Huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) đẩy mạnh trồng cây lấy bột mang lại hiệu quả kinh tế cao

17:08 14/05/2024

Cây lấy bột được xem là loại cây mang hiệu quả kinh tế đáng kể. Vì vậy, trong những năm gần đây, một số địa phương vùng gò đồi của huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) đã đầu tư trồng một số cây lấy bột, cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/1 hec ta diện tích.

Các sản phẩm tinh bột của HTX.
Các sản phẩm tinh bột của HTX Sản xuất kinh doanh, dịch vụ tinh bột Hiền Thuấn.

Tinh bột có nhiều từ củ nghệ, mì tinh, sắn dây, củ chuối… Dưới thời bao cấp, các loại củ này được người dân sử dụng rộng rãi như món khoai luộc để ăn thay cơm. Củ nghệ vàng được chế biến thành tinh bột nghệ có giá trị dược liệu hoặc dùng làm gia vị trong thực phẩm. Tinh bột nghệ tốt cho hệ tiêu hóa, cải thiện sức khỏe tim mạch, giảm cân, tốt cho phụ nữ mang thai. Còn bột mì tinh dùng để làm bánh xoài, bột này chứa nhiều vitamin B9 và các khoáng chất. Là thực phẩm an toàn cho trẻ sơ sinh và phụ nữ mang thai. Những năm trước đây, các loại cây lấy bột này được trồng trong vườn nhà, nhằm cung cấp cho gia đình, chưa được xem là hàng hóa mang tính thương mại. Vì khâu chế biến còn thủ công, người tiêu dùng chưa được tuyên truyền về công dụng của nó. Từ ngày Nhà nước có chủ trương liên kết “4 nhà” trong nông nghiệp, huyện Lệ Thủy đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chuyển những diện tích sản xuất lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây cho thu nhập cao hơn. Việc Hợp tác xã Sản xuất kinh doanh, dịch vụ tinh bột Hiền Thuấn ra đời trong bối cảnh vận dụng các chính sách hỗ trợ với Nhà nước để sản xuất kinh doanh các loại cây lấy tinh bột phục vụ cho người tiêu dùng. Chị Dương Thị Hiền, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc HTX cho biết: “Những năm đầu bắt tay vào sản xuất, cơ sở gặp rất nhiều khó khăn. Từ sản xuất, chế biến bột mì tinh chuyển qua chế biến tinh bột nghệ. Khó khăn lớn nhất là khâu nguyên liệu đầu vào. Sau khi mở rộng quy mô cơ sở sản xuất, thành lập HTX, chúng tôi đã ký hợp đồng với người dân trong vùng trồng cây nghệ, cây mì tinh để có đủ nguyên liệu cho chế biến”.

Sau ngày thành lập HTX, vốn điều lệ được tăng lên, thế mạnh từng cá nhân được phát huy. Có bộ phận nghiên cứu thị trường, ký kết thu mua nguyên liệu. Trung bình mỗi năm HTX thu mua gần 40 tấn củ nghệ, củ mì tinh, cung cấp ra thị trường gần 5 tấn tinh bột. HTX đã tạo việc làm thường xuyên cho trên 10 lao động trên địa bàn với mức lương trên 6 triệu đồng.

Điểm giới thiệu sản phẩm.jpg
Điểm giới thiệu sản phẩm của HTX Sản xuất kinh doanh, dịch vụ tinh bột Hiền Thuấn.

Tìm hiểu thêm, chúng tôi được biết: Để làm ra sản phẩm tinh bột đạt tiêu chuẩn, người sản xuất phải tuân thủ nghiêm các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, kỹ thuật phơi, sấy để giữ màu cho bột. Đi lên từ tổ hợp tác, HTX Sản xuất kinh doanh và dịch vụ tinh bột Hiền Thuấn đã mở rộng thị trường bán hàng trên khắp cả nước và cả nước ngoài. Bên cạnh làm tốt công tác sản xuất kinh doanh, HTX còn tham gia các hoạt động xã hội, giúp đỡ hộ nghèo, hộ chính sách, neo đơn ở làng quê vượt lên hoàn cảnh khó khăn để sống tốt. Làm tốt “Phong trào đền ơn, đáp nghĩa”, tài trợ kinh phí cho các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao ở địa phương. Việc HTX Sản xuất kinh doanh và dịch vụ tinh bột Hiền Thuấn ra đời đã giúp cho người nông dân tiếp cận được những tiến bộ về khoa học - kỹ thuật trong trồng trọt. Phát huy được tiềm năng, thế mạnh là vùng gò đồi để trồng các loại cây có giá trị về kinh tế, tạo được chuyển dịch cơ cấu cây trồng, tăng giá trị trên một đơn vị diện tích. Với việc liên kết để tạo ra chuỗi sản phẩm có giá trị cao trên vùng đất gò đồi đã đem lại hướng đi mới về phát triển kinh tế xã hội cho huyện Lệ Thủy; góp phần phát triển liên kết giữa các xã vùng ven, vùng núi của huyện như các xã Mai Thủy, Trường Thủy, Thái Thủy, Tân Thủy, Dương Thủy, Phú Thủy, Sơn Thủy…

Để nâng cao chất lượng sản phẩm, cũng như quảng bá sản phẩm tinh bột nghệ, mì tinh đến người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh, huyện Lệ Thủy đã giới thiệu HTX Sản xuất kinh doanh và dịch vụ tinh bột Hiền Thuấn tham gia chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), đồng thời hỗ trợ HTX triển khai thực hiện tư vấn các thủ tục, hồ sơ, đăng ký bao bì, nhãn mác, tem, truy xuất nguồn  gốc.

Giấy chứng nhận sản phẩm OCOP.jpg
Giấy chứng nhận sản phẩm OCOP sản phẩm tinh bột nghệ Hiền Thuấn.

Từ việc tham gia chương trình OCOP, HTX xã được cử đi tham dự Hội nghị kết nối các sản phẩm tham gia chương trình OCOP ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Trong các năm 2020, 2021 và 2022, HTX do chị Dương Thị Hiền làm Giám đốc đều được UBND tỉnh Quảng Bình đánh giá, phân hạng 3 sao cho sản phẩm tinh bột. Từ năm 2017 đến nay, HTX cũng đã được Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình tặng nhiều Bằng khen vì đã có “Thành tích xuất sắc trong lao động sản xuất kinh doanh và công tác Hội Phụ nữ”.

Trọng Lãnh