Bài liên quan |
Xu hướng Fintech 2025 – Những “kỳ lân” tài chính số định hình lại ngành ngân hàng |
BIDV đứng đầu ngành Ngân hàng Việt Nam trong danh sách Fortune Southeast Asia 500 |
Tín dụng tăng tốc, hỗ trợ tăng trưởng GDP
Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 18/6/2025, dư nợ tín dụng toàn hệ thống đã tăng 7,14% so với cuối năm 2024, cao gần gấp đôi so với mức tăng 3,87% của cùng kỳ năm trước. Đây được xem là chỉ dấu tích cực trong nỗ lực đạt mục tiêu tăng trưởng GDP tối thiểu 8% trong năm 2025.
VCBS nhận định, xu hướng tín dụng sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trong nửa cuối năm, nhờ môi trường lãi suất thấp, cùng các gói vay ưu đãi đang được triển khai mạnh mẽ cho các lĩnh vực như công nghệ, bất động sản, doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME)... Đặc biệt, khi các vướng mắc pháp lý trong thị trường bất động sản được tháo gỡ và đầu tư công vào hạ tầng trọng điểm được đẩy mạnh, nhu cầu tín dụng sẽ tăng cao ở các phân khúc vay mua nhà, xây dựng, vật liệu...
Ngoài ra, hoạt động xúc tiến thương mại và hội nhập quốc tế của Việt Nam đang phát huy hiệu quả rõ nét, kéo theo sự hồi phục trong xuất nhập khẩu và nhu cầu vay vốn phục vụ mở rộng sản xuất – kinh doanh.
Theo dự báo của VCBS, tăng trưởng tín dụng toàn ngành trong năm 2025 có thể đạt mức 18%. Con số này cao hơn đáng kể so với mục tiêu 16% được Ngân hàng Nhà nước công bố từ đầu năm. Một khảo sát gần đây với các ngân hàng thương mại cũng cho thấy, kỳ vọng tăng trưởng tín dụng đã được điều chỉnh tăng lên mức 16,8%.
![]() |
Ngành ngân hàng bứt tốc nửa cuối năm: Tín dụng tăng mạnh, lợi nhuận khởi sắc |
NIM chạm đáy trong quý II, hồi phục nhờ tín dụng SME và bán lẻ
VCBS nhận định biên lãi ròng (NIM) của các ngân hàng đã chạm đáy trong quý II/2025 và sẽ bắt đầu hồi phục từ quý III. Tín dụng tăng mạnh ở nhóm khách hàng SME và phân khúc bán lẻ – vốn có mức lãi suất cho vay cao hơn – sẽ giúp cải thiện NIM và giảm bớt áp lực cạnh tranh trong hệ thống.
Chi phí vốn cũng được kỳ vọng giảm nhẹ nhờ việc các ngân hàng đẩy mạnh huy động tiền gửi không kỳ hạn (CASA), đồng thời kiểm soát tốt chi phí huy động trong bối cảnh lãi suất huy động duy trì ổn định.
Một điểm tích cực khác được chỉ ra là tỷ lệ nợ xấu tiềm ẩn đã giảm liên tiếp trong bốn quý gần đây. Việc nợ tái cơ cấu dần quay trở lại nhóm nợ thông thường góp phần giảm áp lực trích lập dự phòng và chuyển nhóm nợ.
Đặc biệt, các quy định xử lý nợ xấu tại Nghị quyết 42 đã chính thức được luật hóa trong Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), có hiệu lực từ năm 2025. Đây được kỳ vọng sẽ tạo hành lang pháp lý vững chắc, hỗ trợ các ngân hàng – nhất là nhóm ngân hàng vừa và nhỏ – xử lý tài sản đảm bảo nhanh hơn, rút ngắn thời gian thu hồi nợ.
Lợi nhuận ngân hàng bật tăng
Trên cơ sở các điều kiện thị trường hiện tại, VCBS dự báo nhiều ngân hàng sẽ ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận trước thuế từ 15% trở lên trong năm 2025. Trong đó, ba cái tên nổi bật là Ngân hàng Quân đội (MBB), Techcombank (TCB) và VietinBank (CTG).
Ngân hàng Quân đội (MBB) được kỳ vọng là một trong những ngân hàng có tăng trưởng tín dụng cao nhất toàn ngành, đạt tới 28% nhờ đẩy mạnh cả mảng bán buôn và bán lẻ. Với tỷ lệ CASA ở mức 35% – thuộc top đầu hệ thống – cùng chiến lược tập trung cho vay bán lẻ có lợi suất cao, NIM của MBB được dự báo sẽ cải thiện rõ rệt trong nửa cuối năm.
VCBS ước tính, lợi nhuận trước thuế năm 2025 của MBB có thể đạt 35.496 tỷ đồng, tăng 23% so với năm 2024.
Techcombank (TCB) được hưởng lợi lớn từ đà phục hồi của thị trường bất động sản và xây dựng – vốn là những lĩnh vực mà ngân hàng này có thị phần tín dụng mạnh. Tỷ lệ CASA duy trì ở mức cao tiếp tục mang lại lợi thế chi phí vốn.
Ngoài ra, kế hoạch IPO công ty con – Chứng khoán Kỹ thương (TCBS) – cũng được đánh giá là “cú hích” về nguồn vốn và củng cố vị thế của Techcombank trong hệ sinh thái tài chính đa năng. VCBS dự báo lợi nhuận trước thuế của TCB năm 2025 sẽ đạt 33.123 tỷ đồng, tăng trưởng 20% so với năm trước.
VietinBank (CTG) được kỳ vọng sẽ đạt tăng trưởng tín dụng 16,9% trong năm nay. Từ quý III/2025, NIM của ngân hàng này được dự báo sẽ phục hồi nhờ cải thiện cả đầu vào lẫn đầu ra. Đồng thời, chất lượng tài sản đang được kiểm soát tốt, với nhiều khoản nợ tái cơ cấu được hoàn nhập trích lập trong quý II/2025.
Lợi nhuận trước thuế cả năm 2025 của VietinBank được dự báo đạt 36.982 tỷ đồng, tăng 16% so với năm 2024.
Dù triển vọng chung của ngành ngân hàng đang khởi sắc, VCBS cũng lưu ý một số yếu tố cần theo dõi, như rủi ro lạm phát quay trở lại, sự chậm trễ trong giải ngân đầu tư công, hay việc hồi phục của thị trường bất động sản chưa đồng đều giữa các phân khúc.
Tuy nhiên, với nền tảng thanh khoản tốt, chất lượng tài sản được cải thiện và các biện pháp hỗ trợ từ phía chính sách, ngành ngân hàng đang sẵn sàng bước vào giai đoạn tăng trưởng bền vững hơn trong nửa cuối năm.