Doanh nghiệp FDI sẽ tạo đòn bẩy để Việt Nam tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu

16:54 05/12/2023

Đây cũng là nhận định chung của các diễn giả tại hội thảo "Liên kết doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp FDI để tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu" diễn ra ngày 5/12.

Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VERP) cùng Viện Konrad-Adenauer-Stiftung (KAS) tổ chức
Toàn cảnh Hội thảo do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VERP) cùng Viện Konrad-Adenauer-Stiftung (KAS) đồng tổ chức.

Thời gian qua, bên cạnh những thành tựu đạt được của đầu tư nước ngoài như góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm cho người lao động và mở rộng hội nhập với thế giới… vẫn còn nhiều thách thức đối với đầu tư nước ngoài, một trong các thách thức đó là thúc đẩy sức lan tỏa của khối doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp trong nước, liên kết doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp FDI để tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Khu vực FDI là đầu tàu dẫn dắt xuất khẩu của Việt Nam

Tại Hội thảo "Liên kết doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp FDI để tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu", TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VERP) cho rằng khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài với sự góp mặt của nhiều tập đoàn đa quốc gia đã góp phần đưa Việt Nam từng bước tham gia chuỗi sản xuất toàn cầu, nâng cao năng lực sản xuất cho các doanh nghiệp trong nước.

S. Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VERP)
TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VERP).

Sự xuất hiện của các doanh nghiệp FDI không những là mắt xích quan trọng, mà còn tạo đòn bẩy để Việt Nam tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu. Điều này đã được thể hiện khi khu vực FDI luôn là đầu tàu dẫn dắt xuất khẩu của Việt Nam, với tỷ trọng ngày càng tăng trong tổng kim ngạch xuất khẩu. Xuất khẩu của các doanh nghiệp FDI chiếm lớn hơn 70% tổng trị giá xuất khẩu của cả nước, và cán cân thương mại hàng hóa của khối doanh nghiệp FDI có thặng dư lớn. Trong giai đoạn từ 2011 đến 2020, tỷ trọng xuất khẩu các sản phẩm công nghệ cao trong tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam đã đạt khoảng 35,9%. So sánh với các nước trong ASEAN giai đoạn 2015-2019, chỉ có 4 nước: Philippines, Singapore, Malaysia và Việt Nam có hàm lượng xuất khẩu công nghệ cao trung bình trên 30%. Điều này cho thấy Việt Nam đang dần thu hẹp khoảng cách với các nước trong khu vực về tỷ trọng xuất khẩu hàng công nghệ cao. Bên cạnh đó, tỷ trọng hàng hóa xuất khẩu qua chế biến trong tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam cũng đã tăng lên đáng kể. Tỷ trọng này đã tăng từ 65% năm 2016 lên 85% năm 2020 và 86,2% năm 2021. Đây cũng là một tín hiệu tích cực, thể hiện sự chuyển dịch cơ cấu xuất khẩu của Việt Nam theo hướng nâng cao giá trị gia tăng.

Việc thu hút FDI vào lĩnh vực công nghệ cao và chuyển giao công nghệ đã đem lại nhiều kết quả tích cực. Các tập đoàn công nghệ toàn cầu như Intel, Samsung, LG, Honda, Toyota đã đầu tư mạnh vào sản xuất công nghệ tại Việt Nam, thực hiện một số công đoạn sản xuất, lắp ráp ở các nhà máy tại Việt Nam đối với một số sản phẩm công nghệ cao, công nghiệp chế tạo. Báo cáo PCI 2022 cho thấy cơ cấu doanh nghiệp FDI có sự chuyển dịch sang các ngành có hàm lượng công nghệ cao. Gần một nửa (49,5%) số doanh nghiệp FDI được khảo sát hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp/chế tạo, 39% trong lĩnh vực dịch vụ/ thương mại và 7% trong lĩnh vực xây dựng.

Tại Hội thảo, ông Simon Kreye, Phó Đại sứ quán CHLB Đức tại Việt Nam chia sẻ: "Hiện nay có khoảng 500 công ty Đức đang hoạt động một cách thường xuyên tại Việt Nam, hoặc có hoạt động kinh doanh với các công ty Việt Nam. Đức cũng là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam trong số các quốc gia ở EU và 1 trong những nhà đầu tư lớn hàng đầu ở Việt Nam với tổng giá trị đầu tư là khoảng 2,4 tỷ euro giá trị FDI, với khoảng 450 các dự án FDI đang được triển khai và tạo ra trên dưới 50.000 việc làm cho người dân Việt Nam. Việc thúc đẩy sự tham gia của doanh nghiệp Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu thông qua việc tăng cường liên kết doanh nghiệp FDI là một trong những mục tiêu rất quan trọng của Đức khi chúng tôi đang tham gia quá trình cố gắng làm giảm rủi ro kinh tế cũng như đa dạng hóa đầu tư vào Việt Nam".

Đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp Mỹ tại Việt Nam, ông Bradley Lalonde, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam cho biết: "Tôi tin tưởng rằng Việt Nam và Hoa Kỳ đã bước vào kỷ nguyên mới trong quan hệ giữa 2 bên và mọi thứ đang chỉ phát triển theo chiều hướng tốt đẹp hơn. Chúng ta đã chứng kiến cơ hội khi xu hướng dịch chuyển ra khỏi Trung Quốc, các công ty ở Amcham cũng nhận ra điểm đó và việc nâng cấp mối quan hệ giữa hai nước đã tạo ra cơ hội cho việc chuyển dịch dòng vốn đầu tư sang Việt Nam. Giống như thời kỳ Việt Nam tham gia WTO, thời kỳ đó đã tạo ra sự tăng trưởng rất mạnh mẽ của đầu tư nước ngoài vào Việt Nam và chứng kiến sự tăng trưởng đầu tư 2 chiều từ Hoa Kỳ vào Việt Nam cũng như xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ. Giờ tôi nghĩ rằng sẽ có động lực lần thứ 2 giống như vậy, đặc biệt là các doanh nghiệp Việt Nam sẽ có cơ hội trong việc tiếp cận thị trường Hoa Kỳ hơn. Việc nâng cấp quan hệ chắc chắn sẽ tạo ra các tác động tốt đẹp và tích cực. Điểm mà tôi lạc quan nhất là tôi nghĩ rằng chúng ta sẽ thấy sự gia tăng số lượng doanh nghiệp, đây đang là kỉ nguyên của khởi nghiệp, của kinh tế số. Và tôi tin rằng, các doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ tham gia một cách sâu rộng hơn trong ngành công nghiệp phụ trợ cũng như chuỗi cung ứng với các doanh nghiệp Mỹ".

ông Simon Kreye, Phó Đại sứ quán CHLB Đức tại Việt Nam
Ông Simon Kreye, Phó Đại sứ quán CHLB Đức tại Việt Nam.

Nguồn vốn FDI dồi dào chưa thể kéo nền kinh tế lên nấc thang giá trị cao hơn

Theo báo cáo "Liên kết chuỗi giá trị của doanh nghiệp Việt Nam tới chuỗi giá trị toàn cầu" được công bố tại Hội thảo, mặc dù Việt Nam đã thu hút nhiều FDI, tuy nhiên chuyển giao công nghệ giữa các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước vẫn còn yếu. Đa số doanh nghiệp FDI tại Việt Nam là 100% vốn nước ngoài và tập trung vào tận dụng chi phí về nhà xưởng, lao động và các ưu đãi về thuế thay vì phát triển chuỗi cung ứng. Số lượng doanh nghiệp FDI chiếm tỷ lệ lớn trong việc thực hiện chuyển giao công nghệ tại Việt Nam, và các hợp đồng chuyển giao công nghệ chủ yếu là từ công ty mẹ tại nước ngoài cho công ty con tại Việt Nam. Doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp ký kết hợp đồng chuyển giao công nghệ với đối tác nước ngoài chiêm tỷ lệ rất nhỏ. Một số ngành công nghiệp Việt Nam vẫn đang sử dụng công nghệ lạc hậu, và chỉ có một số ngành như da giày đã đạt được tỷ trọng công nghệ cao cấp hơn. Về trình độ công nghệ và đổi mới sáng tạo, Việt Nam đứng ở vị trí thấp (thứ 90/100), trong đó công nghệ nền tảng thứ 92/100, năng lực đối mới sáng tạo (thứ 77/100), FDI và chuyển giao công nghệ xếp thứ 73/100 (World Economic Forum, 2019).

Do đó, tỷ lệ giá trị sản phẩm công nghệ trung bình và cao cấp của Việt Nam chỉ chiếm 30% trong tổng giá trị xuất khẩu, trong khi các nước trong khu vực là 80%, thấp như Philippines cũng chiếm 50%. Điều này cho thấy Việt Nam cần nỗ lực hơn để nâng cao trình độ công nghiệp hóa và chuyển giao công nghệ.

