Dòng tiền sụt giảm mạnh, chứng khoán đang chịu áp lực giảm điểm

00:00 12/10/2020

Theo dự báo của các công ty chứng khoán, trong những phiên tới, thị trường có thể tiếp tục chịu nhiều áp lực giảm điểm. Các phiên tăng điểm (nếu có) chỉ được xem là nhịp hồi mang tính kỹ thuật nhiều hơn. Chỉ số Vn-Index có thể giảm về vùng hỗ trợ 940 - 950 điểm trước khi cho tín hiệu hồi phục trở lại một cách rõ nét hơn trong ngắn hạn.

Giao dịch thận trọng, thanh khoản tiếp tục  sụt giảm

Trải qua một tuần giao dịch, thị trường chứng khoán trong nước tiếp tục đi xuống trước sự thận trọng của giới đầu tư. Số phiên giảm điểm trong tuần chiếm ưu thế khi những cổ phiếu trụ cột thi nhau nhuộm đỏ. Thanh khoản trên sàn vẫn là vấn đề đáng lo ngại khi chứng kiến tuần thứ 7 sụt giảm liên tiếp.

Theo đó, thị trường chứng khoán tuần qua đã chứng kiến 2 phiên đầu tuần giảm liên tiếp. Nhà đầu tư tỏ ra thận trọng và quay sang bán tháo cổ phiếu. Chốt tuần các chỉ số quay đầu đi lên do hoạt động bắt đáy sau khi nhiều cổ phiếu rơi mức hấp dẫn.

Mặc dù vậy, tính chung cả tuần qua, các chỉ số thị trường vẫn biến động giảm. Trong đó, chỉ số Vn-Index kết thúc tuần với mức giảm 1,69% xuống mức 966,21 điểm; Cùng chiều, chỉ số HNX-Index cũng giảm 1,7% dừng tại mốc 105.88 điểm khi chốt phiên cuối tuần.

Trong khi đó, thanh khoản trung bình trên cả hai sàn lại diễn biến trái chiều. Cụ thể, khối lượng khớp lệnh trung bình trên sàn TP.HCM đạt gần 128,16 triệu cổ phiếu/phiên, giảm 3.67% so với tuần giao dịch trước. Riêng Hà Nội lại đạt trung bình hơn 23,67 triệu cổ phiếu/phiên, tăng 11,56%.

Theo dõi thị trường chứng khoán có thể thấy, các cổ phiếu có ảnh hưởng tiêu cực nhất đến chỉ số VnIndex tuần qua là VHM, VIC và VNM khi lấy đi của chỉ số lần lượt 4,39, 3,01 và 1,43 điểm. Ngược lại, các cổ phiếu có ảnh hưởng tích cực nhất đến VnIndex là NVL, VJC và HDB khi đóng góp lần lượt 0,34, 0,28 và 0,12 điểm tăng.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Về diễn biến nhóm ngành tuần qua, đa phần các nhóm ngành đều giảm điểm. Nhóm cổ phiếu ngân hàng giảm điểm trên diện rộng khiến chỉ số ngành giảm 1,25%. Trong đó, các cổ phiếu ngân hàng giảm điểm mạnh nhất là CTG, STB và TCB khi giảm lần lượt 4,81%, 2,89% và 2,81%. Nhóm cổ phiếu dầu khí giảm 3,67% do các cổ phiếu lớn trong ngành như GAS, PVD, PVS, POW đều giảm điểm trong tuần qua.

Nhóm cổ phiếu bất động sản giảm 2,16% do ảnh hưởng của việc các cổ phiếu HDG, VHM, VRE và VIC giảm lần lượt 9,19%, 4,61%, 3,0% và 2,74%. Về hoạt động của nhà đầu tư nước ngoài, khối ngoại có tuần mua ròng trên sàn HSX với giá trị gần 500 tỷ đồng.

Trong tuần qua, trên sàn TP.HCM, cổ phiếu tăng mạnh nhất là VHG của Công ty cổ phần Đầu tư Cao Su Quảng Nam với mức hơn 29%, từ mức 1.4100 đồng/cổ phiếu hôm 12/4 lên mức 1.820 đồng/cổ phiếu khi chốt phiên ngày 19/4.

