Doanh nghiệp FDI mong Chính phủ hoạch định chính sách nhất quán

15:16 19/03/2024

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam cho rằng, mặc dù Chính phủ Việt Nam thúc đẩy số hóa, nhưng nhiều thủ tục hành chính như báo cáo, đăng ký, thông báo vẫn phải nộp bằng giấy hoặc thậm chí bằng cả hình thức giấy và điện tử.

Hội nghị Thủ tướng Chính phủ gặp mặt cộng đồng doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI) và Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF 2024) diễn ra ngày 19/3 tại Hà Nội đã đặt chủ đề "Doanh nghiệp FDI tiên phong thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh". Sự kiện được tổ chức bởi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam, Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) và Ngân hàng Thế giới (WB), với sự tham gia của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và các cơ quan chính phủ khác.

Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng khẳng định, DN nói chung và DN FDI nói riêng vừa là đối tượng vừa là chủ thể chủ động tham gia thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nhất là chủ trương xây dựng và hoàn thiện thể chế phát triển nhanh và bền vững trong giai đoạn mới. DN FDI phải tiên phong hiện thực hóa các mục tiêu, giải pháp của Chiến lược tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong đó, đẩy mạnh ứng dụng ESG trong sản xuất, kinh doanh.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, việc chọn chủ đề này đã thể hiện sự quyết tâm của Chính phủ trong việc thúc đẩy tăng trưởng xanh thông qua sự đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp FDI. Mục tiêu là hiện thực hóa các mục tiêu chiến lược liên quan đến giảm cường độ phát thải khí nhà kính, xanh hóa các ngành kinh tế và tăng cường khả năng chống chịu trước biến đổi khí hậu.

Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF 2024)
Toàn cảnh Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF 2024).

Ông Denzel Eades, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Anh Quốc tại Việt Nam, đã hoan nghênh những cam kết của Việt Nam đối với mục tiêu phát thải ròng bằng 0 và phát triển bền vững. Ông cũng đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ trong thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh, đặc biệt là trong việc cải cách hành chính và tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp.

Trong khi đó, ông Joseph Uddo, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam cho rằng: “Cần có sự phê duyệt kịp thời đối với giấy phép về quy hoạch và các giấy phép liên quan, giấy phép kinh doanh, đầu tư, phát triển bất động sản, thị thực cho người lao động nước ngoài, đặc biệt là các chuyên gia, cũng như việc sử dụng Chính phủ điện tử và phê duyệt điện tử cần sự đáng tin cậy và nhất quán. Mặc dù Chính phủ thúc đẩy số hóa, nhưng nhiều thủ tục hành chính như báo cáo, đăng ký, thông báo vẫn phải nộp bằng giấy hoặc thậm chí bằng cả hình thức giấy và điện tử”.

Tất cả các đề xuất trên nhằm mục đích thúc đẩy sự đổi mới và cải thiện môi trường kinh doanh, không chỉ để thu hút đầu tư mới mà còn để duy trì và phát triển các dự án đầu tư hiện có. Tuy nhiên, việc giải quyết các thủ tục hành chính chậm trễ vẫn là một thách thức đối với các doanh nghiệp, và cần được cải thiện để tăng cường khả năng cạnh tranh của Việt Nam trên thị trường quốc tế.

P.V (t/h)