Doanh nghiệp xuất khẩu gỗ sang EU cần sẵn sàng ứng phó Quy định chống phá rừng

15:42 31/05/2024

Theo quy định mới từ EU, sản phẩm được coi là hợp pháp nếu quá trình sản xuất tuân thủ các quy định về đất đai, bảo vệ môi trường, sử dụng lao động, nhân quyền và các quy định về thuế, phí.

Tại sự kiện của ngành cao su về chuẩn bị đáp ứng Quy định chống phá rừng của châu Âu (EUDR), ông Hoàng Thành, đại diện của Phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam, đã chia sẻ thông tin quan trọng: Ngày 23/6/2023, EU ban hành Quy định chống mất rừng (EUDR), quy định này cấm nhập khẩu bảy nhóm mặt hàng (cà phê, dầu cọ, gỗ, cao su, thịt bò, cacao và đậu) vào EU nếu quá trình sản xuất các mặt hàng này gây mất rừng. Theo EUDR, nông sản gây mất rừng được tính từ ngày 31/12/2020 trở đi. Sản phẩm được coi là hợp pháp nếu quá trình sản xuất tuân thủ các quy định về đất đai, bảo vệ môi trường, sử dụng lao động, nhân quyền và các quy định về thuế, phí.

Doanh nghiệp xuất khẩu gỗ sang EU cần sẵn sàng ứng phó Quy định chống phá rừng
Doanh nghiệp xuất khẩu gỗ sang EU cần sẵn sàng ứng phó Quy định chống phá rừng.

Việt Nam có ba mặt hàng quan trọng xuất khẩu vào EU là cà phê, gỗ và cao su, đều nằm trong phạm vi điều chỉnh của EUDR. Giá trị kim ngạch xuất khẩu ba mặt hàng này của Việt Nam vào EU mỗi năm trên 2,5 tỷ USD. Ví dụ, mặt hàng cao su của Việt Nam đã được xuất khẩu đến hơn 80 quốc gia. Trong năm 2023, Trung Quốc dẫn đầu thị phần với 79,6%, Ấn Độ chiếm 5,3% và EU chiếm 3,1% với tổng lượng xuất khẩu đạt 66.472 tấn, giá trị gần 94,3 triệu USD. Xuất khẩu gỗ cao su mang về 2,2 tỷ USD trong năm 2023, và sản phẩm cao su chế biến sâu đạt kim ngạch cao nhất với 4,4 tỷ USD, tăng 3,5% so với năm 2022.

Mặc dù EU không phải là thị trường xuất khẩu dẫn đầu của toàn ngành cao su Việt Nam, nhưng vẫn là khách hàng quan trọng đối với nhóm ngành cao su thiên nhiên và sản phẩm cao su chế biến sâu. EU là thị trường tiềm năng với sức mua cao và nhiều dư địa phát triển.

Ông Hoàng Thành nhấn mạnh, để đáp ứng yêu cầu của EUDR, các sản phẩm như cao su muốn nhập khẩu vào EU cần đảm bảo tuân thủ đầy đủ các quy định về Trách nhiệm giải trình (Due diligence), bao gồm việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm tới từng lô đất sản xuất ra các hàng hóa đó.

Hiệp hội Cao su Việt Nam đề xuất Bộ NN&PTNT tăng cường kiến nghị với EU về lộ trình cụ thể đối với việc thực thi EUDR, ban hành tài liệu kỹ thuật hướng dẫn cho các ngành hàng bị ảnh hưởng, trong đó có ngành cao su, để có kế hoạch thích ứng kịp thời.

Cùng với đó, Hiệp hội cũng đề nghị Nhà nước nghiên cứu các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp và nâng cao năng lực hộ tiểu điền cao su trong việc thích ứng với EUDR, đặc biệt là về dữ liệu định vị, truy xuất nguồn gốc. Đây là những giải pháp cấp bách để “gỡ hàng rào” EUDR trong thời gian tới.

P.V (t/h)