Tại cuộc họp kết quả công tác công an 6 tháng đầu năm diễn ra mới đây, Phó cục trưởng Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế, tham nhũng, buôn lậu (C03, Bộ Công an) cho biết, ông Đỗ Anh Tú - nguyên thành viên HĐQT Ngân hàng Tiên Phong (TPBank), nguyên Chủ tịch Chứng khoán Tiên Phong (TPS - Mã: ORS) và ông Nguyễn Hồ Nam - nhà sáng lập Bamboo Capital, đã bị khởi tố. Tổng cộng 15 bị can trong vụ án này đã bị khởi tố với cáo buộc có dấu hiệu Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
![]() |
Ông Đỗ Anh Tú. (Ảnh: TPBank). |
Đáng nói, trước khi bị khởi tố, ông Đỗ Anh Tú là Thành viên HĐQT kiêm Phó Chủ tịch HĐQT TPBank và trực tiếp nắm 3,71% vốn tại đây. Ngày 18/3/2025, ông Tú đã làm đơn từ nhiệm và được chấp thuận. Ngoài ra, ông Tú từng giữ chức Chủ tịch Chứng khoán Tiên Phong - TPS, doanh nghiệp do TPBank nắm 9% vốn.
Cũng hồi tháng 3, bộ đôi cổ phiếu TPB và ORS khi đó đã có nhiều phiên giảm sàn liên tiếp, trắng bên mua. Thị trường khi đó đã dấy lên nhiều thông tin về những vị lãnh đạo có liên quan đến TPBank và TPS đang bị cơ quan điều tra.
Tuy nhiên, sau khi phía cơ quan chức năng có thông báo chính thức về sự việc khởi tố hôm 7/7, TPS và ORS đã hồi phục trở lại, thậm chí trong phiên 9/7, tâm lý nhà đầu tư đã tích cực trở lại. Kết phiên, TPB tăng 6,43% lên 10.900 đồng/cp còn ORS tăng kịch trần lên 10.200 đồng/cp.
Bỏ qua những thông tin tiêu cực về việc khởi tố ít nhiều tác động đến kết quả kinh doanh của hai công ty này, dưới đây là bức tranh tài chính của hai doanh nghiệp dưới thời điều hành của ông Đỗ Anh Tú.
Cơ duyên của ông Đỗ Anh Tú đối với TPBank phải quay ngược thời gian vào năm 2011. Ông Tú cùng với người anh là ông Đỗ Minh Phú từng cho biết đã lên kế hoạch thành lập ngân hàng từ lâu.
Và thời cơ diễn ra vào năm 2011, sau khi bán Công ty Diana - công ty do hai anh em họ Đỗ thành lập để cạnh tranh với Kotex thời bấy giờ, họ thu về khoảng 184 triệu USD và trước làn sóng M&A ngân hàng, hai doanh nhân này đã lập tức chọn mua TPBank, do Tập đoàn FPT sáng lập.
TPBank từng là 1 trong 9 ngân hàng yếu kém trong danh sách tái cơ cấu của Nhân hàng Nhà nước (NHNN) năm 2011. Năm 2012, Tập đoàn DOJI - tập đoàn cũng do hai anh em ông Đỗ Minh Phú và Đỗ Anh Tú sáng lập chính tham gia vào ngân hàng này với việc nắm giữ 20% cổ phần.
Dưới sự dẫn dắt của 2 anh em doanh nhân họ Đỗ, TPBank đã ghi nhận sự lột xác mạnh mẽ, từ một ngân hàng yếu kém trở thành một trong những ngân hàng số hàng đầu với tốc độ tăng trưởng lợi nhuận và thị phần ấn tượng.
Biểu đồ kết quả kinh doanh dưới đây cho thấy, thu nhập lãi thuần của TPBank liên tục tăng trưởng kể từ khi có sự tham gia của DOJI. Đồng thời lợi nhuận trước thuế cũng đi lên theo thời gian (ngoại trừ năm 2023), lãi hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm.
![]() |
Nguồn: BCTC. |
Theo số liệu mới nhất, quý I/2025, lợi nhuận trước thuế của TPBank đạt hơn 2.100 tỷ đồng, tăng trên 15% so với cùng kỳ năm trước. Con số này giúp TPBank đứng thứ 14 trong tổng 27 ngân hàng công bố lợi nhuận quý đầu năm.
