Đề xuất trao thêm quyền khởi kiện doanh nghiệp nợ BHXH cho tổ chức Công đoàn

23:15 27/07/2023

Trước tình trạng nợ bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc gia tăng nhưng chưa thể khởi kiện được chủ sử dụng lao động, các chuyên gia lĩnh vực lao động đề xuất trao thêm quyền khởi kiện doanh nghiệp nợ BHXH cho tổ chức công đoàn cơ sở cấp trên.

Theo Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, xử lý tội trốn đóng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) đã được quy định tại Điều 216 Bộ luật Hình sự năm 2015, nhưng đến nay chưa vụ nào bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Cơ quan BHXH củng cố hồ sơ gần 400 vụ trốn đóng BHXH chuyển công an song gần một nửa số vụ cơ quan điều tra xác định không khởi tố vì chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm, khó làm rõ tội trốn đóng. Có doanh nghiệp mang tiền nợ đến đóng ngay khi công an vào cuộc- Theo Báo Tin tức.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Ông Lại Viết Quang, Vụ trưởng Vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử hình sự - Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao cho hay: Luật BHXH năm 2014 quy định có 2 đối tượng phải có nghĩa vụ đóng BHXH bắt buộc là người sử dụng lao động và người lao động.

Tuy nhiên, vì nghĩa vụ của người sử dụng lao động là lập hồ sơ gửi đến cơ quan bảo hiểm, thực hiện việc đóng bảo hiểm theo mức quy định đối với người sử dụng lao động, đồng thời thay mặt người lao động đóng phần của họ bằng cách trích từ tiền lương của người lao động nên Điều 216 Bộ luật Hình sự quy định tội trốn đóng BHXH, BHYT. BHTN cho người lao động dường như hướng tới chủ thể chính là người sử dụng lao động.

“Như vậy, có thể thấy rằng, về cơ bản, khi người sử dụng lao động và người lao động giao kết hợp đồng lao động từ 1 tháng trở lên thì sẽ phải có nghĩa vụ đóng BHXH, BHYT, BHTN. Nếu các bên không thực hiện nghĩa vụ này thì sẽ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự”, ông Quang khẳng định.

Thực tế hiện nay có nhiều doanh nghiệp trốn đóng bảo hiểm nhưng khi được phát hiện, yêu cầu hoặc bị xử phạt vi phạm hành chính thì doanh nghiệp thực hiện việc khắc phục nên cũng không đủ cơ sở để truy cứu trách nhiệm hình sự.

“Mặc dù đã có các quy định của pháp luật nhưng trên thực tế, việc khởi tố, truy tố, xét xử những vụ án theo Điều luật này còn gặp nhiều khó khăn do không có đủ yếu tố cấu thành tội phạm như đã nêu trên”, ông Quang thông tin.

Luật sư Nguyễn Danh Huế cho rằng, không nên giao khởi kiện cho công đoàn cơ sở vì đội ngũ này hưởng lương doanh nghiệp, ít người dám ra mặt vì ngại ảnh hưởng quyền lợi. Pháp luật nên trao quyền này cho công đoàn cấp trên và có hướng dẫn cụ thể.

Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nhận định, tình trạng nợ, trốn đóng BHXH đang diễn ra phức tạp, gây nhiều hệ luỵ, ảnh hưởng quyền lợi trước mắt, trực tiếp của người lao động, ảnh hưởng đến quyền lợi an sinh xã hội lâu dài, ảnh hưởng đến niềm tin của người lao động vào hệ thống BHXH. Không chỉ vậy, tình trạng này còn gây ra sự bất công, không công bằng giữa các doanh nghiệp. Mặc dù hệ thống pháp luật đã xác định hành lang pháp lý để giải quyết nợ, trốn đóng BHXH nhưng còn nhiều bất cập, xa thực tế, thiếu thống nhất nên dẫn đến thiếu tính khả thi, khiến tình trạng nợ BHXH gia tăng và diễn biến phức tạp.

“Các doanh nghiệp trốn đóng BHXH về bản chất được lợi nhuận nhiều hơn. Nhiều doanh nghiệp giữ BHXH để lấy tiền đó kinh doanh, thay vào việc đi vay ngân hàng. Lợi thế này không phải là lợi thế pháp luật cho phép, vi phạm đạo đức kinh doanh, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp”, ông Ngọ Duy Hiểu cho biết.

Để giải quyết tình trạng này, nhiều giải pháp để hoàn thiện cơ chế bảo vệ quyền lợi người lao động, trong đó có giải pháp về chính sách pháp luật được các chuyên gia đề xuất. Có ý kiến đề xuất mở rộng chủ thể khởi kiện là cơ quan BHXH. Cùng với đó, tiếp tục trao quyền khởi kiện cho công đoàn nhưng không cần phải quy định về uỷ quyền của người lao động đối với công đoàn, vì công đoàn là đại diện đương nhiên của người lao động.

Bên cạnh đó, tại dự thảo Luật BHXH sửa đổi, cơ quan soạn thảo đề xuất đưa vào quy định ngừng sử dụng hoá đơn; hoãn xuất cảnh chủ doanh nghiệp trây ì nợ BHXH.

P.V(T/H)