TS. Cấn Văn Lực: TP. Hồ Chí Minh là siêu đô thị "lớn nhưng còn nghèo", cần lối đi riêng TS. Võ Trí Thành: Bất động sản Hải Phòng hội tụ ba lợi thế phát triển |
Nhìn lại hành trình gần 40 năm đổi mới, TS. Đặng Xuân Thành - Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam - khẳng định, Việt Nam đã vươn lên từ một quốc gia nghèo, kém phát triển để đạt được những bước tiến dài ngoạn mục.
Nền kinh tế đã duy trì tốc độ tăng trưởng ấn tượng, trung bình trên 6%/năm trong nhiều thập kỷ. Quy mô xuất khẩu bùng nổ, dự kiến đạt gần 800 tỷ USD vào năm 2024, đưa Việt Nam vào nhóm 25 nền kinh tế có quy mô thương mại hàng đầu thế giới. Cùng với đó, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt kỷ lục, GDP bình quân đầu người vượt ngưỡng 4.300 USD, và thành tựu giảm nghèo được quốc tế công nhận là một hình mẫu.
![]() |
TS. Đặng Xuân Thành - Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam. Ảnh: Phan Chính |
Tuy nhiên, đằng sau những con số ấn tượng đó, TS. Đặng Xuân Thành chỉ rõ, các động lực tăng trưởng cốt lõi của Việt Nam trong 35 năm qua, bao gồm lao động giá rẻ, đầu tư vốn lớn và tận dụng cơ hội từ thị trường thế giới đang dần đi đến giới hạn.
Thực tế cho thấy, hiệu quả sử dụng vốn đang ngày càng giảm, thể hiện qua chỉ số hiệu quả sử dụng vốn đầu tư (ICOR) còn ở mức khá cao, đòi hỏi gần 6 đồng vốn để tạo ra một đồng tăng trưởng. Năng suất lao động dù được cải thiện nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực, chỉ bằng 1/11 của Singapore, 1/5 của Malaysia và 1/2 của Thái Lan. Nền kinh tế phụ thuộc lớn vào khu vực FDI trong xuất khẩu, nhưng sự lan tỏa về công nghệ sang các doanh nghiệp trong nước còn rất hạn chế. Doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu tham gia vào những phân khúc có giá trị gia tăng thấp trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Từ những phân tích trên, TS. Đặng Xuân Thành nhận định, nền kinh tế Việt Nam đang đứng trước nguy cơ rơi vào tình trạng "không trì trệ nhưng cũng chưa đột phá". Nói cách khác, chúng ta "không còn đói nghèo nhưng cũng chưa giàu mạnh". Đây chính là dấu hiệu kinh điển của "bẫy thu nhập trung bình" – một trạng thái mà hơn 100 quốc gia đang phát triển trên thế giới đã và đang mắc phải và chưa thể vượt qua.
Thách thức này càng trở nên lớn hơn trong bối cảnh thế giới đang thay đổi mạnh mẽ bởi những xu hướng không thể đảo ngược. Thứ nhất là cuộc chuyển đổi số và kinh tế tri thức, TS. Thành nhấn mạnh, "ai kiểm soát dữ liệu, người đó kiểm soát sức mạnh". Các chuỗi giá trị mới đang hình thành dựa trên dữ liệu, trí tuệ nhân tạo (AI). Nếu không nhanh chóng bắt kịp, Việt Nam sẽ bị tụt lại phía sau.
Thứ hai là cuộc chuyển đổi xanh, với các cam kết mạnh mẽ về biến đổi khí hậu và các cơ chế như thuế carbon xuyên biên giới của EU, các nền kinh tế buộc phải chuyển mình sang sản xuất xanh, phát triển bền vững nếu không muốn bị loại khỏi cuộc chơi thương mại toàn cầu.
Thứ ba là sự tái cấu trúc của các chuỗi cung ứng toàn cầu. Xu hướng "friend-shoring" (chuyển sản xuất sang các nước đồng minh) và chiến lược "Trung Quốc + 1" đang định hình lại dòng chảy thương mại và đầu tư. Đây vừa là cơ hội, vừa là thách thức đòi hỏi Việt Nam phải có chiến lược thông minh để đón đầu.
Dẫn kinh nghiệm của Hàn Quốc và Brazil, TS. Đặng XuânThànhcho rằng, phát triển là một quá trình tiến hóa, không thể nóng vội bằng ý chí hay vài chính sách đơn lẻ. Việt Nam cần một chiến lược khôn ngoan, có thể rút ngắn nhưng không thể đốt cháy giai đoạn. Việc xác lập một mô hình tăng trưởng mới, có cấu trúc phức hợp, đa chiều, bao gồm cả yếu tố xã hội, công nghệ, môi trường và thể chế chính trị, là con đường duy nhất để Việt Nam vượt qua thách thức, tránh "vết xe đổ" của nhiều quốc gia và hiện thực hóa khát vọng trở thành quốc gia phát triển vào giữa thế kỷ.