Vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí có thể bị phạt đến 500 triệu đồng

18:48 24/05/2021

Đây là đề xuất của Bộ Thông tin và Truyền thông tại dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 03 tháng 02 năm 2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử; Nghị định số 119/2020/NĐ-CP ngày 07 tháng 10 năm 2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản.

Ngày 13/11/2020, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật xử lý vi phạm hành chính, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2022. Luật mới ban hành có nhiều nội dung liên quan trực tiếp đến các Nghị định xử phạt xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thông tin và truyền thông.

Cụ thể: (1) Về thẩm quyền xử phạt: Luật sửa đổi đã bổ sung thêm nhiều chức danh có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính để phù hợp với sự thay đổi, điều chỉnh về cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan trong bộ máy nhà nước. Theo đó, ngoài các chức danh của các lực lượng có thẩm quyền xử phạt quy định tại Điều 39 đến Điều 49 Luật Xử lý vi phạm hành chính đã được sửa đổi, bổ sung; (2) Về hình thức xử phạt “Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính”: đã được sửa đổi, bổ sung theo hướng mở rộng thẩm quyền áp dụng hình thức này; (3) Về mức phạt tiền tối đa: Mức phạt tiền tối đa đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí là 500.000.000 đồng đối với tổ chức, 250.000.000 đồng đối với cá nhân; hoạt động xuất bản, hoạt động in là 200.000.000 đồng đối với tổ chức và 100.000.000 đồng đối với cá nhân.”

 Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 15/2020/NĐ-CP và Nghị định số 119/2020/NĐ-CP là cần thiết để phù hợp với một số quy định đã sửa đổi, bổ sung của Luật.

Cụ thể, phạt tiền từ 200-500 triệu đồng đối với hành vi: Hoạt động báo in, tạp chí in, báo nói, báo hình, báo điện tử, tạp chí điện tử không có giấy phép hoạt động báo chí theo quy định và đăng, phát thông tin ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích của đất nước và của nhân dân. Vi phạm trong hoạt động in bị phạt tới 200 triệu đồng.

Dự thảo bổ sung xử phạt “Vi phạm quy định về giấy phép, điều kiện hoạt động in và điều kiện nhận chế bản, in, gia công sau in” như sau: Phạt tiền từ 20-30 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Hoạt động in nhưng cơ sở in không đủ điều kiện hoạt động sau khi được cấp giấy phép hoạt động in hoặc được xác nhận đăng ký hoạt động cơ sở in; chế bản, in, gia công sau in báo, tạp chí, sản phẩm báo chí, sản phẩm thông tin có tính chất báo chí, tem chống giả nhưng không có hợp đồng in…

Phạt tiền từ 40-60 triệu đồng đối với hành vi: Không gửi văn bản thông báo đến cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động in khi nhận chế bản, in, gia công sau in cho tổ chức, cá nhân nước ngoài sản phẩm là báo, tạp chí, tờ rời, tờ gấp và các sản phẩm in khác có nội dung về chính trị, lịch sử, địa lý, tôn giáo, địa giới hành chính Việt Nam, chủ quyền quốc gia…

Phạt tiền từ 140 -200 triệu đồng đối với hành vi in tem chống giả, báo, tạp chí, sản phẩm báo chí và sản phẩm thông tin có tính chất báo chí theo quy định nhưng không có giấy phép hoạt động in do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp. Hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu tang vật vi phạm, tước quyền sử dụng giấy phép từ 1 đến 3 tháng.

Mặt khác, trong quá trình thi hành Nghị định số 15/2020/NĐ-CP và Nghị định số 119/2020/NĐ-CP đã bộc lộ một số những hạn chế, bất cập như:

- Một số chế định quản lý chưa có chế tài xử phạt cần bổ sung hoặc quy định một số hành vi chưa phù hợp với thực tiễn, cần có sự điều chỉnh.

- Tình trạng doanh nghiệp bưu chính giảm giá dịch vụ, tính khối lượng bưu gửi không chính xác dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh nhằm chiếm lĩnh thị trường gây mất ổn định môi trường kinh doanh.

Để phù hợp với một số quy định được sửa đổi, bổ sung của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2020, việc ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 15/2020/NĐ-CP và Nghị định số 119/2020/NĐ-CP là cần thiết.

Văn bản góp ý rộng rãi của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và đông đảo người dân trong và ngoài nước đề nghị gửi về Bộ Thông tin và Truyền thông tư trước ngày 12/7/2021 theo địa chỉ: 18 Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội hoặc email: tonghop@mic.gov.vn

Phạm.Giang