Đại diện nhóm nghiên cứu, TS.Nguyễn Quốc Việt, nhận định nguồn vốn FDI dồi dào đã cho Việt Nam một hình ảnh mới trên bản đồ thương mại nhưng chưa thể kéo nền kinh tế lên nấc thang giá trị cao hơn. Nhập khẩu đầu vào để gia công, lắp ráp của Việt Nam có giá trị gia tăng thấp, lan tỏa công nghệ yếu.

Nhóm ngành cơ bản (ngành cấp 1) có tỷ trọng lớn nhất trong xuất khẩu giá trị gia tăng của Việt Nam không chỉ phản ánh thực tế Việt Nam là một trong những nhà xuất khẩu hàng đầu thế giới của các sản phẩm như gạo, cà phê, hạt điều, hạt tiêu và các sản phẩm thủy sản mà còn cho thấy vai trò quan trọng của ngành nông nghiệp trong nền kinh tế quốc dân.

Nhóm ngành dịch vụ (ngành cấp 3) chiếm tỷ trọng lớn thứ 2 trong tổng xuất khẩu giá trị gia tăng của Việt Nam, chiếm 34% trong năm 2017.

Trong khi đó, tỷ trọng đóng góp vào xuất khẩu của nhóm ngành chế biến, chế tạo (ngành cấp 2) khá khiêm tốn, chỉ chiếm 25% năm 2017 mặc dù nhóm ngành này đang chiếm tỷ trọng lớn nhất trong giỏ xuất khẩu của Việt Nam.

"Sự bất đối xứng giữa tỷ trọng đóng góp vào tổng xuất khẩu và tổng xuất khẩu giá trị gia tăng của nhóm ngành chế biến chế tạo phản ánh thực tế xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu tập trung vào các hoạt động sử dụng nhiều lao động với giá trị gia tăng thấp, và các ngành công nghiệp hỗ trợ trong nước chưa đủ khả năng cung cấp cho các nhà sản xuất FDI định hướng xuất khẩu", ông Việt nói.

Đề cập đến thách thức từ chính sách thuế tối thiểu toàn cầu, TS. Nguyễn Quốc Việt cho rằng khả năng cạnh tranh trong thu hút FDI của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng trong ngắn hạn khi khung thuế ưu đãi thay đổi. Các quốc gia trong đó có Việt Nam sẽ phải chấm dứt cuộc đua xuống đáy về thuế và các ưu đãi dạng thuế với các nước trong khu vực.

Ngoài ra, các động lực thu hút dòng vốn FDI chất lượng, nhất là các lĩnh vực công nghệ cao, dịch vụ giá trị gia tăng, năng lượng tái tạo hướng tới kinh tế xanh, kinh tế số cũng sẽ gặp không ít thách thức.

Ông Simon Kreye nhận định thêm: "Để tăng cường mối liên kết giữa FDI và các doanh nghiệp Việt Nam, chính phủ Việt Nam đã có nhiều chính sách để hỗ trợ sự tham gia của các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong các ngành công nghiệp và chuỗi giá trị, dù vậy dường như là các công ty của Việt Nam mới chỉ tham gia vào thang bậc thấp trong chuỗi giá trị toàn cầu mà vẫn chưa được kết nối 1 cách đầy đủ với các doanh nghiệp FDI".

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

4 nhóm giải pháp thúc đẩy mối liên kết giữa doanh nghiệp Việt Nam với doanh nghiệp FDI

Để thúc đẩy mối liên kết giữa doanh nghiệp Việt Nam với doanh nghiệp FDI, tận dụng những tác động lan tỏa về mặt công nghệ và giúp doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, nhóm nghiên cứu đã đưa ra 4 nhóm giải pháp bao gồm:

