Đổi thay làng chài

00:00 12/10/2020

Những lớp học bồng bềnh trên sóng, những đêm giao thừa không ánh điện giờ đây chỉ còn là dĩ vãng đã ẩn mình trong lòng di sản Vịnh Hạ Long đối với ngư dân làng chài Cửa Vạn, Vung Viêng. Bởi, ước mơ lên bờ từ bao đời của người vạn chài nay đã thành hiện thực.

  thay-doi-lang-chai

Người dân làng chài tham gia chèo đò cho du khách thăm quan thay-doi-lang-chai

Những chiếc nhà bè trở thành nét độc đáo trong đời sống văn hóa của ngư dân

Bình yên về bên làng biển Làng chài Cửa Vạn, Vung Viêng thuộc phường Hùng Thắng, thành phố Hạ Long  là hai làng chài lớn nhất, tạo ra những mảnh ghép đưa Hạ Long trở nên thơ mộng và huyền ảo. Nơi đây còn là quê hương của hơn 300 gia đình ngư dân đã lênh đênh theo những con sóng từ bao đời. Trước đây, ai đã từng đến với Vung Viêng hay Cửa Vạn sẽ không khỏi ngỡ ngàng bởi ngoài biết tới một Hạ Long kỳ vĩ, nên thơ  còn có một Hạ Long ôm ấp, chở che hàng trăm ngôi nhà nổi dập dềnh nằm tựa mình vào vách núi. Và ít ai cũng không khỏi ngạc nhiên xúc động khi nhìn thấy những em học sinh tiểu học tíu tít chèo thuyền để đến trường. Có những bé chỉ chừng 5,6 tuổi nhưng tay chèo đã rất cứng cáp và thuần thục. Bởi sóng nước đã trở thành rất đỗi thân quen của cuộc sống thường nhật. Có những em còn chưa một lần biết đến đất liền, chưa một lần nghe thấy tiếng trống trường giòn giã. Những chiếc thuyền nan, tiếng nhịp chèo khua vang, tiếng đọc bài ê a đã đồng hành cùng các em trên hành trình đi “tìm chữ” trên trập trùng sóng nước. Người dân các làng chài từ bao đời luôn “khát” con chữ nhưng hành trình luôn dang dở bởi nỗi lo toan vất vả mưu sinh thường nhật đã lấy đi tất cả khi cuộc sống không có điện, thiếu nước ngọt. Biết bao gia đình đã phải sinh sống chật chội trên những chiếc thuyền nan, nhà nào khá hơn thì dựng được ngôi nhà nho nhỏ trên những chiếc lồng bè. Ngày ngày mưu sinh bằng những đêm lênh đênh đi câu hay những lần kéo lưới. Nhưng nay tất cả đã đổi thay, bao nỗi lo toan đã nhường lại cho một cuộc sống đầy hứa hẹn bởi tỉnh Quảng Ninh, thành phố Hạ Long đã thực hiện Ðề án di dời nhà bè trên vịnh Hạ Long. Hơn 300 hộ với hàng nghìn nhân khẩu của các làng chài trên Vịnh Hạ Long đã được chuyển lên bờ. Những đêm lênh đênh trên biển chỉ còn là hoài niệm khi giờ đây họ đã được bình yên trong ngôi nhà ở dạng liền kề tại khu tái định cư làng chài phường Hà Phong với các diện tích căn hộ từ 77,5m2 đến 128m2 và hệ thống hạ tầng kỹ thuật đường, cấp thoát nước, cấp điện. Bao đêm thấp thỏm, lo âu, mưu sinh mỗi ngày biển động đã không còn khi chuyển lên bờ tỉnh Quảng Ninh đã mở các lớp học nghề đào tạo nuôi trồng thủy sản và đan lưới giúp ngư dân có cơ hội tìm kiếm việc làm ổn định. Về nơi ở mới, những em bé không còn vất vả chèo thuyền lênh đênh theo những còn con sóng tới lớp mỗi sáng mà các em được tung tăng, hòa mình theo nhịp trống trường của trường Tiểu học và Trung học cơ sở Minh Khai vừa được xây dựng. Đặc biệt, để góp phần bảo tồn, phát huy giá trị của Vịnh Hạ Long và đem lại cuộc sống bền vững cho ngư dân Quảng Ninh đã mở tour du lịch đến các làng chài. Chính những ngư dân bao đời bám biển nay lại được tham gia vào dịch vụ chèo thuyền cho du khách.  Hơn ai hết, họ chính là những hướng dẫn viên du lịch giới thiệu một cách sinh động, sâu sắc những nét văn hóa đặc trưng trong văn hóa của cư dân biển. Trong tiếng khua nhịp mái chèo, anh Vũ Văn Đông, người dân làng chài Vung Viêng cũ cho biết từ ngày được nhận nhà tái định cư chuyển lên bờ sinh sống vợ và các con anh không giấu được những giọt nước mắt hạnh phúc. Một cuộc sống mới bình yên tại khu tái định cư, không phải lo tránh mưa bão, có điện, có nước ngọt... Gia đình anh đã lên bờ sinh sống ổn định, nay anh trở lại Vung Viêng tham gia dịch vụ chèo đò chở khách có lương tháng ổn định, đủ chi tiêu cho gia đình. Mỗi ngày, buổi sáng anh chèo đò chở khách từ 7 giờ đến 