Giữ vị trí thứ 2 là cổ phiếu SSC của Công ty cổ phần giống cây trồng Miền Nam với mức tăng gần 21% giá trị, từ mức 58.000 đồng/cổ phiếu hôm 12/4 lên 70.000 đồng/cổ phiếu khi chốt phiên cuối tuần ngày 19/4.

Cổ phiếu UDC của Công ty cổ phần Xây dựng và Phát triển Đô thị tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu với mức tăng hơn 16%, từ mức 4.420 đồng/cổ phiếu hôm 12/4 lên mức 5.140 đồng/cổ phiếu khi chốt phiên cuối tuần ngày 19/4.

Bên sàn Hà Nội, cổ phiếu BED của Công ty cổ phần Sách và Thiết bị trường học Đà Nẵng giữ vị trí dẫn đầu trong Top 10 mã tăng mạnh nhất tuần, với mức 33,02%, từ 43.000 đồng/cổ phiếu hôm 12/4 lên mức 57.200 đồng/cổ phiếu hôm 19/4.

Cổ phiếu PCE của Công ty cổ phần Phân bón và Hóa chất Dầu khí Miền Trung giữ vị trí thứ 2 với mức tăng gần 32% giá trị, từ mức 9.200 đồng/cổ phiếu hôm 12/4 lên mức 12.100 đồng/cổ phiếu khi chốt phiên ngày 19/4.

Giữ vị trí thứ 3 là cổ phiếu HKB của Công ty cổ phần Nông nghiệp và Thực phẩm Hà Nội - Kinh Bắc, với mức tăng gần 29% giá trị, từ mức 700 đồng/cổ phiếu hôm 12/4 lên mức 900 đồng/cổ phiếu khi chốt phiên ngày 19/4.

Thị trường sẽ chịu áp lực giảm

Trải qua một tuần giảm điểm, thị trường tiếp tục được nhiều công ty chứng khoán dự báo bi quan ở các phiên làm việc tiếp theo. Vì vậy, nhà đầu tư cần thận trọng trong các hoạt động mua – bán.

Theo dự báo của Công ty cổ phần chứng khoán Bảo Việt, thị trường sẽ chịu nhiều áp lực giảm điểm trong tuần tới. Các phiên tăng điểm (nếu có) chỉ được xem là nhịp hồi mang tính kỹ thuật nhiều hơn. Nhiều khả năng chỉ số Vn-Index có thể giảm về vùng hỗ trợ 940 điểm - 950 điểm trước khi cho tín hiệu hồi phục trở lại một cách rõ nét hơn trong ngắn hạn.

Cũng theo Công ty cổ phần chứng khoán Bảo Việt, tuần này là thời điểm các quỹ đầu tư theo chỉ số VN30 sẽ phải tiến hành các hoạt động tái cơ cấu danh mục cho kỳ review quý I/2019. Điều này có thể khiến các cổ phiếu bluechips trong rổ VN30 biến động tương đối khó lường, qua đó có thể khiến tâm lý nhà đầu tư càng trở nên thận trọng và hạn chế giao dịch hơn, đặc biệt là khi kỳ nghỉ lễ dài ngày đang đến gần.

“Xu hướng của thị trường hiện tại vẫn được xác định với mức giảm ngắn hạn. Do đó, trong giai đoạn này, các nhà đầu tư tiếp tục xem xét giảm tỷ trọng danh mục về mức trung bình thấp 20 - 30% cổ phiếu. Nhà đầu tư đang có tỷ trọng cổ phiếu vượt quá mức cân bằng nên tận dụng các nhịp hồi phục của thị trường để bán giảm tỷ trọng. Các hoạt động giải ngân mới nên được hạn chế tối đa khi thị trường vẫn đang tiềm ẩn nhiều rủi ro giảm sâu trong ngắn hạn”, Công ty cổ phần chứng khoán Bảo Việt khuyến nghị.

Minh Ngọc