![]() |
TS. Cấn Văn Lực – Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính – tiền tệ quốc gia |
Thưa ông, ông nhận định như thế nào về vai trò và tiềm năng phát triển của khu vực kinh tế tư nhân trong nền kinh tế Việt Nam hiện nay?
TS. Cấn Văn Lực: Kinh tế tư nhân tại Việt Nam gồm ba thành phần chính: doanh nghiệp tư nhân, kinh tế cá thể (chủ yếu là hộ kinh doanh) và kinh tế tập thể (chủ yếu là hợp tác xã). Hiện khu vực này đóng góp khoảng 50% GDP và 30% ngân sách nhà nước – con số này cho thấy dư địa phát triển còn rất lớn.
Đại hội XIII của Đảng năm 2021 đã xác định rõ: khuyến khích kinh tế tư nhân phát triển trong mọi lĩnh vực pháp luật không cấm, với mục tiêu đến năm 2030 có ít nhất 2 triệu doanh nghiệp tư nhân, đóng góp 60% – 65% GDP. Gần đây, Tổng Bí thư Tô Lâm cũng nhấn mạnh rằng khu vực này chính là “động lực quan trọng nhất” của tăng trưởng kinh tế. Rõ ràng, so với trước đây, quan điểm và chính sách đã trở nên nhất quán và mạnh mẽ hơn nhiều, tạo nền tảng thuận lợi cho khu vực kinh tế tư nhân phát triển đúng tầm.
Trong bối cảnh đó, việc tiếp cận vốn là yếu tố then chốt với DNNVV. Ông đánh giá như thế nào về khả năng tiếp cận vốn của DNNVV trong thời gian gần đây?
TS. Cấn Văn Lực: Khả năng tiếp cận vốn của DNNVV đã có những cải thiện rõ nét. Hiện nhóm doanh nghiệp này chiếm khoảng 20% tổng tín dụng toàn nền kinh tế – cao hơn mức trung bình 18,7% của khu vực châu Á – Thái Bình Dương và vượt một số quốc gia như Indonesia hay Philippines, dù vẫn thấp hơn Thái Lan và một số nước khác.
Một yếu tố tích cực là sự cải thiện trong minh bạch tài chính và quản trị điều hành của các DNNVV, qua đó giúp quá trình xét duyệt tín dụng thuận lợi hơn. Đồng thời, Việt Nam cũng đang đẩy mạnh cải cách thể chế, tháo gỡ rào cản pháp lý, từ đó nâng cao năng lực quản trị, tăng tính minh bạch, và nâng tầm doanh nghiệp. Những yếu tố này sẽ góp phần giúp DNNVV tiếp cận nguồn vốn tín dụng và thị trường tài chính một cách bài bản, chuyên nghiệp hơn.
Ngoài ra, việc khuyến khích niêm yết, phát hành trái phiếu doanh nghiệp cũng đang mở rộng các kênh huy động vốn, giúp DNNVV có thêm nhiều lựa chọn phù hợp với nhu cầu phát triển.
Để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 8% năm 2025, tín dụng cần tăng khoảng 16%. Theo ông, điều này đặt ra những thách thức gì cho hệ thống ngân hàng?
TS. Cấn Văn Lực: Thách thức lớn nhất hiện nay là khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế. Lãi suất không còn là rào cản chính, bởi đã giảm về mức thấp so với giai đoạn trước dịch.
Vấn đề cốt lõi là đảm bảo có đủ nguồn vốn để cung ứng cho nhu cầu tín dụng ngày càng lớn. Đồng thời, tăng trưởng tín dụng cần gắn với chất lượng, tức là kiểm soát chặt chẽ rủi ro, nhất là nợ xấu.
Một yêu cầu quan trọng khác là nâng cao năng lực tài chính của các tổ chức tín dụng – đặc biệt là tăng vốn điều lệ – để đảm bảo an toàn hệ thống và đủ sức cấp tín dụng cho nền kinh tế. Đây là vấn đề cần có sự hỗ trợ kịp thời từ phía Chính phủ và các bộ, ngành liên quan.
Để thị trường vốn hỗ trợ hiệu quả hơn cho DNNVV, theo ông, cần có những giải pháp gì?
TS. Cấn Văn Lực: Để thị trường vốn thực sự phát huy vai trò, trước hết, các tổ chức tài chính cần chủ động thiết kế các sản phẩm, dịch vụ phù hợp với đặc thù và nhu cầu của DNNVV.
Về phía doanh nghiệp, cần tăng cường minh bạch tài chính, thực hiện tốt quản trị doanh nghiệp và tuân thủ pháp luật. Sự minh bạch và tuân thủ sẽ giúp DNNVV xây dựng niềm tin với nhà đầu tư, ngân hàng và các tổ chức tài chính khác.
Cuối cùng, tôi kiến nghị Đảng, Chính phủ và Quốc hội tiếp tục hoàn thiện chính sách hỗ trợ DNNVV – đặc biệt là khu vực kinh tế tư nhân – như đã được Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh: cần thay đổi tư duy, coi khu vực này là động lực quan trọng nhất của nền kinh tế trong hiện tại và tương lai. Điều này sẽ tạo ra động lực chính sách mạnh mẽ, khơi thông dòng vốn và khuyến khích sự phát triển bền vững của doanh nghiệp tư nhân Việt Nam.