Doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu gửi kiến nghị lên Thủ tướng

09:34 08/10/2022

Việc không quy định rõ ràng doanh nghiệp bán lẻ được hưởng bao nhiêu trong chi phí kinh doanh định mức dẫn đến phía đầu mối tự do điều chỉnh mức chiết khấu là nguyên nhân chính dẫn đến doanh nghiệp bán lẻ luôn chịu thua thiệt, âm vốn.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa. 

Đó là một trong những nội dung của đơn kiến nghị vừa được 36 doanh nghiệp gửi chuyển phát nhanh qua đường bưu điện, qua email đến Văn phòng Thủ tướng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM.

Dẫn Nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu, các doanh nghiệp cho rằng, quy định thương nhân đầu mối và thương nhân phân phối bán xăng dầu không cao hơn giá điều hành do cơ quan nhà nước có thẩm quyền công bố. Thế nhưng, cơ quan quản lý để xảy ra tình trạng chiết khấu âm, tức các doanh nghiệp phân phối đã tìm cách “lách” quy định để bán ra cho doanh nghiệp bán lẻ với giá cao hơn giá bán lẻ quy định bằng cách thu thêm phí vận chuyển vào một hóa đơn khác.

“Chúng tôi có đủ chứng từ hóa đơn kèm theo chứng minh sự việc này”, các doanh nghiệp nhấn mạnh và chỉ ra bất cập là kinh doanh trong cơ chế thị trường nhưng nhà cung cấp cứ thường xuyên thông báo hạn chế bán ra, sợ hết hàng. Nhiều giai đoạn doanh nghiệp bán lẻ càng bán ra càng lỗ vẫn phải bấm bụng bán nhưng không ai bù lỗ.

Nếu kinh doanh có lãi thì không bao giờ đứt nguồn cung như thời gian qua, sẽ tranh thủ nhập hàng về một cách dồi dào để gia tăng lợi nhuận. Thế nên, nhất thiết phải thay đổi cách tính giá cơ sở cho phù hợp với tình hình mới. Không thể dùng mệnh lệnh hành chính để bắt buộc doanh nghiệp bán lẻ duy trì hoạt động và bán lỗ được. 

Đơn kiến nghị nhấn mạnh: “Chúng tôi đề nghị khi thị trường xăng dầu chưa theo quy luật thị trường một cách hoàn toàn thì cần áp dụng chiết khấu cố định theo định mức đối với doanh nghiệp bán lẻ, tránh tình trạng “thả nổi” chiết khấu. ”.

Từ đó, 36 doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu này đưa ra một số kiến nghị lên Chính phủ. Đó là thị trường xăng dầu cần có sự chỉ đạo thống nhất, can thiệp kịp thời, đưa ra các giải pháp hợp tình, hợp lý đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các bên tham gia thị trường. Thứ 2 là các giải pháp nhằm khắc phục hoàn toàn tình hình thua lỗ của các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu cần phải có, không để doanh nghiệp bán lẻ bị bắt buộc bán ra với giá thấp hơn giá mua vào.

Kế tiếp là cần thay đổi công thức tính giá cơ sở hiện nay vì nó chưa phù hợp, chưa tính đủ chi phí dẫn đến doanh nghiệp càng bán ra càng thua lỗ. Thứ 4 là khi chưa thể theo cơ chế thị trường hoàn toàn và chưa áp dụng theo công thức mới, doanh nghiệp bán lẻ kiến nghị trước mắt nên quy định áp dụng mức chiết khấu cố định theo định mức đối với doanh nghiệp bán lẻ theo tỉ lệ trên mỗi lít xăng dầu. Cuối cùng, kiến nghị xem xét loại bỏ quỹ bình ổn xăng dầu do hoạt động của quỹ “không khách quan”. Chính phủ nên có công cụ điều tiết bằng thuế sẽ minh bạch hơn.

P.V