Doanh nghiệp gặp khó, Hiệp hội logistics ra giải pháp

16:46 04/06/2024

Để giải quyết những thách thức và thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, các doanh nghiệp logistics Việt Nam cần nâng cao nhận thức và kỹ năng về công nghệ, cải thiện hạ tầng công nghệ thông tin, tăng cường tiềm lực tài chính.

Tại Diễn đàn Logistics do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức, ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, hiện tại trên thị trường, các doanh nghiệp dịch vụ logistics thực hiện chuyển đổi số đạt từ cấp độ 3 trở lên còn rất ít, chủ yếu tập trung ở nhóm doanh nghiệp lớn. Trong khi đó, phần lớn với 90% các doanh nghiệp dịch vụ logistics ở Việt Nam còn đang ở giai đoạn số hóa. Điều này cho thấy, chuyển đổi số trong ngành logistics tại Việt Nam vẫn đang ở giai đoạn đầu, chưa thực sự được chú trọng và đầu tư đúng mức.

Tiến sĩ Nguyễn Minh Đức, Phó Chủ tịch Hiệp hội Logistics Hải Phòng đã chia sẻ những thông tin quan trọng về quá trình chuyển đổi số trong ngành logistics. Ông nhấn mạnh rằng, có 5 nhân tố chủ quan và khách quan ảnh hưởng đến quá trình này, bao gồm: nhận thức của lãnh đạo doanh nghiệp, nhận thức và kỹ năng của nguồn nhân lực, hạ tầng công nghệ thông tin, tiềm lực tài chính của doanh nghiệp, và các dịch vụ hỗ trợ.

Doanh nghiệp gặp khó, Hiệp hội logistics ra giải pháp
Doanh nghiệp gặp khó, Hiệp hội logistics ra giải pháp.

Ông Đức cho biết, nhận thức của lãnh đạo doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy quá trình chuyển đổi số. Khi lãnh đạo có tầm nhìn và quyết tâm áp dụng công nghệ mới, doanh nghiệp sẽ tiến xa hơn trong việc hiện đại hóa hoạt động của mình. Cùng với đó, nhận thức và kỹ năng của nguồn nhân lực cũng là yếu tố then chốt, bởi nhân lực có kiến thức và kỹ năng phù hợp sẽ giúp doanh nghiệp ứng dụng công nghệ một cách hiệu quả hơn.

Hạ tầng công nghệ thông tin được xem là nền tảng cần thiết để thực hiện chuyển đổi số. Một cơ sở hạ tầng mạnh mẽ sẽ hỗ trợ doanh nghiệp trong việc áp dụng và triển khai các công nghệ mới. Bên cạnh đó, tiềm lực tài chính cũng là một yếu tố quan trọng. Doanh nghiệp cần có nguồn tài chính vững mạnh để đầu tư vào công nghệ và đào tạo nhân viên.

Ngoài ra, các dịch vụ hỗ trợ từ bên ngoài, chẳng hạn như tư vấn, đào tạo và hỗ trợ kỹ thuật, cũng góp phần quan trọng trong quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp.

Tiến sĩ Nguyễn Minh Đức cũng nhấn mạnh rằng, các doanh nghiệp logistics tại Hải Phòng, giống như phần lớn các doanh nghiệp logistics Việt Nam, chủ yếu là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Hơn 80% trong số đó có quy mô nhân lực, cơ sở vật chất và tiềm lực tài chính hạn chế. Hiện tại, các doanh nghiệp này chỉ ứng dụng các công nghệ cơ bản như khai báo hải quan, quản lý vận tải và quản lý kho hàng, trong khi nguồn nhân lực chủ yếu được tự đào tạo tại doanh nghiệp.

Một thách thức lớn mà các doanh nghiệp logistics Việt Nam đang đối mặt là sự tham gia hạn chế vào chuỗi cung ứng của các tập đoàn toàn cầu như LG, Samsung, và Nike. Điều này khiến cho các doanh nghiệp khó phát triển đồng bộ với những xu thế mới và tiên tiến của thế giới.

Để giải quyết những thách thức này và thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, các doanh nghiệp logistics Việt Nam cần nâng cao nhận thức và kỹ năng về công nghệ, cải thiện hạ tầng công nghệ thông tin, tăng cường tiềm lực tài chính và tìm kiếm các dịch vụ hỗ trợ thích hợp. Việc tăng cường liên kết với các chuỗi cung ứng toàn cầu cũng là một bước cần thiết để nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp logistics, Tiến sĩ Nguyễn Minh Đức đã đề xuất năm giải pháp nhằm đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực này.

Thứ nhất, ông nhấn mạnh cần tăng cường công tác tập huấn và truyền thông, phát huy vai trò của các hiệp hội trong việc phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước và chuyên gia để cải thiện nhận thức và kiến thức về chuyển đổi số cho cộng đồng doanh nghiệp. Theo ông, quá trình chuyển đổi số tại các doanh nghiệp dịch vụ logistics phải gắn liền với chuyển đổi số tại các doanh nghiệp sản xuất, thương mại, cảng biển và các cơ quan quản lý nhà nước, hải quan.

Thứ hai, việc đầu tư cho các đơn vị đào tạo nguồn nhân lực logistics ở các cấp bậc đại học, đào tạo nghề và đào tạo ngắn hạn là rất quan trọng. Các trường đào tạo về logistics hiện tập trung chủ yếu tại Hà Nội và TP. HCM, nhiều trường mới bắt đầu tuyển sinh từ năm 2018. Do đó, cần đầu tư mạnh mẽ cho cơ sở vật chất thực hành, nguồn nhân lực giảng viên và ứng dụng công nghệ mới, đồng thời tăng cường sự kết nối giữa nhà trường và doanh nghiệp trong đào tạo và tuyển dụng.

Thứ ba, cần hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin và phát huy vai trò dẫn dắt của các cơ quan quản lý nhà nước trong việc xây dựng các nền tảng số. Việc này bao gồm tăng cường dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3 và 4, xóa bỏ thủ tục giấy tờ và áp dụng chữ ký số cho các dịch vụ công trực tuyến. Xây dựng các nền tảng số cho chuỗi dịch vụ logistics kết nối các bên liên quan để chia sẻ dữ liệu, tăng hiệu quả khai thác và giảm chi phí logistics cũng là một bước quan trọng.

Thứ tư, ông đề xuất phát huy vai trò của các tập đoàn và doanh nghiệp công nghệ trong việc cung cấp các giải pháp chuyển đổi số. Các giải pháp công nghệ nước ngoài khi vận hành tại Việt Nam cần được điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện thực tế trong nước và yêu cầu riêng của từng doanh nghiệp. Các tập đoàn công nghệ cũng cần hỗ trợ doanh nghiệp logistics trong việc bảo mật thông tin và đảm bảo an toàn hệ thống.

Thứ năm, cần có các biện pháp hỗ trợ và khuyến khích doanh nghiệp dịch vụ logistics chuyển đổi số. Chuyển đổi số đòi hỏi vốn đầu tư lớn và tiềm ẩn nhiều rủi ro, trong giai đoạn đầu chuyển đổi, các doanh nghiệp thường gặp khó khăn về giảm năng suất và thậm chí có thể thất bại. Do đó, sự hỗ trợ và khuyến khích từ phía các cơ quan quản lý nhà nước là rất cần thiết để đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số trong các doanh nghiệp logistics.

P.V (t/h)