Doanh nghiệp vẫn “loay hoay” khi ra biển lớn

00:00 12/10/2020

Ở một hội thảo, có một doanh nghiệp nhỏ ở Sóc Trăng đặt câu hỏi: Làm thế nào để xuất khẩu được đặc sản khô cá dứa?

Hàng loạt các chương trình đưa hàng Việt đi ASEAN được tổ chức, nhưng các doanh nghiệp cũng chẳng mấy mặn mà.

Tất nhiên, chẳng có diễn giả nào trả lời được với câu hỏi mang tính chung chung như vậy. Chưa có tầm nhìn cụ thể, chưa có định hướng, chưa biết bắt đầu từ đâu là đặc điểm chung của các doanh nghiệp khi bơi ra biển lớn. Hàng loạt các chương trình đưa hàng Việt đi ASEAN được tổ chức, nhưng các doanh nghiệp cũng chẳng mấy mặn mà.

Trong khi đó, theo ông Phạm Thiết Hòa - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM (ITPC), hiện các doanh nghiệp Việt vẫn chưa khai thác hết tiềm năng của thị trường ASEAN mà nguyên nhân chính là vì doanh nghiệp chưa trang bị đủ các thông tin cần thiết về thị trường. 

Theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Tuệ Anh - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Quản lý Trung ương (CIEM), dù gia nhập đã 3 năm nhưng hiểu biết của doanh nghiệp về Cộng đồng Kinh tế chung ASEAN (AEC) còn hạn chế, đặc biệt là những kiến thức chuyên sâu và chính sách phát triển kinh doanh đi kèm. “Tôi cho rằng đây cản trở lớn của doanh nghiệp”, bà Tuệ Anh nói.

Theo ông Phạm Thành Kiên, Giám đốc Sở Công Thương TP HCM, các hàng rào thuế quan và phi thuế quan giữa các nước trong Cộng đồng AEC đang dần xóa bỏ, nhưng từ năm 2015 đến nay, lượng hàng hóa từ TP.HCM xuất vào ASEAN mỗi năm đều tăng nhưng không có đột biến. Trong khi đó, nhập khẩu từ thị trường này lại tăng trưởng cao hơn nhiều (năm 2017 nhập siêu 8,15 tỉ USD, tăng 13% so với cùng kỳ). “Điều này cho thấy nhập siêu từ ASEAN là đáng lo ngại”, ông Kiên bình luận.

Còn theo bà Lý Kim Chi - Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP.HCM, nhiều mặt hàng của Thái Lan (từ thực phẩm cho đến thời trang, dệt may, da giày, hàng gia dụng, điện tử, điện lạnh...) đang được quảng bá và bày bán khắp các chợ truyền thống và siêu thị.

“Các doanh nghiệp trong nước điêu đứng bởi giá hàng Thái thường rẻ hơn, mà chất lượng, mẫu mã cũng được người tiêu dùng đánh giá cao hơn”, bà Chi nhận định.

Thống kê cho thấy tỉ trọng hàng hóa xuất sang ASEAN của Việt Nam vào năm 2017 đạt 11%, tăng không nhiều so với mức gần 10% của năm ngoái. Nguyên nhân là vì thiếu thông tin, sức mạnh nội tại của doanh nghiệp và các chính sách hỗ trợ chưa thực sự lan tỏa.

Áp lực đối với hàng hóa Việt Nam ngày càng lớn hơn, không chỉ bởi các kênh phân phối hầu hết được chiếm lĩnh bởi các nhà đầu tư ngoại và hàng nhập phủ sóng, mà còn đến từ thỏa thuận thương mại song phương và đa phương đang được đàm phán.

Tuy nhiên, trên thực tế, hàng Việt vẫn còn những nét hấp dẫn riêng và nhiều doanh nghiệp vẫn xuất khẩu tốt. Chẳng hạn, trường hợp của Vinamit với các sản phẩm trái cây sấy dẻo hay sấy khô. Ông chủ Nguyễn Lâm Viên của Vinamit mới đây cho hay, thị trường Thái đón nhận khá nhiệt tình dòng sản phẩm sấy khô mới (nước mía hay cà phê sấy khô). Tương tự là Gỗ An Cường với doanh thu tính bằng triệu USD cho sản phẩm gỗ nội thất xuất khẩu

Nguyễn Việt