TS. Cấn Văn Lực: Nhà đầu tư cần tinh tế, đa dạng hóa để giảm rủi ro TS. Cấn Văn Lực: “Thị trường vốn cần thiết kế riêng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ” |
TS. Cấn Văn Lực – Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính – tiền tệ quốc gia – chia sẽ: “Đã đến lúc chúng ta phải có sự thống nhất và nhất quán trong nhận thức, coi kinh tế tư nhân là động lực quan trọng nhất của nền kinh tế.” Theo ông, khu vực này không chỉ đóng góp hơn 50% GDP mà còn tạo việc làm cho phần lớn lực lượng lao động, đóng vai trò trung tâm trong việc duy trì sức bật của nền kinh tế Việt Nam.
Tuy nhiên, việc phân loại chưa rõ ràng giữa doanh nghiệp tư nhân, hộ kinh doanh và hợp tác xã – tất cả đang bị gom chung trong cụm “kinh tế ngoài nhà nước” – khiến bức tranh toàn cảnh bị mờ nhòe, khó định hướng chính sách chính xác. Ông đề nghị cần phân tách lại để đánh giá đóng góp và tiềm năng thực chất của từng khu vực.
TS. Lực điểm lại quá trình thay đổi tư duy về kinh tế tư nhân qua các kỳ Đại hội Đảng, từ việc chỉ công nhận đến khuyến khích và nay là thúc đẩy mạnh mẽ. Điển hình là Nghị quyết 10/NQ-TW năm 2017 với mục tiêu tham vọng: đưa số lượng doanh nghiệp lên 2 triệu vào năm 2030 và nâng mức đóng góp GDP lên 60–65%.
![]() |
TS. Cấn Văn Lực – Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính – tiền tệ quốc gia. |
Trước đó, Tại buổi làm việc với Ban Chính sách, chiến lược Trung ương, ngày 7/3/2025, Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định, kinh tế tư nhân là động lực quan trọng nhất cho tăng trưởng, phải xóa bỏ mọi quan niệm, định kiến để có cách ứng xử và hành động cụ thể đối với khu vực kinh tế quan trọng. Điều này, theo TS. Cấn Văn Lực, là dấu hiệu rõ ràng cho thấy định hướng chính sách đã trở nên rõ ràng, quyết đoán hơn bao giờ hết.
Dẫn chứng số liệu, TS. Cấn Văn Lực cho biết hiện Việt Nam có khoảng 5,2 triệu hộ kinh doanh nhưng chỉ 2,1 triệu trong số đó đăng ký và nộp thuế đầy đủ. Còn lại hơn 3 triệu hộ đang hoạt động trong tình trạng “bán chính thức”, phần lớn nộp thuế khoán thiếu minh bạch, gây thất thu ngân sách và tạo cơ chế xin – cho.
“Chúng ta không thể xây dựng một nền kinh tế minh bạch trên nền móng thiếu minh bạch. Cần khuyến khích các hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp siêu nhỏ, tạo điều kiện về thuế và thủ tục trong 3 – 5 năm đầu,” ông Lực nhấn mạnh.
Ông Lực cho rằng, việc kỳ vọng học theo Singapore là không thực tế do sự khác biệt quá lớn về quy mô và nền tảng thị trường. Trong khi đó, kinh nghiệm Trung Quốc – với cách tiếp cận chuyển từ “kiểm soát” sang “kiến tạo” – là thiết thực và gần gũi hơn.
Hiện nay, kinh tế tư nhân Trung Quốc đóng góp tới 60% GDP và 50% ngân sách, trong khi Việt Nam mới ở mức khoảng 50% GDP và chỉ 30% ngân sách nhà nước. Điều này thể hiện dư địa phát triển của khu vực tư nhân Việt Nam vẫn còn rất lớn.
Để khơi thông nguồn lực và tạo lực đẩy thực sự cho khu vực kinh tế tư nhân, TS. Cấn Văn Lực đưa ra bảy giải pháp mang tính đột phá, vừa có tính chiến lược dài hạn, vừa thiết thực để triển khai ngay trong thực tế. Đầu tiên, đã đến lúc không còn xem kinh tế tư nhân là “giải pháp bổ sung” mà phải nhìn nhận đây là lực lượng trung tâm trong guồng máy tăng trưởng. Tư duy lãnh đạo và điều hành phải đồng bộ, rõ ràng và dứt khoát, tránh tình trạng nửa vời hay áp dụng cơ chế mập mờ.
Thứ hai, môi trường kinh doanh sẽ không thể khơi thông nếu thủ tục vẫn rườm rà. Giải pháp là cắt giảm ít nhất 30% thủ tục hành chính, sửa đổi Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, đồng thời giảm thuế thu nhập cho doanh nghiệp siêu nhỏ xuống còn 15 – 17% để nuôi dưỡng sức bật trong giai đoạn đầu.
Thứ ba, không thể áp dụng một khung quản lý cho tất cả các loại hình doanh nghiệp. Cần xác định rõ đặc điểm từng nhóm doanh nghiệp – từ nhỏ, vừa đến lớn – để có chính sách hỗ trợ, giám sát và phát triển phù hợp với năng lực và vai trò của mỗi nhóm.
Thứ tư, Việt Nam cần một chiến lược phát triển kinh tế tư nhân mang tầm quốc gia, có định hướng rõ ràng và hệ thống giải pháp cụ thể. Chiến lược này không chỉ là văn bản định hướng, mà phải được gắn với trách nhiệm thực thi của các bộ, ngành và địa phương, có cơ chế đánh giá, giám sát hiệu quả định kỳ.
Thứ năm, doanh nghiệp tư nhân cần được đảm bảo ba quyền cốt lõi: quyền sở hữu tài sản, quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề pháp luật không cấm, và quyền cạnh tranh bình đẳng trên thị trường. Đây là nền tảng để khơi dậy khát vọng làm giàu chính đáng và phát triển bền vững.
Thứ sáu, với hơn 5 triệu hộ kinh doanh đang hoạt động, tiềm năng chuyển đổi sang mô hình doanh nghiệp siêu nhỏ là vô cùng lớn. Cần miễn thuế thu nhập trong 3 – 5 năm đầu để khuyến khích, đồng thời hỗ trợ họ về kế toán, quản trị và thủ tục pháp lý nhằm giúp quá trình chuyển đổi diễn ra thuận lợi, ít rào cản.
Cuối cùng, bản thân doanh nghiệp tư nhân cũng cần chủ động nâng cao năng lực quản trị, tuân thủ pháp luật, xây dựng đạo đức kinh doanh và văn hóa doanh nghiệp lành mạnh. Chỉ khi có nội lực vững chắc, khu vực tư nhân mới đủ sức trở thành trụ cột vững bền của nền kinh tế.
TS. Cấn Văn Lực khẳng định: “Chúng ta đang có một cơ hội vàng để bứt phá, với nền tảng chính trị đã rõ, tư duy đã thống nhất. Vấn đề còn lại là hành động – nhanh, đúng và quyết liệt.”