Thứ nhất, thiết lập liên kết vùng: Tạo ra sự kết nối giữa các vùng đang trở thành một biện pháp tối quan trọng để thúc đẩy phát triển cụm công nghiệp, mở ra những cơ hội mới cho sự phát triển kinh tế của Việt Nam trong đó (i) việc xây dựng một khung pháp lý rõ ràng là cốt lõi để hỗ trợ quá trình liên kết vùng; (ii) cần thúc đẩy việc tham gia vào mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu, bằng cách tăng cường sự kết nối giữa các ngành công nghiệp, giữa các vùng nội địa và giữa các vùng khác nhau và đẩy mạnh sự hợp tác giữa các thành viên trong vùng; (iii) Chính phủ cần đẩy mạnh phát triển các vùng sản xuất, các khu công nghiệp, khu kinh tế để chủ động hơn nguồn cung ứng nguyên liệu, tạo thành chuỗi liên kết khép kín, đáp ứng yêu cầu về quy tắc xuất xứ cũng như xúc tiến lưu thông hàng hóa, kết nối và đa dạng hóa thị trường đầu ra.
Thứ hai, cần đẩy mạnh chuyển giao công nghệ tiên tiến: Về phía Chính phủ, cần hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến đầu tư, chuyển giao công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường và phát triển bền vững. Xây dựng các trung tâm kỹ thuật công nghiệp tại các vùng kinh tế trọng điểm, các địa phương có tiềm năng phát triển công nghiệp. Khuyến khích các doanh nghiệp FDI thành lập bộ phận R&D hoặc xây dựng Trung tâm R&D trong doanh nghiệp.
Về phía doanh nghiệp Việt Nam, cần chủ động hơn trong việc tìm kiếm các cơ hội chuyển giao công nghệ từ các doanh nghiệp FDI, bao gồm việc ký kết các thỏa thuận mua bản quyền, phát minh hoặc thương quyền, tham gia vào các dự án nghiên cứu phối hợp với các cơ quan tổ chức trong nước, các trường đại học, viện nghiên cứu và các nhà khoa học tổ chức khảo sát thực tế, học hỏi kinh nghiệm ứng dụng công nghệ cao của doanh nghiệp FDI để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực hấp thụ hiệu quả công nghệ chuyển giao từ các đối tác nước ngoài.
Thứ ba, các chính sách "ngoại giao đơn hàng", thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu, kết nối doanh nghiệp trong nước với các doanh nghiệp ở nước ngoài: Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng từ cuộc xung đột địa chính trị giữa Nga và Ukraina, cùng với đó là sự suy thoái của một số nền kinh tế chủ chốt như EU, Mỹ, Trung Quốc... Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, Chính phủ nên tận dụng các thông tin từ các đại sứ quán, các thương vụ, các đầu mối phụ trách về xúc tiến thương mại, đầu tư ở nước ngoài của Việt Nam để đem thêm đơn hàng về, kết nối doanh nghiệp trong nước với các doanh nghiệp ở nước ngoài.
Thứ tư, thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ gắn với chuỗi giá trị toàn cầu: Cần tập trung hoàn thiện các chính sách phát triển ngành công nghiệp phụ trợ, tiêu biểu là việc điều chỉnh và sửa đổi những vướng mắc trong Nghị định số 111/2015/NĐ-CP quy định về phát triển của ngành công nghiệp hỗ trợ. Cụ thể, liên quan đến quy định về phạm vi công nghiệp hỗ trợ, cần làm rõ hơn nữa các tiêu chí xoay quanh việc xác định các đối tượng ưu đãi. Bên cạnh đó, cần tập trung rà soát, và điều chỉnh danh mục các sản phẩm công nghiệp phụ trợ ưu tiên, sao cho phù hợp với nhu cầu phát triển thực tiễn của quốc gia.
ông Nguyễn Văn Toàn - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (VAFIE)
Ông Nguyễn Văn Toàn - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (VAFIE).

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí Doanh nghiệp và Hội nhập, ông Nguyễn Văn Toàn - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (VAFIE) cho rằng: "Yếu tố tạo nên sự hấp dẫn nhất ở Việt Nam đó là chính trị ổn định và Hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng. Bên cạnh đó Việt Nam có nguồn nhân lực dồi dào và phát triển rất tốt, lao động Việt Nam được nhà đầu tư nước ngoài được đánh giá rằng sau khoảng 6 tháng - 1 năm làm việc thì trình độ của họ không hề thua kém người lao động ở các nước phát triển. Một điểm không kém phần quan trọng là Việt Nam vẫn còn rất nhiều tiềm năng để phát triển. Năm 2008 Việt Nam đã thu hút được số vốn đăng ký rất lớn nhưng sau đó lại giảm dần vì đó là thời điểm mà chúng ta không theo kịp yêu cầu của các nhà đầu tư nước ngoài, khiến cơ hội bị đánh mất. Vậy thời điểm này chính là cơ hội rất lớn để Việt Nam có thể thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Bên cạnh đó, công cuộc chuyển đổi số cùng lĩnh vực công nghệ thông tin ở Việt Nam hiện nay phát triển rất tốt. Tất cả những điều trên đã tạo ra sự hấp dẫn của Việt Nam trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài".

Bảo Bảo