Trong quý, tổng thu nhập hoạt động của TPBank đạt gần 4.500 tỷ đồng. Trong đó, thu nhập từ lãi vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất, đạt 3.380 tỷ đồng. Thu nhập thuần từ dịch vụ tiếp tục là điểm sáng khi đạt 910 tỷ đồng, tăng 27% so với quý I/2024, đẩy tỷ trọng thu nhập dịch vụ trong tổng thu nhập hoạt động lên trên 20%, so với mức 15% cùng kỳ năm trước.
Tỷ lệ tăng trưởng tín dụng quý I của TPBank đạt 3,75%, cao hơn mức trung bình ngành (2,5%; tính đến ngày 25/3).
Đại diện TPBank cho biết, bên cạnh mảng cho vay cá nhân, nhà băng tập trung vào các ngành trọng yếu, ưu tiên cấp tín dụng cho các ngành thuộc lĩnh vực ưu tiên, phù hợp với định hướng của Chính phủ và NHNN. Dư nợ tín dụng năm 2025 được kỳ vọng tăng khoảng 20%-25%, phù hợp với hạn mức được NHNN cho phép.
Tỷ lệ nợ xấu của TPBank cuối quý I đạt 2,27%, tăng 0,75 điểm % sau ba tháng và đứng trong top 12 ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu thấp nhất ngành.
Tại TPBank, như đã nói ở trên, ông Đỗ Anh Tú từng Thành viên HĐQT kiêm Phó Chủ tịch HĐQT từ tháng 4/2023 cho nhiệm kỳ 2023-2028. Ông Tú nắm chức vụ này trong vòng 2 năm trước khi bị khởi tố.
Tính đến cuối năm 2024, cá nhân ông Tú trực tiếp nắm 3,71% vốn tại đây. Ngoài ra, con trai và con gái của ông Tú là Đỗ Minh Quân và Đỗ Quỳnh Anh cũng đang nắm lần lượt hơn 88,2 triệu cổ phiếu (3,34%) và 81,1 triệu cổ phiếu TPB (3,07%). Vợ ông Tú - bà Trung Thị Lâm Ngọc - nắm hơn 2,5 triệu cổ phiếu TPB (0,09%).
Tại Chứng khoán Tiên Phong (TPS - Mã: ORS), ông Đỗ Anh Tú được bầu vào HĐQT từ ngày 15/3/2021. Tuy nhiên, vị doanh nhân không nắm giữ lượng cổ phần nào tại công ty chứng khoán này.
Chứng khoán Tiên Phong tiền thân là Công ty Cổ phần Chứng khoán Phương Đông (ORS), đã chính thức gia nhập hệ sinh thái của TPBank từ tháng 4/2019.
Với sự hỗ trợ bởi nền tảng công nghệ và hệ sinh thái từ TPBank, TPS định hướng phát triển lĩnh vực: Ngân hàng đầu tư; Dịch vụ Môi giới và Quản lý tài sản chuyên nghiệp.
Lĩnh vực TPS chú trọng nhất là lĩnh vực Ngân hàng đầu tư, khi TPS đẩy mạnh các hoạt động tư vấn phát hành trái phiếu, tư vấn tái cấu trúc doanh nghiệp và các hoạt động mua bán sáp nhập.
Những năm gần đây, TPS thường xuyên gây chú ý khi góp mặt vào những thương vụ trái phiếu nghìn tỷ đình đám trên thị trường. Đơn vị này tập trung vào nghiệp vụ tư vấn phát hành và giao dịch trái phiếu, trong đó hai cái tên khách hàng nổi bật nhất là CTCP Tập đoàn R&H (R&H Group) và CTCP Đầu tư và Dịch vụ Helios. Đáng nói hai đơn vị này đều có bức tranh tài chính không mấy khả quan, kinh doanh bết bát, thua lỗ nhiều năm liền và liên tục chậm, hoãn thanh toán trái phiếu.
Bên cạnh đó, TPS cũng từng nhận nhiều quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán vì những vi phạm quy định về cung cấp dịch vụ tư vấn, gồm việc chưa tuân thủ đầy đủ trách nhiệm của tổ chức tư vấn khi cung cấp dịch vụ tư vấn trong việc rà soát việc đáp ứng đầy đủ quy định về điều kiện chào bán và hồ sơ chào bán trái phiếu theo quy định.