10 giờ; chiều từ 14 giờ đến 17 giờ. Lượng khách mỗi ngày, mỗi mùa khác nhau, nhưng bình quân lương mỗi tháng ít thì được 2,5 triệu đồng, người nhiều thì 3 triệu đồng. Các ngư dân của làng chài xưa khi tham gia dịch vụ chèo đò cho khách thăm quan sẽ nằm dưới sự quản lý của Hợp tác xã Dịch vụ du lịch Vạn Chài. Trên mỗi chiếc đò đưa khách thăm quan, ngư dân đều được trang bị sẵn những chiếc vợt và túi đựng để vớt rác. Từ đó ý thức bảo vệ môi trường của bà con ngư dân tham gia các hoạt động du lịch tại HTX đã được nâng lên rất nhiều. Nhờ đó mà môi trường Hạ Long ngày càng xanh - sạch - đẹp, số lượng du khách trong và ngoài nước đến tham quan các làng chài ngày một nhiều, góp phần tạo việc làm, nâng cao đời sống cho bà con ngư dân. Ngoài công việc chèo đò, hướng dẫn cho khách thăm quan, các ngư dân còn được tham gia vào mô hình nuôi trồng thủy sản ngay tại các nhà lồng bè cũ trước đây. Những ngôi nhà lồng bè cũ của ngư dân còn đảm bảo tiêu chuẩn đã được Ban quản lý Vịnh Hạ Long tu sửa lại trở thành điểm thăm quan du lịch đồng thời kết hợp cho ngư dân nuôi trồng thủy sản theo hướng thân thiện và bền vững với môi trường. Cuộc sống đã dần ổn định, bỏ lại sau lưng bao lo toan, thiếu thốn, mùa xuân này là mùa xuân thứ 2 người vạn chài được đón không khí Tết trên đất liền. Đã biết bao đêm giao thừa, ngư dân vạn chài đón năm mới sang trong lặng lẽ với đêm tối mịt mùng trên biển bởi không ánh điện, không tiếng pháo. Quanh năm vất vả mưu sinh, thậm chí có nhà cũng chẳng còn sắm sửa để đón một cái Tết bởi cái đói, cái nghèo cứ bám riết lấy họ. Nhưng nay đây, một mùa xuân mới lại đến, cuộc sống mới đã về, bỏ lại sau lưng những quãng ngày cơ cực, ngư dân làng chài lại nô nức, nhộn nhịp chuẩn bị đón một cái Tết sum vầy, không còn phải sống trong cảnh thiếu điện, thiếu nước. Mùa xuân này là mùa xuân thứ 2 ngư dân làng chài lên bờ đón Tết nên nhiều người dân dự định nghỉ đi biển sớm để ở nhà sắm Tết. Theo lời kể của cụ Nguyễn Thị Lộc, 81 tuổi (trước đây ở làng chài Cửa Vạn) - một trong những người nhiều tuổi nhất ở khu tái định cư làng chài đã có 80 năm tôi đón Tết trên biển, nghĩ lại thấy cũng bồi hồi, xao xuyến lắm! Tôi không dám mơ rằng, đến gần cuối đời, mình lại được đón Tết trên bờ. Nhớ lại những năm tháng đón Tết lênh đênh trên biển, cụ Lộc bảo tiếp: “Tết khi ấy thật buồn tẻ. Đêm giao thừa, chẳng có nhạc, chẳng được ngắm pháo hoa, bốn bề là biển, tối mù mịt, chẳng khác gì ngày thường. Cũng vì ở trên biển, khó mua bán, nên suốt 80 mùa xuân ấy, nhà cụ Lộc chưa bao giờ sắm một cành đào hay một cây quất về để chơi Tết. Mâm cơm cúng ngày Tết rất đơn giản, chỉ có con gà, chút hoa quả, đĩa xôi, rượu trắng. Thường thì mùng 1 hoặc mùng 2, gia đình cụ đã hoá vàng. Còn việc gói bánh chưng thì kỳ công vô cùng. Trước đây vì lênh đênh trên biển nên việc mua sắm vô cùng khó khăn, có nhà cũng chẳng kịp chuẩn bị đón Tết gọi là tươm tất. Nhưng giờ, khi lên bờ mọi thứ đã trở lên thuận lợi hơn khi ngay tại khu tái định cư cũng có nhiều quầy hàng hoá đa dạng, từ hoa quả cho đến thịt lợn, thịt gà, vàng mã... Chị Dương Thị Hằng, 33 tuổi nói:  Thiếu cái gì, tôi lại chạy ra đây mua sắm, tiện lợi lắm. Khác hẳn với những cái Tết trước, chẳng mua sắm được gì nhiều. Giao thừa giờ vui và ý nghĩa hơn hẳn. Mọi người chở nhau đi chơi, mua hoa đào và cùng ngắm pháo hoa trên phố để thỏa niềm ước mong và cầu cho một năm mới trời yên biển lặng... Một mùa xuân mới lại về với ngư dân làng chài, lũ trẻ con có lẽ sẽ là người vui nhất bởi sẽ không còn đón Tết trong sự buồn tẻ của những đêm 30 tối mịt mùng với những ánh mắt nhìn xa xăm vào lòng biển mà chúng tung tăng nô đùa trên những chiếc áo mới. Những tổ ấm bồng bềnh trên sóng hay những cụ già không còn những ánh mắt khắc khổ thay vào đó là nét thư thái, lạc quan được nhìn thấy con cháu sum vầy trong không khí ngày Tết đang mở ra bao ước vọng trong mùa xuân này. Thụy Anh