Doanh nghiệp ngành chăn nuôi đang đối mặt với rất nhiều khó khăn

05:05 12/06/2023

Chi phí đầu vào thức ăn chăn nuôi không ngừng tăng cao.,hàng lậu tràn lan đang đẩy các doanh nghiệp, nông hộ chăn nuôi vào tình cảnh hết sức khó khăn, đối diện với nhiều nguy cơ phá sản.

Theo Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam (VIPA), mỗi tháng có hàng chục ngàn tấn gà sống thải loại được nhập lậu qua biên giới vào nước ta. Ngoài ra, cũng có nhiều phụ phẩm chăn nuôi giá rất rẻ như chân, đầu, cổ, cánh, da, lòng mề gia cầm, đặc biệt gà đẻ thải loại đông lạnh đã bỏ đầu, bỏ chân và nội tạng (còn được gọi là gà dai, phần lớn các nước phát triển không sử dụng làm thực phẩm cho con người) được nhập khẩu với khối lượng rất lớn vào Việt Nam.

Các sản phẩm này mang theo nhiều nguy cơ về các chủng virus cúm gia cầm và nhiều loại dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác xâm nhiễm từ nước ngoài lây lan rất cao, ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành chăn nuôi gia cầm và sức khỏe người dân.

Đồng thời, chi phí vật tư đầu vào, thức ăn chăn nuôi không ngừng tăng cao, trong khi giá sản phẩm thì liên tục giảm cũng khiến các doanh nghiệp đau đầu. Có thời điểm giá bán một số sản phẩm gia cầm chỉ bằng 2/3 giá thành sản xuất, khiến ngành chăn nuôi gia cầm phải đối mặt với vô vàn khó khăn, thách thức. Nhiều doanh nghiệp và trang trại chăn nuôi gia cầm đang có nguy cơ phá sản; hàng ngàn cơ sở chăn nuôi gà, vịt phải giảm quy mô sản xuất, hoặc phải tạm ngừng hoạt động do thua lỗ kéo dài.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Trước thực trạng này, mới đây, VIPA đã có văn bản kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các bộ, ngành liên quan xem xét một số nhóm giải pháp cấp bách và lâu dài nhằm tháo gỡ khó khăn cho ngành chăn nuôi gia cầm.

Theo đó, VIPA đề nghị các cơ quan chức năng thường xuyên tổ chức kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vận chuyển, buôn bán trái phép gia cầm và sản phẩm gia cầm qua biên giới.

Chính phủ kịp thời ban hành văn bản cấm nhập khẩu các sản phẩm thịt từ các nước có sử dụng chất kích thích sinh trưởng Ractopamine, Cysteamine. Rà soát cắt giảm một số phí kiểm dịch, các thủ tục hành chính không cần thiết.

VIPA cho biết, hiện nay quy định về lô hàng để tính phí kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật chưa rõ ràng và hợp lý. Trên thực tế, đối tượng khách hàng của các nhà máy giết mổ gia súc, gia cầm rất đa dạng, trong đó nhiều khách hàng nhỏ lẻ chỉ đặt mua 1 đơn hàng khoảng 5 - 10 kg thịt, nhưng khi kiểm dịch, cán bộ chuyên ngành vẫn tính là một lô hàng và thu phí 100.000 đồng, ngang bằng với mức phí kiểm dịch 1 container. Quy định này đã làm tăng chi phí sản xuất tại các nhà máy giết mổ gia cầm.

Mặt khác, trong khi các doanh nghiệp chăn nuôi, giết mổ gia súc, gia cầm đang đối mặt với nhiều khó khăn, thì nhiều quy định khác như thu phí kiểm dịch 200 đồng/con gia cầm, quy định về việc thực hiện thêm một bước công bố hợp quy độc lập khác theo Thông tư số 05/VBHN-BKHCN ngày 28/8/2017… đang tạo thêm áp lực cho doanh nghiệp, vì vậy, đề nghị các bộ, ngành xem xét lại, phối hợp với nhau thực hiện những giải pháp hỗ trợ giảm chi phí nguyên liệu, vật tư đầu vào phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Song song với đó, cũng cần cụ thể hóa các chỉ tiêu, lộ trình thực hiện xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi chủ lực trong từng giai đoạn, đẩy mạnh công tác đàm phán mở rộng thị trường xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi và hỗ trợ doanh nghiệp triển khai các thủ tục hành chính, quy định kỹ thuật đối với việc xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi nhằm rút ngắn thời gian chuẩn bị hồ sơ đàm phán. Đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp bằng các hành động thiết thực như miễn, giảm tiền thuê đất, hỗ trợ tín dụng đầu tư.

P.V(t.h)