Doanh nghiệp Mỹ hưởng lợi?

00:00 12/10/2020

Chiến tranh thương mại giữa hai cường quốc đứng đầu kinh tế thế giới Trung Quốc - Mỹ đã làm chao đảo cả thế giới nói chung và có những ảnh hưởng nhất định tới các doanh nghiệp của cả hai nước nói riêng. Đa số ý kiến cho rằng Mỹ sẽ thua trong cuộc chiến, rằng các doanh nghiệp Mỹ đang phải chịu tổn thất lớn ở nhiều ngành, nhiều lĩnh vực khi phải chịu thuế quan, giá cả tăng lên, chính người dân cũng đang phải chịu chi phí đội cao cho các mặt hàng kể từ khi hoạt động qua lại với Trung Quốc bị hạn chế. Tuy nhiên nếu nhìn nhận ở một chiều hướng khác sẽ nhận ra các doanh nghiệp Mỹ vẫn được hưởng lợi hoặc không quá ảnh hưởng từ cuộc chiến này .

Hãy bắt đầu với tình hình của Trung Quốc để thấy được lợi thế của Mỹ. Xuất khẩu dịch vụ của Mỹ sang Trung Quốc ước tính 53,5 tỷ đô la, nhập khẩu các dịch vụ của Mỹ từ Trung Quốc ước tính chỉ 16,1 tỷ đô la. Nền kinh tế Trung Quốc phụ thuộc vào xuất khẩu và gần 20% là xuất khẩu sang Mỹ. Bên cạnh đó, Trung Quốc đang trong tình trạng mắc kẹt tìm kiếm nguồn mua lại thặng dư hoặc phải sa thải một lượng lớn lao động khi cơ cấu lại các nhà máy sản xuất và cố gắng xây dựng thương mại với các quốc gia khác. Một vấn đề lớn hơn đối với quốc gia đông dân nhất thế giới này đó là thực phẩm. Trung Quốc mua nhiều loại thực phẩm từ Hoa Kì. Mất nguồn cung thực phẩm có tác động tiêu cực trực tiếp đến cuộc sống hàng ngày.

Như vậy ít nhất có thể thấy rằng Mỹ không quá lao đao trong cuộc chiến thương mại, có chăng chỉ là đắt lên vài mặt hàng. Mặc dù, các doanh nghiệp sẽ không mua được các mặt hàng với chi phí thấp, hay có ý kiến cho rằng các thị trường như Ấn Độ sẽ chẳng thể nào thực hiện được vị trí của Trung Quốc, nhưng với Mỹ sẽ chỉ chịu ảnh hưởng một năm, sau đó Ấn Độ hoặc một trong những đối tác thương mại khác có thể bắt đầu tăng sản lượng để đảm nhận vai trò của Trung Quốc.

Tiếp theo, hãy nhìn vào chiến lược của Trump. Raoul Leering, người đứng đầu phân tích thương mại quốc tế tại ngân hàng ING của Hà Lan lưu ý: “Liệu Tổng thống Trump thực sự không hiểu rằng một cuộc chiến thương mại là một tình huống thua lỗ hay ông đang chơi một trò chơi chiến lược thông minh?” Lập luận của Leeting cho rằng, bằng cách theo đuổi chiến lược ban đầu, ông Trump có thể thu hút về những nền kinh tế nhỏ hơn với các điều kiện thương mại thuận lợi cho Mỹ trong tương lai. Tổng thống đã miễn thuế với nhiều đối tác thương mại và cho họ đàm phán thỏa thuận gia hạn miễn thuế. Ví dụ, Hàn Quốc đã tuân thủ yêu cầu này và đồng ý mở thêm thị trường cho xe ô tô Mỹ, giảm dần các giới hạn xuất khẩu xe tải nhỏ của Hàn Quốc sang nước này. Chiến lược này cho thấy hiệu quả rõ rệt, kích thích nhập khẩu từ Hoa Kỳ của các nước. Bước đi này quả đang giúp mở rộng dần thị trường cho các doanh nghiệp.

Cùng với đó, động thái bảo vệ sở hữu trí tuệ của ông Trump cũng chính là đang bảo vệ các doanh nghiệp Mỹ bởi nếu không các doanh nghiệp sẽ mất lợi thế cạnh tranh và nền kinh tế quốc gia sẽ bị ảnh hưởng. Hầu hết các ngành từ sản xuất tiên tiến, phần mềm, viễn thông đến thực phẩm và nông nghiệp đều cần được bảo vệ.Trong lĩnh vực năng lượng, sự đổi mới này đã đem lại gia tăng đáng kể trong sản xuất, trong đó hỗ trợ hồi sinh các ngành sản xuất. Ngành công nghiệp robot, năng lượng, thép cũng hưởng lợi từ thuế quan  dù là ngắn hạn hay dài hạn. Bảo vệ sở hữu trí tuệ cũng chính là bảo vệ lợi ích của các doanh nghiệp.

Tổng thống Mỹ đã áp đặt thuế nhập khẩu đối với thép và nhôm, ký sắc lệnh áp đặt khoản thuế 60 tỷ đô la và hạn chế các doanh nghệp Trung Quốc đầu tư và hoạt động tại Mỹ. Phía Trung Quốc cũng chẳng vừa khi áp thuế nhập khẩu đối với 128 sản phẩm của Mỹ.

Đúng là không phải tất cả các doanh nghiệp trên đất Mỹ đều hài lòng về thuế quan nhưng không ai trong số họ mất trắng và điển hình hưởng lợi trong cuộ c chiến thương mại Mỹ-Trung là các công ty thép. Còn nhớ lời hứa chiến dịch của ông Trump đảm bảo các giao dịch tốt hơn cho Mỹ và bảo vệ các ngành công nghiệp như thép. Các nhà sản xuất kim loại hoan nghênh thuế quan. Họ hi vọng động thái này sẽ làm sống lại ngành công nghiệp. Từ lâu, ngành công nghiệp bị cho là phá hoại do sản xuất thừa thép tại Trung Quốc, mà Bộ Thương mại mỉa mai “đóng góp lớn nhất đối với 700 triệu tấn thép dư thừa trên thế giới”. Sau khi thông báo thuế quan được đưa ra, các công ty thép tại Mỹ đã chứng kiến cổ phiếu tăng. 5 nhà sản xuất niêm yết lớn nhất đã đạt gần 700 triệu đô la giá trị thị trường, khi các đối thủ nước ngoài của họ sẽ phải đối mặt với chi phí cao hơn để vận chuyển thép sang Mỹ.

Qua những diễn biến trong cuộc chiến tranh thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ nêu trên, nghi vấn Mỹ sẽ thua cuộc dường như chưa thể thành hiện thực khi thực tế vấn đề được nêu lên nhiều nhất trong thời gian qua là tăng giá và kể cả các công ty công nghệ làm ăn với Trung Quốc nhưu Apple thì vẫn bán hàng đều đều. Các doanh nghiệp Mỹ sẽ có thiệt hại nhưng lợi ích thu về không nhỏ. Bằng cách này hay cách khác, cho đến khi hai quốc gia ngã ngũ, các doanh nghiệp miền đất hứa vẫn được hưởng lợi từ cuộc chiến này.

Phan Lê Thu