Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung “leo thang”, VND sẽ tiếp tục mất giá?

00:00 12/10/2020

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung leo thang, đồng Nhân dân tệ (CNY) mất giá mạnh và nhiều ý kiến cho rằng VND sẽ tiếp tục mất giá? Liệu VND có nên tiếp tục mất giá? Nếu VND mất giá mạnh, Việt Nam có lợi hay không?

Để bạn đọc có thêm một góc nhìn nữa về diễn biến của VND trong tương quan của CNY, Dân Việt xin giới thiệu bài viết của ông Nguyễn Đức Hùng Linh, Giám đốc Bộ phận Phân tích và Tư vấn đầu tư khách hàng cá nhân SSI về vấn đề này.

Ông Nguyễn Đức Hùng Linh, Giám đốc Bộ phận Phân tích và Tư vấn đầu tư khách hàng cá nhân SSI

Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố tăng thuế từ 10% lên mức thuế cao hơn 25%, trị giá 200 tỷ USD nhập khẩu của Trung Quốc, vì quốc gia này đã từ chối đáp ứng nhu cầu của Hoa Kỳ và đã áp đặt mức thuế trả đũa đối với hàng hóa của quốc gia này. Động thái này đã làm bùng phát căng thẳng trong cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ - Trung Quốc.

Từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump cứng rắn với Trung Quốc làm đồng Nhân dân tệ (CNY) mất giá mạnh thì đồng VND cũng bị mất giá. Tính từ giữa tháng 6, VND đã mất 2,12% ở thị trường chính thức, 2,64% ở thị trường tự do.

Trước đây vào năm 2015 và 2016, VND cũng có 2 lần mất giá mạnh, năm 2015 cũng xuất phát từ Trung Quốc, còn 2016 là do ông Donald Trump thắng cử chức tổng thống Mỹ.

Năm 2015, lúc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (NHTW) bất ngờ phá giá CNY hơn 4%, tỷ giá tham chiếu mà NHTW Trung Quốc sử dụng có vai trò dẫn dắt thị trường. Tỷ lệ “tuân lệnh” của thị trường với việc tăng/giảm của tỷ giá tham chiếu ổn định ở mức cao, tương đương khoảng 70%.

Năm 2018, tỷ lệ “tuân lệnh” thấp hơn hẳn, chỉ là 46% (giai đoạn trước chiến tranh thương mại là 60%). Điều này cho thấy NHTW Trung Quốc  đang bị động khi tỷ giá tham chiếu phải chạy theo thị trường chứ không phải ngược lại.

Nói cách khác, NHTW Trung Quốc đang không kiểm soát nổi tỷ giá và CNY mất giá trong hơn 1 tháng nay phần lớn là do thị trường lo sợ chiến tranh thương mại sẽ làm tổn thương kinh tế Trung Quốc.

 Việc phá giá đồng CNY năm 2015 với giới phân tích là một sai lầm và Trung Quốc đã phải trả giá. Dòng vốn chảy ra khỏi Trung Quốc giai đoạn đó rất lớn, kéo tụt hẳn dự trữ ngoại hối từ 3,65 nghìn tỷ USD vào đầu tháng 8.2015 xuống còn 3,32 nghìn tỷ USD vào cuối tháng 1.2016.

Năm 2018 này mức độ mất giá CNY còn lớn hơn, và dòng vốn đầu tư chảy ra khỏi Trung Quốc cũng đã bắt đầu. Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài ngắn hạn chảy ra khỏi Trung Quốc vào tháng 6 là -20 tỷ USD, mức cao nhất kể từ đầu năm (số liệu của Standard Charter Bank). Lưu ý rằng chiến tranh thương mại Mỹ Trung mới chỉ bắt đầu từ giữa tháng 6.

Nếu không muốn tiếp tục mất tiền và nguy hiểm hơn là bất ổn kinh tế, xã hội thì NHTW Trung Quốc sẽ phải can thiệp để ngăn đà rơi tỷ giá.

Về phía tiền đồng VND, cung cầu ngoại tệ trong giai đoạn hiện tại không quá căng thẳng. VND đang bị ảnh hưởng chính bởi các yếu tố bên ngoài dẫn đến tâm lý thiếu ổn định và có thể gây lúng túng.

Đầu tháng 7, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã hạ sâu giá bán ngoại tệ để bình ổn thị trường nhưng do giá quá hấp dẫn khiến lực mua từ thị trường tăng vọt ( khoảng 2 tỷ USD). NHNN sau đó tăng giá bán trở lại, khởi đầu cho đợt mất giá tiếp theo.

Lập luận cần điều chỉnh VND theo CNY để giữ cạnh tranh xuất khẩu là 1 lập luận thiếu chắc chắn. Thực tế năm 2015-2016 đồng CNY mất giá nhiều hơn bây giờ nhưng lúc đó không ai lên tiếng hay ý kiến gì phải giảm giá đồng VND. Đồng VND ổn định giai đoạn dài 2016-2017 là điều rất tích cực, giúp ổn định tâm lý và sự tự tin của dân cư, doanh nghiệp với tiền đồng. Nếu như để mất đi sự tự tin đó thì là rất nguy hiểm.

Vay nợ nước ngoài của Việt Nam rất lớn, 49% của GDP trong khi vay nợ nước ngoài của Trung Quốc chỉ khoảng 14%. Dự trữ ngoại hối của Việt nam cũng thấp hơn hẳn, tầm 3-4 tháng nhập khẩu trong khi Trung Quốc là 2 năm. Vì thế VND mất giá với Việt Nam sẽ có ảnh hưởng tiêu cực và nguy hiểm hơn so với Trung Quốc.

Như vậy thì dù chiến tranh thương mại Mỹ Trung sẽ còn diễn biến phức tạp, đồng CNY cũng có thể còn mất giá thêm nhưng đường hướng điều hành tỷ giá của Việt Nam cần phải rõ ràng và nhất quán hơn để định hướng thị trường, định hướng tâm lý người dân giống như giai đoạn 2015-2017.

Trong những đợt sóng 2015, 2016 thì tỷ giá bình ổn lại sau 3 - 4 tháng. Tỷ giá 2018 mới bùng lên gần 2 tháng. Hy vọng với những suy đoán như trên thì tỷ giá sẽ ổn định ở mức này, không còn tạo sóng để doanh nghiệp và người dân tiếp tục yên tâm giữ VND.

 Nguyễn Đức Hùng Linh