dất đai, nhà ở.

Các luật này có tầm quan trọng đặc biệt khi thể chế hóa nhiều chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước ta, khắc phục hạn chế, vướng mắc của các luật trước đây. Các luật này cũng có nhiều quy định có tính đổi mới, tiến bộ, được người dân và xã hội kỳ vọng sẽ tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn mới, đặc biệt bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người dân trong sử dụng đất đai.

Giải quyết nhiều vấn đề của thị trường bất động sản

Các chuyên gia địa ốc cho rằng, Luật Đất đai, Luật Kinh doanh BĐS và Luật Nhà ở có hiệu lực từ 1/8, như hiệu ứng domino, sẽ giải quyết những vướng mắc lâu nay của thị trường BĐS, giúp thị trường phát triển lành mạnh.

Theo Bộ Tài Nguyên và Môi trường, Luật Đất đai có hiệu lực sớm nhằm kịp thời giải quyết, xử lý dứt điểm các tồn đọng về đất. Cùng đó, việc này sẽ thúc đẩy thị trường BĐS phát triển, phát huy tiềm năng, hiệu quả nguồn lực đất đai.

Luật Đất đai mới với nhiều điều khoản có lợi cho người dân và doanh nghiệp (DN), sẽ tháo gỡ được những khó khăn trong tiếp cận đất đai cho sản xuất - kinh doanh, thu hút đầu tư, góp phần hoàn thành mục tiêu kinh tế - xã hội đã đề ra, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân.

Bốn phương pháp định giá đất trong Luật Đất đai là điểm mới rất đáng chú ý, rất khoa học và thực tiễn mà nhiều nước trên thế giới đã áp dụng. Luật mới cũng bỏ khung giá đất, có cơ chế, phương pháp xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường. Bảng giá đất cũng được xây dựng định kỳ từ 1/1 hằng năm được công bố công khai, phù hợp với cơ chế thị trường. Đây là quy định rất quan trọng để bảo vệ người có quyền sử dụng đất (SDĐ). Luật mới cũng sẽ “tháo nút” các tranh chấp đất đai tồn tại nhức nhối trong thời gian rất dài vừa qua.

Đặc biệt vấn đề định giá đất, giải quyết rất nhiều điểm nghẽn quan trọng khi 4 phương pháp định giá đất và cơ sở dữ liệu, bảng giá đất để định giá đất được xây dựng định kỳ hàng năm, sẽ cho kết quả định giá đất rất đáng tin cậy.

Định giá đất là một trong những điểm then chốt của chính sách đất đai thời kỳ tới, bởi giá đất theo sát thị trường sẽ giúp công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng thuận lợi, giảm bớt khiếu kiện; đồng thời tránh thất thu ngân sách khi giao đất cho DN làm dự án. Đây cũng là vấn đề nhức nhối kéo dài trong nhiều năm qua mà nhiều quan chức, cơ quan có quyền giao đất cho DN vướng vòng lao lý.

Lấy ví dụ về định giá đất không khoa học đã gây tác hại nền kinh tế thế nào, từ lô đất “vàng” 5.000 m2 tại số 8 đường Lê Duẩn TP. HCM. Nhiều năm qua miếng đất vàng này nằm im bất động vì không ai dám bán với giá thị trường theo kiểu thuận mua vừa bán. Kết quả là BĐS cực kỳ có giá trị này “bất động”, không tạo ra giá trị lợi ích nào cho xã hội. Nhiều nhà đầu tư nước ngoài muốn thuê dài hạn hoặc mua miếng đất giá trị này để kinh doanh đều phải bó tay vì giá cả bất hợp lý, dẫn đến không có phương án kinh doanh nào có thể đem lại lợi nhuận. Nguyên nhân là do Tập đoàn Vạn Thịnh Phát sau nhiều năm bằng nguồn tiền khổng lồ nhưng bất minh của mình đã làm mưa làm gió, thao túng nhiều lô đất “vàng” tại trung tâm Q1 – TP. HCM, đẩy giá BĐS lên quá cao, vượt qua nhiều lần giá trị thật của thị trường, khiến các cơ quan trách nhiệm không dám “phá rào” định giá đất, vì sợ trách nhiệm hình sự, cuối cùng lô đất “vàng” này bỏ không!

