![]() |
Toàn cảnh Hội thảo “Nhận diện khó khăn, vướng mắc do quy định pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và kiến nghị” diễn ra sáng ngày 14/7 |
Thuế chồng thuế, phí đè phí khiến ngành khoáng sản gặp khó
Tại Hội thảo, ông Lê Bá Nam Anh - Giám đốc Chiến lược & Phát triển Masan Group - cho biết, doanh nghiệp này đang hoạt động đa ngành, từ bán lẻ, cà phê – trà, tài chính cho tới khai thác khoáng sản, với ví dụ điển hình là mỏ đa kim Núi Pháo. Theo ông, ngành khoáng sản Việt Nam hiện sở hữu nhiều loại tài nguyên quý hiếm có ý nghĩa chiến lược, đặc biệt trong bối cảnh quốc tế đang cạnh tranh gay gắt về đất hiếm và nguyên liệu đầu vào cho sản xuất công nghệ cao, quốc phòng.
Tuy nhiên, hiện nay ngành này đang đối mặt với chi phí thuế, phí cực kỳ cao, chiếm tới 40–60% doanh thu, trong khi mức trung bình quốc tế chỉ từ 3–8%. Nguyên nhân xuất phát từ hệ thống pháp luật còn thiếu đồng bộ, thậm chí có quy định đối nghịch nhau.
Cụ thể, doanh nghiệp phải cùng lúc nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản (theo Luật Khoáng sản) và thuế tài nguyên (theo Luật Thuế Tài nguyên 2009). “Bản chất là một, nhưng quy định lại nằm ở hai luật khác nhau, gây trùng lặp và còn khó khăn cho doanh nghiệp,” ông Nam Anh nhấn mạnh.
![]() |
Ông Lê Bá Nam Anh - Giám đốc Chiến lược & Phát triển Masan Group |
Chưa dừng lại ở đó, các sản phẩm chế biến sâu, đúng chủ trương của Đảng và Chính phủ về nâng cao giá trị tài nguyên nhưng lại phải chịu thuế xuất khẩu cao hơn hoặc ngang bằng với sản phẩm thô, đi ngược với Nghị quyết số 10/NQ-TW (ngày 10/5/2022).
Ngoài ra, theo Nghị định 181, nhiều sản phẩm khoáng chế biến sâu khi xuất khẩu lại không được hoàn thuế giá trị gia tăng, khiến năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt giảm sút trên thị trường quốc tế.
“Tất cả những điều này cần được sửa đổi đồng bộ cùng với Luật Địa chất và Khoáng sản (sửa đổi năm 2024) để tạo ra một hành lang pháp lý hiệu quả, thúc đẩy khai thác bền vững và có giá trị gia tăng cao,” ông Nam Anh kiến nghị.
Về lĩnh vực an toàn thực phẩm trong ngành tiêu dùng, ông Nam Anh cũng cho rằng, đây là một chủ đề nóng thời gian qua. Ông bày tỏ hoan nghênh các cơ quan nhà nước, đặc biệt là Chính phủ đã vào cuộc quyết liệt để xử lý hàng giả, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc. Tuy nhiên, đại diện Masan cũng đề cập đến một số bất cập. Điển hình như, hiện Bộ Y tế đang xây dựng Nghị định thay thế Nghị định 15/2018/NĐ-CP theo quy trình rút gọn. Tuy nhiên, dự thảo Nghị định công bố tháng 7 vẫn còn nhiều điểm bất cập, đặc biệt là làm gia tăng thủ tục hành chính, gây khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, và chưa phù hợp với định hướng cải cách thủ tục hành chính.
Vì vậy, ông Nam Anh kiến nghị Bộ Y tế nên tổ chức các buổi tham vấn trực tiếp với doanh nghiệp để thu thập thêm ý kiến thực tiễn. Ông cũng lưu ý, hiện ngành tiêu dùng và sản xuất hàng hóa hiện đang đóng góp 50–60% GDP tiêu dùng nội địa. Nếu không cải cách thủ tục hợp lý, sẽ vô tình cản trở sự phát triển của doanh nghiệp trong lĩnh vực này.
Về thị trường vốn, tại hội thảo, ông Nam Anh thông tin, Tập đoàn Masan hiện có hoạt động mạnh trong thị trường vốn, huy động từ trái phiếu và cổ đông nước ngoài. Tuy nhiên, ông nhận thấy thị trường vốn Việt Nam hiện chưa đủ linh hoạt và mạnh mẽ để hỗ trợ khu vực tư nhân, đặc biệt là các doanh nghiệp khoa học – công nghệ.
Cụ thể, điều kiện niêm yết trên sàn chứng khoán hiện yêu cầu doanh nghiệp phải có lãi liên tục 2 năm, khiến doanh nghiệp công nghệ hoặc đổi mới sáng tạo rất khó tiếp cận thị trường. Những doanh nghiệp này thường cần nhiều năm đầu tư trước khi có lãi, nên yêu cầu này vô tình triệt tiêu khả năng huy động vốn của họ. Điển hình như, doanh nghiệp bán lẻ WinCommerce (thuộc Masan) năm nay dự kiến đạt doanh thu hơn 35.000 tỷ đồng, nhưng do chưa có lãi kế tiếp nên vẫn không thể niêm yết dù quy mô đã rất lớn.
