Doanh nghiệp sản xuất lo lắng về đề xuất tăng giá điện ủa Tập đoàn Điện lực Việt Nam

11:19 03/04/2023

Doanh nghiệp sản xuất cho biết khá lo lắng về đề xuất tăng giá điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, việc tăng giá điện sẽ tác động đến chi phí sản xuất của các doanh nghiệp, khiến các chi phí này đội lên trong bối cảnh đơn hàng đang thiếu.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Ông Phạm Văn Việt, Tổng giám đốc Công ty TNHH Việt Thắng Jean (VitaJean) cho biết, hiện doanh nghiệp dệt may vốn đang rất chật vật vì đơn hàng giảm, nếu giá điện sắp tới được điều chỉnh tăng sẽ là một áp lực lớn đối với các doanh nghiệp. Ước tính trung bình, mỗi tháng một nhà máy của VitaJean tiêu tốn khoảng 600.000 triệu đến 1 tỷ đồng tiền điện, giá điện tăng lên bao nhiêu phần trăm thì doanh nghiệp phải trả thêm từng đấy.

Không riêng doanh nghiệp dệt may, thủy sản cũng là ngành hàng sử dụng điện nhiều trong quá trình sản xuất, bảo quản. Một số doanh nghiệp cho rằng giá điện tăng sẽ là cú đấm bồi cho doanh nghiệp lúc này.

Đặc biệt là ngành xuất khẩu tôm đang chịu tác động lớn từ lạm phát ở thị trường Mỹ, EU và cạnh tranh gay gắt từ tôm Ấn Độ, Ecuador. Vốn dĩ giá thành sản xuất tôm Việt Nam đã cao hơn các đối thủ khoảng 1 USD/kg. Nếu chi phí sản xuất tiếp tục lên cao mà khách hàng không chấp nhận tăng giá, doanh nghiệp sẽ phải đứng trước bài toán một là chịu lỗ, hai là giảm đơn hàng, nguy cơ mất thị trường.

Ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch HĐQT CTCP Thủy sản Thuận Phước cho biết hiện nay các doanh nghiệp đang trong tình cảnh “trăm dâu đổ đầu doanh nghiệp”, hứng chịu mọi hệ lụy từ dịch Covid-19, suy thoái kinh tế thế giới, xung đột Nga - Ukraine… Tình trạng này đang làm cho ngành xuất khẩu thủy sản đi xuống. Nhất là doanh nghiệp xuất khẩu tôm khó khăn kéo dài đến quý II/2023. Trong bối cảnh đơn hàng giảm, lãi suất tăng, việc tăng giá điện sẽ là cú đấm bồi với doanh nghiệp và khó gượng dậy nổi.

Vì thế việc chỉnh giá điện cần cân bằng lợi ích giữa EVN và doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu. Chủ tịch HĐQT CTCP Thủy sản Thuận Phước cho rằng năm 2023 không phải là thời điểm hợp lý để tăng giá điện và giá điện sẽ khó có thể điều chỉnh theo cơ chế thị trường khi EVN vẫn còn độc quyền.

Ông Nguyễn Thanh Trung - chủ tịch HĐQT Tôn Đông Á - cho biết từ khi EVN công bố lỗ và đề xuất tăng giá điện, doanh nghiệp này đã dự phòng các tình huống có thể xảy ra.

Theo ông Trung, việc tăng giá điện sẽ tác động ngay đến chi phí sản xuất của mọi ngành sản xuất. Đặc biệt với ngành thép nói chung và ngành mạ - đây là những ngành tiêu tốn nhiều điện năng, nên việc tăng giá điện sẽ ảnh hưởng lớn.

Sức mua giảm sút trong khi mọi chi phí đều tăng, theo ông sẽ là gánh nặng lớn với doanh nghiệp nếu giá điện tăng.

Cũng theo các doanh nghiệp, cần phải đảm bảo tính công khai minh bạch trong sản xuất kinh doanh ngành điện. Việc điều chỉnh tăng cần cân nhắc mức phù hợp và lộ trình hợp lý, tránh "gây sốc" và lựa chọn thời điểm khi sức khỏe doanh nghiệp tốt hơn. 

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Nguyễn Mạnh Hùng - chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng, thành viên của đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện - cho biết các báo cáo về tình hình sản xuất, kinh doanh điện của EVN đều là những báo cáo đã được cơ quan kiểm toán độc lập thực hiện.

"Chúng tôi đứng ở góc độ bảo vệ người tiêu dùng sẽ rà soát các báo cáo, chi phí mà ngành điện đưa ra. Nếu những chi phí không hợp lý, hợp lệ sẽ phải yêu cầu để loại bỏ ra. Tuy nhiên, qua kiểm tra không có trường hợp như vậy" - ông Hùng nói.

Cũng theo ông Hùng, EVN là đơn vị mua điện từ nhiều nhà sản xuất điện với chi phí cao, đặc biệt là các nguồn điện than, điện năng lượng tái tạo. Trong khi giá bán lẻ điện bình quân mà EVN bán cho người dân, doanh nghiệp chưa điều chỉnh tăng tương ứng. Vì vậy, nếu giữ nguyên giá bán lẻ điện bình quân hiện nay sẽ gây lỗ cho doanh nghiệp.

Ông Hùng khẳng định các báo cáo kiểm toán được đoàn kiểm tra liên ngành gồm đại diện các bộ ngành, đại diện cho người dân, doanh nghiệp thực hiện. Cụ thể là Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Điện lực, Hội Bảo vệ người tiêu dùng, VCCI tham gia thẩm định nghiêm túc. Sau khi có kết quả kiểm tra đã được Bộ Công Thương họp báo công bố công khai theo đúng quy định về công khai minh bạch của ngành điện.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Chuyên gia kinh tế cho rằng nền kinh tế của Việt Nam đang theo định hướng thị trường, vì vậy ngành điện cũng cần vận hành theo quy luật này. Trong 3 năm nay, giá điện chưa tăng, nhưng lạm phát, chi phí đầu vào liên tục biến động mạnh. Dù doanh nghiệp nhà nước hay tư nhân đều không thể tồn tại nếu lỗ triền miên.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Từ đầu năm, Thủ tướng Chính phủ đã 2 lần công khai quan điểm về giá điện.

GDP bình quân đầu người của Việt Nam chỉ có hơn 4.000 USD/năm, không thể sánh với các quốc gia đang phát triển có thu nhập 50.000 - 60.000 USD/năm. Nên chi phí sản xuất đầu vào phải phù hợp, giá cả phải phù hợp. Giá điện của Việt Nam không thể giống nước phát triển. Giá điện quá cao thì người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế không chịu được.

Đúng là có nhiều bất cập, mà những con số lỗ khủng của EVN chính là minh chứng, khi chúng ta “giữ giá” suốt 4 năm một loại hàng hoá đầu vào của nền kinh tế. Nhưng tăng thế nào, ở mức độ nào, vào thời điểm nào thì cần phải tính toán.

Lương cơ sở đến 1.7.2023 mới được điều chỉnh. Thực chất là bù giá cho những lần hoãn tăng lương. Giá dịch vụ y tế, giáo dục... những loại hàng hoá “thiết yếu của thiết yếu” cũng rục rịch tăng.

Vì thế, nói như Thủ tướng, bài toán lợi ích cần tính toán, suy nghĩ thấu đáo trên tinh thần “hài hoà lợi ích, khó khăn và rủi ro chia sẻ giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân, tránh điều hành "giật cục" để cân bằng giữa lạm phát và tăng trưởng.

Vũ Quý