Doanh nghiệp được miễn phí gian hàng khi tham gia Hội chợ Dệt may (ISEA) và Da giày (FLSA) Melbourne

00:00 12/10/2020

Hội chợ Dệt may (ISEA) và Da giày (FLSA) Melbourne 2018 sẽ diễn ra từ ngày 20 - 22/11/2018 tại Úc với 72 nhãn hàng và hơn 750 gian hàng của hơn 400 công ty dệt may, dịch vụ từ khắp nơi trên thế giới.

Đây là hội chợ dệt may, da giày chuyên nghiệp duy nhất ở Melbourne và nằm trong top sự kiện quan trọng nhất ở Châu Đại Dương với mục đích quảng bá các sản phẩm dệt may, da giày, dịch vụ chức năng, ứng dụng công nghiệp và các xu hướng Thời trang Xuân Hè 2018.

Ảnh minh họa

Theo TS. Trần Văn Quyến, Chuyên gia tư vấn Công ty Woolmark, bà Julie Holt, Giám đốc Triển lãm Australia vừa thông báo Ban tổ chức sẽ dành một số gian hàng miễn phí cho các doanh nghiệp Việt Nam trưng bày sản phẩm tại hội chợ lần này.

Mục đích nhằm thu hút sự hiện diện của các doanh nghiệp Việt Nam đến trực tiếp với khách hàng Úc và New Zealand, đặc biệt khi Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) sẽ được các nước trong khối phê duyệt và có hiệu lực trong tương lai rất gần. Ông Quyến cho biết, doanh nghiệp quan tâm có thể đăng ký qua Woolmark để đưa sản phẩm trưng bày tại hội chợ và nhận ưu đãi gian hàng.

Được biết, các năm trước, có một vài doanh nghiệp Việt Nam tham dự triển lãm này nhưng số lượng quá ít so với các nhà sản xuất của Ấn Độ, Bangladesh và Trung Quốc. Vì vậy, Ban tổ chức mong muốn các doanh nghiệp Việt Nam xuất hiện nhiều hơn nhằm tiếp xúc trực tiếp với khách hàng khu vực Úc - New Zealand, qua đó có thể thiết lập các kênh cung ứng mới từ Việt Nam trực tiếp với khách hàng tiềm năng của Úc và New Zealand.

Trong những năm gần đây, tốc độ xuất khẩu hàng dệt may từ Việt Nam vào thị trường Úc tuy có tăng mạnh nhưng thị phần vẫn thua kém Trung Quốc và Bangladesh. Nguyên nhân một phần là do doanh nghiệp Việt Nam chưa thực sự quan tâm đến thị trường Úc, nếu so sánh với thị trường EU, Hoa Kỳ vì đơn hàng nhỏ. Tuy nhiên, xuất khẩu vào thị trường này được kỳ vọng có thể sẽ tăng trưởng trong thời gian tới do cú hích của Hiệp định CPTPP và sự dịch chuyển hệ thống sản xuất từ Trung Quốc về Việt Nam với giá nhân công cạnh tranh hơn.

Thùy Dương