Deloitte: Người Việt sẵn sàng mua xe điện để giảm chi phí vận hành

17:25 29/05/2024

Trong khi đó, lượng người dùng quan tâm đến xe điện chạy pin (BEV) và xe điện lai sạc điện (PHEV) lần lượt chiếm 16% và 17%.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Báo cáo mới đây của Deloitte cho biết, người Việt sẵn sàng mua xe điện để giảm chi phí vận hành, ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ sức khỏe cá nhân.

Theo báo cáo nghiên cứu người tiêu dùng ôtô toàn cầu năm 2024 mới đây của Deloitte, có khoảng 49% người Việt Nam ưu tiên đầu tư vào các phương tiện truyền thống sử dụng động cơ xăng, dầu (ICE). So với năm ngoái, tỷ lệ này tăng khoảng 1%.

Trong khi đó, lượng người dùng quan tâm đến xe điện chạy pin (BEV) và xe điện lai sạc điện (PHEV) lần lượt chiếm 16% và 17%.

Đối với xe hybrid (HEV), chỉ có khoảng 9% người Việt quan tâm đến dòng phương tiện này, thấp hơn 2-3 lần so với các quốc gia trong khu vực như Thái Lan, Singapore, Philippines, Malaysia hay Indonesia.

Xét về động lực để quyết định mua xe điện, lý do chính khiến người tiêu dùng lựa chọn mua xe điện xuất phát từ việc giảm chi phí vận hành (xăng, dầu...) 

Ngoài ra, các lý do hàng đầu khác dẫn tới quyết định chọn xe điện làm phương tiện là lo ngại về vấn đề biến đổi khí hậu, quan tâm đến sức khoẻ cá nhân. Bên cạnh đó, trải nghiệm lái xe cũng là vấn đề được quá nửa người tiêu dùng quan tâm

Cũng theo báo cáo của Deloitte, riêng tại Việt Nam, có tới 77% người dùng dự định thay đổi thương hiệu khi cân nhắc mua xe tiếp theo.

Lý do thay đổi thương hiệu xe của hầu hết người tiêu dùng xuất phát từ mong muốn tiếp cận thêm nhiều tính năng mới hoặc chỉ để trải nghiệm những điểm khác biệt. Tuy nhiên, trong bối cảnh người tiêu dùng tiếp tục bị ảnh hưởng bởi các điều kiện kinh tế như hiện nay, khả năng chi trả lại nằm trong số lý do hàng đầu, điều này sẽ tạo nên thay đổi đột phá trên một số thị trường.

Tùy theo thị trường, các yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến người tiêu dùng khi cân nhắc lựa chọn thương hiệu xe chính là chất lượng sản phẩm, hiệu suất và giá cả. Các tính năng xe cũng đều quan trọng đối với người tiêu dùng tại Philipines, Thái Lan và Việt Nam.

Tại Việt Nam, khi thay đổi thương hiệu xe, người tiêu dùng quan tâm nhiều nhất về chất lượng sản phẩm (60%); tiếp đến là tính năng của xe (50%), hiệu suất xe và giá cả...

Về những lo ngại khi sử dụng xe điện chạy pin hoàn toàn, người tiêu dùng tham gia khảo sát cho biết những lo ngại lớn nhất là việc không đủ cơ sở hạ tầng trạm sạc, thời gian sạc, nỗi lo về việc xe hết điện bất chợt, và chi phí.

Trong đó, tại Việt Nam, các mối lo ngại hàng đầu là quãng đường đi được, thời gian cần thiết để sạc đầy và việc thiếu kiến thức/hiểu biết về công nghệ điện và xe điện.

Với người sở hữu xe điện tại Việt Nam, nhu cầu sạc tại nhà vẫn chiếm phần lớn với 48%. Ngoài ra, khoảng 20% người dùng cho biết họ thường xuyên sạc ở nơi làm việc, cao nhất trong các quốc gia tham gia khảo sát, và 32% thường xuyên sạc trên phố hoặc các trạm sạc công cộng.

Theo hãng nghiên cứu, các quốc gia Đông Nam Á đều tập trung vào việc xây dựng trạm sạc công cộng để giải quyết các mối lo ngại về phạm vi hoạt động. Nhưng trên thực tế sử dụng hàng ngày, hầu hết người tiêu dùng sẽ sạc xe điện tại nhà.

Song, nếu không thể sạc xe điện tại nhà, người tiêu dùng muốn trải nghiệm tối đa mức độ tiện nghi của các trạm sạc điện công cộng. Deloitte nhấn mạnh vấn đề này đòi hỏi tầm nhìn chiến lược để tối đa hóa lợi nhuận từ việc đầu tư xây dựng hệ thống sạc công cộng quốc gia.

Về thời gian sạc xe điện, khoảng 37% người dùng sẵn sàng chờ đợi 21-40 phút tại các trạm công cộng để nạp năng lượng cho phương tiện từ cạn bình lên 80%. Trong khi đó, khoảng 31% người dùng kỳ vọng thời gian kéo dài trong khoảng 10-20 phút và chỉ 10% chấp nhận chờ đợi tối đa 10 phút.

Theo Deloitte, con số này cho thấy thời gian sạc xe điện cần phải tương đương thời gian đổ đầy bình nhiên liệu hóa thạch là một giả định phóng đại khi người tiêu dùng tại phần lớn thị trường Đông Nam Á sẵn sàng chờ thêm hơn 10 phút để sạc điện.

Phương Nga (T/h)

Tags: