Đôn đốc gỡ khó cho dự án và doanh nghiệp bất động sản

14:12 10/02/2023

Chia sẻ với Tạp chí Doanh nghiệp & Hội nhập, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, thời gian tới, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản (BĐS) cho các địa phương, doanh nghiệp sẽ tiếp tục rà soát, đôn đốc, hướng dẫn gỡ khó cho dự án và doanh nghiệp BĐS.

Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh, thực hiện nhiệm vụ được giao, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án BĐS cho các địa phương, doanh nghiệp  (Tổ) đã tổ chức làm việc với các địa phương như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ và một số doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực BĐS. 

Ảnh minh họa

Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ sẽ tiếp tục rà soát, đôn đốc, hướng dẫn gỡ khó cho dự án và doanh nghiệp BĐS.   

Qua làm việc, Tổ đã ghi nhận 3 vấn đề khó khăn vướng mắc chính. Đó là do thể chế, một số quy định pháp luật trong các lĩnh vực xây dựng, quy hoạch, phát triển đô thị, nhà ở, kinh doanh BĐS, đất đai, đầu tư… còn chồng chéo, bất cập gây cản trở trong triển khai thực hiện dự án BĐS. Trong đó, khó khăn được nhiều ý kiến phản ánh nhất liên quan đến pháp luật về đất đai như tính tiền sử dụng đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, giải phóng mặt bằng… Tiếp theo là khó khăn, vướng mắc về trình tự thủ tục đầu tư, xây dựng dự án nhà ở, dự án khu đô thị phức tạp, kéo dài, chậm thực hiện ở các địa phương. Cuối cùng là khó khăn về khan hiếm nguồn lực tài chính của doanh nghiệp, do khó tiếp cận tín dụng, khó khăn trong phát hành trái phiếu và áp lực đáo hạn trái phiếu. Các khó khăn này dẫn đến nguồn cung BĐS và việc triển khai các dự án nhà ở, nhất là nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân đều hạn chế.

“Trong quá trình làm việc với các địa phương, doanh nghiệp, Tổ công tác đã trao đổi, hướng dẫn trực tiếp về các quy định pháp luật và việc tổ chức thực hiện đối với các nội dung thuộc thẩm quyền của các bộ, ngành và địa phương. Các nội dung chưa thể trao đổi, hướng dẫn trực tiếp, Tổ công tác đã cho rà soát, tổng hợp để giải quyết”, ông Sinh nói. 

Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Tổ đã giao các bộ, ngành theo chức năng nhiệm vụ có văn bản gửi địa phương, doanh nghiệp để hướng dẫn ngay các nội dung thuộc thẩm quyền như: Các vấn đề khó khăn, vướng mắc liên quan đến lĩnh vực đất đai thì giao Bộ Tài nguyên và Môi trường, các vấn đề khó khăn, vướng mắc liên quan đến lĩnh vực đầu tư, đấu thầu thì giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Xây dựng hướng dẫn, tháo gỡ các nội dung liên quan đến xây dựng, quy hoạch, phát triển đô thị, nhà ở, kinh doanh BĐS…

Bên cạnh đó, Tổ cũng có văn bản gửi các địa phương để đôn đốc, yêu cầu địa phương khẩn trương giải quyết, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc thuộc trách nhiệm, thẩm quyền của địa phương mà doanh nghiệp báo cáo, kiến nghị. Đối với các khó khăn, vướng mắc vượt thẩm quyền, Tổ tiếp tục tổng hợp để báo cáo Thủ tướng Chính phủ và cơ quan có thẩm quyền xem xét tháo gỡ.

“Thời gian tới, Tổ sẽ tiếp tục làm việc để rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn trong triển khai thực hiện dự án BĐS cho các địa phương và doanh nghiệp”, ông Sinh nhấn mạnh. 

Ảnh minh họa
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh. 

 

Chia sẻ về Đề án phát triển 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội mà Bộ Xây dựng đã trình Chính phủ, ông Sinh cho biết, trong thời gian vừa qua, đã có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân lao động tại các khu công nghiệp được ban hành và đi vào cuộc sống, tạo ra hành lang pháp lý tương đối đầy đủ, đảm bảo hỗ trợ và khuyến khích các doanh nghiệp tham gia vào phát triển nhà ở xã hội. 

Cụ thể như các dự án nhà ở xã hội được miễn tiền sử dụng đất, giảm 50% thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật trong và ngoài dự án, cho vay ưu đãi lãi suất thấp...

Với các chính sách ưu đãi nêu trên, việc phát triển nhà ở xã hội đã đạt được một số kết quả quan trọng. Tính đến nay trên cả nước  đã hoàn thành 301 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị, quy mô xây dựng khoảng 155.800 căn, với tổng diện tích hơn 7.780.000 m2.

Đề án vẫn đang tiếp tục triển khai (bao gồm các dự án đã được chấp thuận đầu tư và đang triển khai đầu tư xây dựng) 401 dự án, với quy mô xây dựng khoảng 454.360 căn, với tổng diện tích khoảng 22.720.000 m2, giúp cho hàng trăm nghìn hộ gia đình thu nhập thấp và hàng trăm nghìn công nhân được cải thiện nhà ở, có chỗ ở an toàn.

Mặc dù việc phát triển nhà ở xã hội đã đạt được một số kết quả quan trọng như nêu trên, tuy nhiên quá trình triển khai thực hiện vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc về cơ chế chính sách, nguồn vốn....dẫn đến nhiều đối tượng khó khăn trong việc tiếp cận nhà ở xã hội.

Để khắc phục vướng mắc này, Bộ Xây dựng đã đề xuất các giải pháp về quỹ đất, nguồn vốn và hoàn thiện thể chế, pháp luật để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp trong thời gian tới.

Hoài Anh