Điều kiện kinh doanh ngành sản xuất của 7 quốc gia ASEAN dần cải thiện

16:17 05/03/2024

Thông tin mới nhất từ S&P Global, Chỉ số Nhà quản trị Mua hàng (PMI) toàn phần ngành sản xuất ASEAN đạt 50,4 điểm trong tháng 2/2024, tăng từ 50,3 điểm trong tháng 1.

Theo báo cáo từ S&P Global trong kỳ khảo sát tháng 2/2024, điều kiện kinh doanh trong ngành sản xuất của 7 quốc gia trong ASEAN đang tiếp tục có dấu hiệu cải thiện, mặc dù chỉ là ở mức độ nhẹ.

Chỉ số Nhà quản trị Mua hàng (PMI) toàn phần của ngành sản xuất ASEAN đã đạt 50,4 điểm trong tháng 2/2024, tăng từ 50,3 điểm trong tháng 1. Mặc dù sự cải thiện chỉ ở mức độ nhẹ nhưng vẫn là một dấu hiệu tích cực, đặc biệt sau chuỗi năm suy thoái trước tháng 1.

Theo báo cáo, sản lượng sản xuất đã tăng nhẹ do việc làm tăng trở lại và lượng công việc tồn đọng tiếp tục giảm. Tuy nhiên, số lượng đơn đặt hàng mới vẫn tiếp tục giảm, duy trì trong vùng suy giảm tháng thứ sáu liên tiếp.

Điều kiện kinh doanh ngành sản xuất của 7 quốc gia ASEAN dần cải thiện
Điều kiện kinh doanh ngành sản xuất của 7 quốc gia ASEAN dần cải thiện.

Sau khi không có sự thay đổi trong tháng 1, số lượng việc làm trong tháng 2 đã tăng lần thứ hai trong ba tháng, với tốc độ tăng nhanh nhất kể từ tháng 9/2022. Cụ thể, Indonesia và Singapore là hai quốc gia ASEAN ghi nhận chỉ số PMI ngành sản xuất trên ngưỡng 52 điểm trong tháng 2.

Bà Jingyi Pan, Phó Giám đốc kinh tế tại S&P Global Market Intelligence, nhận định: “Ở Indonesia, nhu cầu trong nước mạnh mẽ đã hỗ trợ tăng trưởng về số lượng đơn đặt hàng và sản lượng mới, trong khi nhu cầu nước ngoài tiếp tục trì trệ trong tháng 2. Điều này cần được theo dõi tiếp trong những tháng tới để nhận biết dấu hiệu về điều kiện kinh doanh toàn cầu ổn định hơn”.

Đối với Singapore, chỉ số PMI tiếp tục tăng trong tháng 2, cho thấy điều kiện kinh doanh trong khu vực tư nhân đã được cải thiện, góp phần thúc đẩy số lượng việc làm tăng kỷ lục. Theo dữ liệu từ tiểu ngành, lĩnh vực vận tải, thông tin và truyền thông tại Singapore đều chứng kiến mức tăng nhanh nhất về doanh số bán hàng và hoạt động mới.

Chỉ số PMI ngành sản xuất của Philippines cũng đã tăng từ 50,9 điểm trong tháng 1 lên 51,0 điểm trong tháng 2. “Sự khởi đầu trong tháng đầu năm mới có phần ảm đạm đối với các nhà sản xuất Philippines do nhu cầu yếu. Tuy nhiên, trong tháng 2, tốc độ tăng trưởng số lượng đơn đặt hàng mới đã đạt được động lực. Điều này góp phần hỗ trợ sự gia tăng mới về việc làm và tăng trưởng bền vững trong hoạt động mua hàng,” bà Maryam Baluch, chuyên gia kinh tế tại S&P Global Market Intelligence, nhận xét.

P.V (t/h)