Ảnh minh họa

Kỳ họp này Quốc hội đã xem xét, quyết định và hoàn thành 49 nội dung quan trọng thuộc các lĩnh vực lập pháp và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Ảnh: Quochoi.vn

Từ ví dụ đó, hy vọng với Luật Đất đai mới, nhiều BĐS khác có giá trị cao trong rất nhiều vụ án hình sự bị kê biên, hoặc các BĐS thế chấp các ngân hàng đã quá lâu, có thể dễ dàng được định giá đúng với giá trị thật của thị trường, để bán lấy tiền khắc phục hậu quả.  

Với những điều khoản thực tế và khoa học, đặc biệt về cách định giá đất, về quyền chủ động kinh doanh đất đai, Luật Đất đai mới sẽ đưa lĩnh vực kinh doanh BĐS trở thành động lực thúc đẩy thị trường này.

Với người dân, Luật Đất đai mới cho phép đất không giấy tờ trước 1/7/2014 (thay vì 1/7/2004 như quy định cũ) không có tranh chấp, được cấp sổ đỏ. Đất được cấp sổ đỏ là những trường hợp SDĐ trước ngày 18/12/1980. Tiếp theo là những trường hợp SDĐ từ 18/12/1980 đến trước ngày 15/10/1993; các trường hợp từ ngày 15/10/1993 đến trước ngày 1/7/2014.

Đây là những điều khoản mà người dân rất mong đợi, bởi rất nhiều người có đất, mà không có quyền SDĐ. Diện tích đất loại này là rất lớn, do quá trình lịch sử để lại, nay được cấp quyền SDĐ, giải phóng nguồn lực kinh tế - xã hội.

Cải cách tiền lương, lương và các khoản trợ cấp tăng cao nhất từ trước đến nay

Quốc hội cũng thông qua phương án cải cách tiền lương với phương án tăng lương cơ sở từ 1,8 lên 2,34 triệu đồng/tháng, có hiệu lực từ 1/7/2024, tăng các khoản trợ cấp khác cao nhất từ trước tới nay.

Đây là một bước cải cách tiền lương rất cơ bản, mà để có kết quả này Ban chỉ đạo cải cách tiền lương phải 3 lần lùi thời điểm tăng lương, với 24-25 cuộc họp để tìm phương án tối ưu nhất, có lợi cho nhiều đối tượng và phù hợp với nguồn lực ngân sách. Đó là lý do vì sao cách tính lương theo mức lương cơ sở và hệ số lương vẫn còn được áp dụng.

Theo đó tăng 15% lương hưu và trợ cấp BHXH hiện hưởng. Người đang hưởng lương hưu trước năm 1995 nếu sau khi điều chỉnh mà hưởng thấp hơn 3,2 triệu đồng mỗi tháng thì điều chỉnh tăng 300.000 đồng/tháng; người hưởng từ 3,2 đến dưới 3,5 triệu đồng/tháng thì điều chỉnh để bằng 3,5 triệu đồng/tháng.

Trợ cấp ưu đãi người có công theo mức chuẩn cũng tăng 35,7% từ 2,055 lên 2,789 triệu đồng/tháng. Chuẩn trợ giúp xã hội tăng 38,9%, từ 360.000 lên 500.000 đồng/tháng; lương tối thiểu vùng tăng bình quân 6% áp dụng từ 1/7.

Dù mới thực hiện 4/6 nội dung cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27 của Trung ương nhưng đó là cố gắng rất lớn của Đảng, Nhà nước ta để trả lương xứng đáng cho cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC), đảm bảo an sinh xã hội.

An sinh là vấn đề Đảng, Nhà nước ta rất quan tâm, khi nâng mức chuẩn trợ giúp xã hội lên 500.000 đồng/tháng, tương đương mức tăng 38,9%, hạ tuổi người dân được hưởng xuống 75 tuổi. Ước tính, nguồn kinh phí thực hiện trong 6 tháng cuối năm 2024 tăng thêm hơn 4.700 tỷ để trợ cấp xã hội cho hơn 3,3 triệu đối tượng bảo trợ xã hội và 349.000 đối tượng hưởng hỗ trợ kinh phí chăm sóc.