Ông Nam kiến nghị, thị trường chứng khoán Việt Nam nên học hỏi từ các mô hình như NASDAQ (Mỹ), ACE Market (Malaysia), IDX (Indonesia) hoặc Thái Lan - nơi có các sàn riêng cho doanh nghiệp công nghệ, doanh nghiệp tăng trưởng cao, với điều kiện niêm yết linh hoạt hơn, dựa trên doanh thu và vốn hóa thay vì chỉ lãi kế toán.
Cùng mối quan tâm về chính sách, ông Nguyễn Hồng Uy - Trưởng nhóm kỹ thuật Tiểu ban Thực phẩm, dinh dưỡng (EuroCham) - cảnh báo việc siết chặt thủ tục hành chính trong ngành thực phẩm có thể phản tác dụng nếu không đi kèm với kiểm soát rủi ro hiệu quả.
Dẫn chứng từ vụ việc Hancofood - Rance Pharma sản xuất 473 loại sữa giả với địa chỉ đăng ký là một phòng khám phụ sản ở Hòa Bình, ông Uy chỉ rõ: “Lỗ hổng không nằm ở cấp phép, mà nằm ở việc thiếu hậu kiểm và đánh giá rủi ro".
Ông cũng chia sẻ, nguyên nhân chính của vấn nạn hàng giả, hàng kém chất lượng vừa qua đó là thiếu hậu kiểm, hoặc hậu kiểm nhưng bỏ qua vi phạm do có tiêu cực. "Do đó, cần tăng cường hậu kiểm. Để hậu kiểm hiệu quả, nên theo kinh nghiệm của các nước tiên tiến là hậu kiểm theo quản lý rủi ro", ông Uy đề xuất.
![]() |
Ông Nguyễn Hồng Uy - Trưởng nhóm kỹ thuật Tiểu ban Thực phẩm, dinh dưỡng (EuroCham) |
Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 15/2018/NĐ-CP của Bộ Y tế hiện đang vấp phải nhiều phản ứng, bởi tăng mạnh thủ tục: Hồ sơ đăng ký tăng từ 7 lên 41 mục; thời gian thẩm định hồ sơ đăng ký kéo dài từ 7 ngày lên 90 ngày; việc tự công bố sản phẩm vốn chỉ mất 1 ngày nay tăng lên 21 ngày; thời gian kiểm tra hàng hóa nhập khẩu cũng tăng hơn 200%.
Ông Uy cho biết: “Doanh nghiệp đổi một tỷ lệ nhỏ trong công thức cũng phải công bố lại toàn bộ. Sữa tươi là thực phẩm tự công bố, trước đây chỉ cần 1 ngày để tiếp nhận hồ sơ, nay cần tới 21 ngày , trong khi sữa tươi thanh trùng chỉ có hạn dùng 10 ngày. Đợi tiếp nhận công bố 21 ngày mới được sản xuất thì rõ ràng là bất khả thi.”
Đại diện EuroCham thống nhất kiến nghị chuyển từ mô hình “xin – cho” sang mô hình hậu kiểm theo quản lý rủi ro, vốn đang được áp dụng rộng rãi ở các nước phát triển như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc. “Luật Chất lượng sản phẩm đã chia sản phẩm theo ba mức độ rủi ro: cao – trung bình – thấp. Việc hậu kiểm cũng cần phân tầng theo đó để không lãng phí nguồn lực quản lý và thời gian của doanh nghiệp,” ông Uy nói.
Cùng với đó, ông Nguyễn Hồng Uy đề xuất 5 nhóm giải pháp: Thứ nhất, kiểm tra cả chỉ tiêu chất lượng và chỉ tiêu an toàn. Yêu cầu áp dụng các biện pháp quản lý chất lượng tiên tiến như HACCP, GMP hoặc tương đương đối với các cơ sở sản xuất thực phẩm có nguy cơ cao (nội dung này đã được đưa vào dự thảo).
Thứ hai, đối với hồ sơ tự công bố, cần quy định thời gian 5 hoặc 7 ngày làm việc để rà soát, loại bỏ các công bố sai lệch trước khi đăng tải lên hệ thống. Đồng thời, quy định rõ các mục cần rà soát gồm: phân loại sản phẩm, tiêu chuẩn sản phẩm, các công bố trên nhãn.
Thứ ba, đối với hồ sơ đăng ký cần bổ sung quy định cụ thể về quy trình thẩm định, thời gian chuyển tiếp, biểu mẫu cho phù hợp và dễ thực hiện; quy định yêu cầu bổ sung hồ sơ phải rõ ràng, không được đưa ra yêu cầu bổ sung mới không liên quan đến nội dung yêu cầu trước đó; cho phép bổ sung tối đa 3 lần, trừ các trường hợp hồ sơ vi phạm pháp luật thì không được phép bổ sung, ví dụ như: hồ sơ giả, hồ sơ sai do phân loại sai, chất lượng sản phẩm không đạt tiêu chuẩn quy định, hoặc có thành phần cấm sử dụng.
