TS. Cấn Văn Lực: “Thị trường vốn cần thiết kế riêng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ” TS. Cấn Văn Lực: Kinh tế tư nhân là trụ cột tăng trưởng |
“Gã khổng lồ” kinh tế vẫn loay hoay với thu nhập thấp
Tại hội thảo “Bất động sản siêu đô thị TP. Hồ Chí Minh: Thời cơ vàng cho nhà đầu tư Hà Nội” diễn ra ngày 12/7/2025, TS. Cấn Văn Lực – thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách của Thủ tướng Chính phủ, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV – đã có đánh giá thẳng thắn và gây chú ý: “TP. Hồ Chí Minh là siêu đô thị lớn nhưng còn nghèo”.
Ông Lực lập luận, dù TP. Hồ Chí Minh là đầu tàu tăng trưởng với nhiều chỉ số ấn tượng như đóng góp 23-24% GDP cả nước, 22% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu, 24% tổng vốn FDI song thu nhập bình quân đầu người của thành phố chỉ khoảng 8.500 USD/năm. Con số này thấp hơn đáng kể so với các siêu đô thị khu vực như Bangkok (20.000 USD), Jakarta (23.000 USD) hay Thượng Hải (26.000 USD).
![]() |
TS. Cấn Văn Lực – Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách của Thủ tướng Chính phủ, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV |
“Chúng ta không thể chỉ tự hào vì lớn mạnh về quy mô kinh tế. Một thành phố siêu đô thị thực thụ phải mang lại chất lượng sống cao cho người dân – đó mới là thành công thật sự" , TS. Cấn Văn Lực nhấn mạnh.
Điều đáng nói, bất chấp quy mô vượt trội, TP. Hồ Chí Minh vẫn đang đối mặt với những vấn đề cũ: Tắc đường, ngập nước, môi trường ô nhiễm, nhà ở thiếu hụt, và năng suất lao động thấp. Đây là các dấu hiệu cho thấy đô thị đang vận hành chưa tương xứng với tiềm lực và kỳ vọng.
TS. Cấn Văn Lực cho biết, đã nghiên cứu đã tiến hành khảo sát và đối chiếu với nhiều mô hình phát triển đô thị ở châu Á – từ Thượng Hải, Thâm Quyến, Seoul cho đến Bangkok, Jakarta. Theo ông, điều cốt lõi không phải là chọn mô hình nào, mà là học hỏi chọn lọc, phù hợp với bối cảnh đặc thù của nước ta.
Bangkok và Jakarta là hai ví dụ điển hình về những thành phố phát triển thiếu kiểm soát. Mở rộng tràn lan, cơ sở hạ tầng yếu, kẹt xe triền miên, ô nhiễm không khí và nước ở mức báo động, chất lượng sống đi xuống – chính là hệ quả mà TP. Hồ Chí Minh cần tránh bằng mọi giá.
“Chúng ta không học để sao chép. Chúng ta học để tránh rơi vào những sai lầm giống họ. Nếu không có lộ trình đúng đắn, TP. Hồ Chí Minh hoàn toàn có thể lặp lại mô hình phát triển thất bại ấy,” ông Lực nói.
Ngược lại, Seoul, Thượng Hải và Thâm Quyến được đánh giá là những đô thị có bước chuyển đổi thành công nhờ dịch chuyển cơ cấu kinh tế theo hướng tri thức, sáng tạo và dịch vụ. Seoul đã đưa công nghiệp nặng ra khỏi trung tâm, xây dựng thành phố xanh và thông minh. Thượng Hải trở thành trung tâm tài chính toàn cầu với các khu thương mại tự do năng động. Thâm Quyến từ một làng chài nghèo đã vươn lên thành “Thung lũng Silicon” của Trung Quốc.
TS. Lực cho rằng, TP. Hồ Chí Minh cần chọn một con đường phát triển khác biệt, bền vững và thông minh hơn, thay vì tiếp tục mở rộng đô thị theo kiểu “phình to” không kiểm soát.
![]() |
Toàn cảnh buổi hội thảo |
5 nhóm giải pháp đột phá đưa TP. Hồ Chí Minh “bứt tốc”
Từ bài học quốc tế, TS. Cấn Văn Lực đã đưa ra 5 nhóm giải pháp chiến lược giúp TP. Hồ Chí Minh thoát khỏi tình trạng “lớn nhưng nghèo”, vươn lên thành siêu đô thị đẳng cấp quốc tế:
Thứ nhất, phân tán trung tâm giảm tải cho đô thị lõi. Việc phân tán các chức năng hành chính, tài chính, thương mại ra ngoài khu vực trung tâm sẽ giúp giảm áp lực giao thông, hạ tầng và môi trường. Thành phố cần hình thành các “đô thị vệ tinh” với quy hoạch bài bản, kết nối thông minh và đầy đủ tiện ích.
Thứ hai, tăng cường liên kết vùng, mở rộng không gian phát triển. TP. Hồ Chí Minh không thể phát triển đơn độc. Thành phố cần đóng vai trò hạt nhân liên kết vùng Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long. “Hạ tầng kết nối liên vùng – đặc biệt là giao thông, logistics – chính là nền tảng mở ra không gian phát triển mới,” TS. Lực nhấn mạnh.
Thứ ba, đầu tư vào hạ tầng số và công nghệ đô thị. Thành phố cần thúc đẩy xây dựng hạ tầng số, ứng dụng dữ liệu lớn (big data), trí tuệ nhân tạo trong quản lý đô thị, từ giao thông, cấp thoát nước đến cung cấp dịch vụ công. Đây là bước chuyển bắt buộc để tiến tới mô hình đô thị thông minh hiện đại.
Thứ tư, phát triển đô thị bền vững, kinh tế sáng tạo.TP. Hồ Chí Minh cần rời bỏ vai trò là “thành phố công nghiệp” để trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, kinh tế số và kinh tế xanh. Thành phố nên ưu tiên phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn, giảm phát thải và hướng đến các tiêu chuẩn ESG để thu hút đầu tư bền vững.
Cuối cùng, tận dụng triệt để cơ chế đặc thù – Nghị quyết 98 là cơ hội vàng.TS. Lực đặc biệt đánh giá cao vai trò của Nghị quyết 98 của Quốc hội – một cơ chế đặc thù trao quyền tự chủ cao hơn cho TP. Hồ Chí Minh trong quản lý, tài chính, đầu tư. “Nếu tận dụng đúng cách, đây sẽ là chìa khóa bứt phá giúp thành phố vượt qua mọi giới hạn hiện tại.”
TS. Cấn Văn Lực khẳng định, không đơn thuần là một phân tích kinh tế, mà là lời cảnh tỉnh về một tương lai đầy thử thách nếu TP. Hồ Chí Minh không thay đổi cách tiếp cận phát triển.
Thành phố đã đi qua thời kỳ phát triển tự phát. Giờ đây, để thực sự vươn lên thành một đô thị thông minh, đáng sống, giàu có và bền vững, TP. Hồ Chí Minh cần một tư duy mới, một lộ trình mới và sự quyết liệt trong hành động.
“Con đường này không dễ đi, nhưng là con đường duy nhất để TP. Hồ Chí Minh giữ vững vị thế đầu tàu, không chỉ của Việt Nam, mà còn là trung tâm tầm khu vực Đông Nam Á trong thập kỷ tới”, TS. Cấn Văn Lực chia sẻ.