Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Có những điểm mới mang tính đột phá

18:52 04/08/2022

Theo TS Nguyễn Đình Bồng, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Đất Việt Nam, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã có nhiều quy định mới có ý nghĩa quan trọng thúc đẩy tích tụ, tập trung đất đai nông nghiệp trong thời kỳ mới, trong đó có những điểm có tính đột phá.

Chiều 4/8, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà và Chủ tịch Liên đoànThương mại và Công nghiệp Việt Nam Phạm Tấn Công đã đồng chủ trì Hội thảo góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Hội thảo nằm trong chuỗi sự kiện của Bộ Tài nguyên và Môi trường nhằm trực tiếp lắng nghe ý kiến góp ý từ các cơ quan quản lý, các tổ chức chính trị - xã hội, cộng đồng doanh nghiệp, chuyên gia, nhà khoa học về nội dung dự thảo Luật Đất đai sửa đổi.

Ảnh minh họa
Hội thảo góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). 

Chia sẻ ý kiến tại sự kiện, TS Nguyễn Đình Bồng, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Đất Việt Nam cho rằng, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) được xây dựng công phu, nghiêm túc đã thể chế hóa được các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách đất đai theo tinh thần Nghị quyết đại Hội XIII và Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung  ương.

Dự thảo đã có nhiều quy định mới có ý nghĩa quan trọng thúc đẩy tích tụ, tập trung đất đai nông nghiệp trong thời kỳ mới, trong đó có những điểm có tính đột phá.

Cụ thể là đã bổ sung quy định thời hạn sử dụng ổn định lâu dài đối với đất rừng sản xuất giao cho cộng đồng dân cư, đơn vị vũ trang, ban quản lý rừng và một số trường hợp tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đã nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp trong hạn mức sử dụng của hộ gia đình, cá nhân.

Quy định mở rộng hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất không quá 15 lần hạn mức giao đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân (so với hạn múc không quá 10 lần theo quy định của Luật Đất đai 2013).

Ảnh minh họa
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) có những điểm mới mang tính đột phá. Ảnh minh họa. 

Dự thảo đã mở rộng đối tượng được nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp cho tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp.

Bổ sung quy định về các hình thức tập trung, tích tụ đất đai cho sản xuất nông nghiệp, cơ chế góp quyền sử dụng đất, điều chỉnh lại quyền sử dụng đất đối với các dự án tập trung đất nông nghiệp.

“Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) với những quy định mới về tích tụ, tập trung đất đai sẽ góp phần điều chỉnh đất đai theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, khắc phục những bất cập hiện tại; đáp ứng yêu cầu của các thành phần kinh tế, đặc biệt là các tổ chức kinh tế  trong nước (các hợp tác xã, doanh nghiệp vừa và nhỏ, các doanh nghiệp thuộc các tập đoàn kinh tế), các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, thức đẩy tích tụ  tập trung đất đai theo hướng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung quy mô lớn”, ông Bồng nói.

Tại hội thảo, chuyên gia pháp lý đất đai, đầu tư xây dựng, kinh doanh bất động sản Nguyễn Văn Đỉnh cho rằng, trong Tờ trình đề nghị xây dựng Luật Nhà ở sửa đổi (dự kiến thông qua cùng thời điểm với Luật Đất đai sửa đổi), Bộ Xây dựng đề xuất tập trung giải quyết 8 nhóm chính sách lớn.

Trong đó có chính sách về sở hữu nhà ở thông qua quy định “Tiếp tục chính sách khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân, tổ chức nước ngoài được mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam phù hợp với thông lệ quốc tế, thu hút đầu tư đồng thời vẫn bảo đảm an ninh quốc phòng”.

“Tuy nhiên, chính sách khuyến khích cá nhân nước ngoài mua nhà ở sẽ không thể thực hiện trọn vẹn nếu không giải quyết được tận gốc vấn đề chứng nhận quyền sở hữu. Để giải quyết tận gốc, Luật Đất đai (sửa đổi) cần thiết phải ghi nhận quyền sử dụng đất của cá nhân nước ngoài”, ông Đỉnh khuyến nghị.

Đóng góp ý kiến tại hội thảo, đại diện cho Công ty cổ phần Eurowindow Holding đánh giá nội dung nêu tại dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) về căn cứ kết quả đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất là chưa đủ do chưa cập nhật căn cứ sử dụng kết quả đối với hình thức chấp thuận nhà đầu tư được lựa chọn theo Luật đầu tư.

Việc quy định tiêu chí, điều kiện về đấu thầu dự án có sử dụng đất dự án có quy mô diện tích từ 100 héc-ta trở lên tại dự thảo là quá cao, khi đó các quỹ đất có diện tích dưới 100 héc-ta cơ bản chỉ có thể lựa chọn nhà đầu tư thông qua hình thực đấu giá.

Điều này khiến Ngân sách Nhà nước phải thu xếp trước tiền giải phóng mặt bằng (trung bình khoảng 2,5-5 tỷ/1 ha), không phải địa phương nào cũng có thể bố trí nguồn ngân sách để thực hiện việc giải phóng mặt bằng.

Các địa phương sẽ có xu hướng lựa chọn nhà đầu tư thông qua đấu giá đối với các dự án nhỏ, như vậy không cải thiện được bộ mặt đô thị và hiệu quả quỹ đất, làm giảm thu ngân sách Nhà nước, chưa kể trường hợp tổ chức đấu giá mà không lựa chọn được nhà đầu tư, khi đó Ngân sách nhà nước sẽ bị tồn và gây lãng phí.

Đại diện Công ty Eurowindow Holding đề xuất, cần bổ sung thêm căn cứ đối với kết quả chấp thuận nhà đầu tư theo Luật đầu tư; bổ sung quy định cụ thể về cấp giấy chứng nhận cho Trung tâm thương mại/Shophouse nằm trong cùng tòa nhà chung cư.

“Trong trường hợp bổ sung hình thức giao đất, thuê đất cho nhà đầu tư được chấp thuận nhà đầu tư thông qua Luật Đầu tư 2020, thì cần bổ sung điều khoản chuyển tiếp để các dự án đã thực hiện chấp thuận nhà đầu tư và đang thực hiện giải phóng mặt bằng có thể tiếp tục thực hiện giao đất, thuê đất cho dự án”, đại diện Công ty Eurowindow Holding khuyến nghị.

Hà Anh