Đồng thời, TPS cũng từng bị phạt tiền do vi phạm quy định cho khách hàng thực hiện giao dịch ký quỹ vượt quá sức mua hiện có trên tài khoản giao dịch ký quỹ của khách hàng. Công ty cho các khách hàng thực hiện giao dịch ký quỹ vượt quá sức mua trên tài khoản giao dịch ký quỹ của khách hàng.
Về kết quả kinh doanh của TPS, dưới sự bổ trợ từ TPBank, doanh thu của công ty chứng khoán này đặc biệt tăng mạnh trong doanh giai đoạn 2021 - 2024. Đây cũng là giai đoạn ông Đỗ Anh Tú giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT tại TPS.
![]() |
Kết quả kinh doanh của TPS cải thiện sau khi về hệ sinh thái của TPBank và được bơm thêm vốn. (Nguồn: BCTC). |
Theo số liệu mới nhất, kết thúc quý I/2025, TPS lỗ ròng hơn 7 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước có lãi hơn 75 tỷ đồng. Lần gần nhất TPS báo lỗ là từ quý IV/2022. Và theo cập nhật tại ĐHĐCĐ thường niên vừa mới tổ chức cuối tháng 6, TPS dự kiến tiếp tục lỗ trong quý II.
Danh mục đầu tư cổ phiếu của TPS không được nêu chi tiết cụ thể tại cuối quý I, nhưng tại đầu năm 2025, danh mục này bao gồm chủ yếu là HPG và VHC, còn lại là BCG, NLG, PNJ với tổng giá trị hợp lý hơn 478 tỷ đồng, trong đó các khoản đầu tư vào BCG tạm lỗ đến gần 70%.
Ở kênh trái phiếu, TPS nắm giữ hơn 1.294 tỷ đồng các trái phiếu niêm yết của Chính phủ, Agribank, Sacombank và gần 789 tỷ đồng trái phiếu chưa niêm yết của VietinBank, Đầu tư và Phát triển năng lượng Thành Nguyên, Đầu tư Thương mại Dịch vụ Gia Khang.
Năm nay, TPS dự kiến triển khai phát hành trái phiếu với tổng hạn mức tối đa 3.000 tỷ đồng nhằm tái cấu trúc nguồn vốn và hỗ trợ phát triển các hoạt động kinh doanh cốt lõi. Bên cạnh đó đảm bảo dòng tiền ổn định, tăng tính chủ động trong các quyết định đầu tư và mở rộng dịch vụ.
Bên cạnh đó, công ty dự kiến phát hành cổ phiếu riêng lẻ với tổng giá trị tối đa 3.500 tỷ đồng, mức giá chào bán là 10.000/cp. Số tiền huy động được sẽ phân bổ 60% cho hoạt động môi giới, ký quỹ và ứng trước tiền bán; 30% cho tự doanh; 10% cho các hoạt động khác.
Tại ĐHĐCĐ thường niên, trả lời câu hỏi từ cổ đông, ông Nguyễn Hồng Quân – Phó Tổng Giám đốc TPBank – xác nhận, TPBank có quan tâm đến đợt phát hành này và kỳ vọng trở thành cổ đông chiến lược đầu tư quy mô lớn. Ông Quân cũng nhấn mạnh, TPBank đã hỗ trợ trực tiếp TPS trong giai đoạn khó khăn vừa qua, trong đó có đến 40% ban điều hành TPBank tham gia khắc phục thiệt hại sau sự cố.
Sự cố mà ông Quân đề cập là về 5 gói trái phiếu nhóm Bamboo Capital (Mã: BCG) bị HNX ngừng giao dịch đang gián tiếp ảnh hưởng đến TPS. Ban lãnh đạo cho biết đang phối hợp với tổ chức phát hành, cơ quan chức năng xử lý sớm, đảm bảo quyền lợi nhà đầu tư.
Mục tiêu năm 2025 của TPS là doanh thu 1.379 tỷ đồng, giảm 35% so với thực hiện năm 2024, lợi nhuận sau thuế dự kiến 111 tỷ đồng, giảm hơn 70%. Mức giảm này phản ánh sự thận trọng trong bối cảnh công ty tập trung xử lý các tồn đọng và củng cố nội bộ, kiểm soát rủi ro nhằm tránh lặp lại sự cố tương tự.