Thứ tư, đối với nhóm thực phẩm bổ sung, cần phân loại theo mức độ rủi ro; các thực phẩm đơn giản, không có công dụng dành cho đối tượng đặc biệt thì tiếp tục được tự công bố; các thực phẩm có công dụng dành cho các đối tượng không phải người khỏe mạnh bình thường thì thuộc nhóm nguy cơ cao, phải đăng ký bản công bố.
Cuối cùng, xây dựng hệ thống quản lý số về an toàn thực phẩm trên toàn quốc, bao gồm: Đăng ký, tự công bố, kết quả hậu kiểm, các cảnh báo trong nước và quốc tế.
Lắng nghe những vướng mắc của doanh nghiệp, ông Nguyễn Thanh Tú - Thứ trưởng Bộ Tư pháp đã chỉ rõ thực trạng kéo dài nhiều năm qua là việc xử lý vướng mắc pháp lý cho doanh nghiệp vẫn còn chậm, do thiếu sự đồng thuận từ chính các cơ quan có liên quan.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tú, trong suốt thời gian qua, không ít đợt rà soát các khó khăn, vướng mắc do quy định pháp luật đã được tổ chức. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, đặc biệt là cách thức vận hành “xin – cho” và “phải có sự đồng thuận giữa các bộ, ngành”, việc tháo gỡ luôn gặp vướng mắc ngay từ bước đầu tiên.
![]() |
Ông Nguyễn Thanh Tú - Thứ trưởng Bộ Tư pháp |
Trong bối cảnh đó, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tú nhấn mạnh sự thay đổi quan trọng: Nghị quyết 66 của Bộ Chính trị về đổi mới công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật đã xác định rõ mục tiêu: đến năm 2025, phải cơ bản giải quyết xong các khó khăn, vướng mắc do quy định pháp luật gây ra, tạo nền tảng cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế hai con số.
Để thực hiện yêu cầu này, Bộ Tư pháp đã trình Quốc hội ban hành Nghị quyết 206 ngày 24/6/2025, trong đó xác định ba nhóm khó khăn, vướng mắc lớn nhất do pháp luật gây ra: Mâu thuẫn, chồng chéo giữa các văn bản quy phạm pháp luật; quy định thiếu rõ ràng, không khả thi, dẫn đến lúng túng trong thực hiện; quy định làm gia tăng chi phí tuân thủ, kìm hãm đổi mới, sáng tạo và cản trở huy động nguồn lực xã hội.
Tuy nhiên, ông Tú thẳng thắn nhận xét, việc phản ánh từ các kênh truyền thống như bộ, ngành, địa phương hiện đang gặp khó khăn, một phần do quá trình sắp xếp lại bộ máy, chuyển đổi mô hình chính quyền địa phương hai cấp. Do đó, ông kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là các hiệp hội và doanh nghiệp lớn, cần chủ động và tích cực hơn nữa trong việc cung cấp thông tin phản ánh, đề xuất kiến nghị.
Cũng theo ông Tú, để quá trình sửa luật hiệu quả, cần tập trung vào các điểm nghẽn thực sự, thay vì chỉ loay hoay với những vụ việc cá biệt. “Vướng mắc của vụ việc cụ thể thì có cơ chế xử lý riêng. Còn ở đây là các vướng mắc xuất phát từ chính quy định của pháp luật cần có quyết tâm và trọng tâm, trọng điểm để tháo gỡ”, ông nói.
Dẫn chứng cụ thể, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tú nhắc lại câu chuyện về việc chấp thuận chủ trương đầu tư, một thủ tục gây mất nhiều thời gian, được quy định trong Luật Đầu tư. Từ năm 2020, khi xây dựng luật, Bộ Tư pháp từng kiến nghị loại bỏ thủ tục này, đề xuất chỉ cần quản lý dòng tiền đầu tư, như cách các nước như Singapore, Mỹ đang làm. Tuy nhiên, kiến nghị không được chấp thuận. Và nay, vấn đề đó lại trở thành một vướng mắc lớn đang được yêu cầu phải sửa đổi.
Không chỉ Luật Đầu tư, nhiều luật khác cũng đang trong diện phải sửa gấp trong kỳ họp Quốc hội tháng 10 tới, bao gồm: Luật Đất đai, Luật Quy hoạch, Luật Điện lực, Luật Khoáng sản, Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn,...
“Chúng tôi hy vọng, khi rời khỏi hội thảo hôm nay, mỗi người sẽ mang theo ít nhất một kết quả cụ thể, để cùng tạo ra niềm tin và động lực mới cho công việc ở đơn vị mình. Cải cách thể chế không chỉ là công việc của Bộ Tư pháp, mà là sứ mệnh chung của cả hệ thống chính trị và cộng đồng doanh nghiệp”, ông kết luận.