Với việc tăng 15% lương hưu cũng vậy. Theo ông Đặng Thuần Phong - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội, thời gian qua, mức lương hưu của người nghỉ hưu liên tục được nâng lên, trên cơ sở mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và tăng trưởng kinh tế. Dù lương hưu tăng 15% nhưng thực tế nếu cộng dồn các năm qua khi liên tục nâng theo chỉ số CPI thì cao hơn 30% so với CBCCVC. Ông Phong thông tin thêm, theo tính toán của Ban chỉ đạo cải cách tiền lương, với số lần tăng lương hưu thời gian qua thì lương hưu chỉ tăng 11,5% sẽ ngang bằng với 30% của CBCCVC nhưng Ban chỉ đạo vẫn quyết tăng lương hưu lên 15%.

Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV là kỳ họp có khối lượng nội dung về công tác lập pháp nhiều nhất tại một kỳ họp kể từ đầu nhiệm kỳ đến nay, liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, được cử tri và nhân dân cả nước rất quan tâm, theo dõi và đánh giá cao.

Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản sẽ làm ấm thị trường bất động sản

Luật Nhà ở 2023 có nhiều nội dung mới mang tính đột phá quan trọng, góp phần vào mục tiêu hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng hiệu quả quản lý và phát triển nhà ở, đặc biệt với nhà ở xã hội (NỞXH), kích thích thị trường BĐS vốn vẫn còn rất trầm lắng.

Ảnh minh họa
Tổng Công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) vừa khởi công xây dựng dự án nhà ở xã hội CT-05 và CT-06 thuộc Khu đô thị mới Thanh Lâm - Đại Thịnh 2 (HUD Melinh Central) huyện Mê Linh, TP Hà Nội. Ảnh: TTXVN 

Với luật này, cho phép chủ đầu tư NƠXH được miễn các thủ tục xác định giá, tiền sử dụng, thuê đất. Luật sẽ gỡ nút thắt chủ đầu tư muốn làm dự án NƠXH phải thực hiện các thủ tục liên quan tới xác định giá đất, tiền sử dụng, thuê đất để làm hồ sơ xin miễn các loại tiền này và các thủ tục này thường kéo dài khá lâu.

Theo quy định hiện hành, người mua NƠXH phải thuộc diện không phải nộp thuế thu nhập thường xuyên theo quy định của pháp luật, tức không quá 11 triệu đồng/tháng. Đây là “nút thắt” khi mà Luật Thuế thu nhập cá nhân chưa kịp tháo gỡ. Nay, Bộ Xây dựng đã “nới” điều kiện đối với người mua NƠXH. Theo đó, quy định phải đảm bảo điều kiện có mức thu nhập bình quân hàng tháng của người đứng đơn và vợ hoặc chồng của người đó không quá 15 triệu đồng/tháng; bỏ điều kiện người mua NƠXH phải thuộc diện không phải nộp thuế thu nhập thường xuyên. Điều kiện mua còn bỏ yêu cầu nơi cư trú, chỉ cần có đăng ký tạm trú là có thể mua nhà.

Với Luật Kinh doanh BĐS, có 11 điểm mới, đặc biệt hướng đến công khai loạt thông tin về BĐS trước khi đưa vào kinh doanh để khách hàng biết, nhằm tạo nên sự minh bạch, an toàn. 

Luật Kinh doanh BĐS mới có quy định chủ đầu tư dự án chỉ được thu tiền đặt cọc không quá 5% giá bán BĐS hình thành trong tương lai. Lượng tiền còn lại bắt buộc chủ đầu tư phải huy động từ tiền mặt có sẵn, vay ngân hàng, phát hành trái phiếu... Đây là quy định chặt chẽ, giúp người dân bớt rủi ro khi mua bán BĐS hình thành trong tương lai.

Quy định này giúp thị trường minh bạch hơn, loại bỏ nhiều dự án “vẽ” ra, ôm tiền của người dân rồi chây ì không chịu xây dựng, chậm tiến độ đã xảy ra trong những năm qua.

Vĩnh Hy