Đề xuất nâng cao chất lượng công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa

12:31 22/11/2022

Sáng 22/11 tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo lấy ý kiến dự thảo Đề án “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp giai đoạn 2021-2030” trình Thủ tướng Chính phủ. Tại Hội thảo, nhiều đại biểu tham gia đã đưa ra những đóng góp, đề xuất nhằm nâng cao chất lượng công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Toàn cảnh Hội thảo

Toàn cảnh Hội thảo.

Tại các Nghị quyết của Chính phủ: Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 20/5/2021 về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Nghị quyết số 99/NQ-CP ngày 30/8/2021 ban hành Chương trình hành động của Chính phủ nhiệm kỳ 2021 – 2026 thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2021 – 2025; Nghị quyết số 105/NQ-CP ngày 09/9/2021 về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch COVID-19; Nghị quyết số 54/NQ-CP ngày 12/4/2022 ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 – 2025, Chính phủ giao Bộ Tư pháp xây dựng Đề án: “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp giai đoạn 2021-2030” trình Thủ tướng Chính phủ. Thực hiện nhiệm vụ được giao, ngày 08/10/2021, Bộ trưởng Bộ Tư pháp ký Quyết định số 1514/QĐ-BTP về việc ban hành Kế hoạch xây dựng Đề án.

Triển khai Kế hoạch xây dựng Đề án này, Bộ Tư pháp (Thường trực Tổ soạn thảo Đề án phối hợp với Ban Quản lý Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2021-2025 và các cơ quan, tổ chức có liên quan) đã xây dựng dự thảo Đề án “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp giai đoạn 2021-2030”. Để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Đề án, sáng 22/11, tại Hà Nội, Bộ Tư pháp tổ chức Hội thảo lấy ý kiến dự thảo Đề án “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp giai đoạn 2021-2030” trình Thủ tướng Chính phủ.

Hội thảo do đồng chí Cao Đăng Vinh - Phó Vụ trưởng Vụ pháp luật dân sự - kinh tế (Bộ Tư phap); Phó Trưởng Ban Quản lý Chương trình Hỗ trợ pháp lý liên ngành chủ trì. Hội thảo còn có sự tham gia của TS.Nguyễn Minh Sơn - Thành viên Ban Quản lý, Trưởng Văn phòng Chương trình Hỗ trợ pháp lý liên ngành; Luật sư Nguyễn Duy Lãm - Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế doanh nghiệp cùng đại diện các bộ, ngành, hiệp hội. 

Trong giai đoạn mới, với mục tiêu mở rộng các hình thức hỗ trợ pháp lý và triển khai hoạt động hỗ trợ pháp lý một cách chất lượng, hiệu quả, có trọng tâm trọng điểm, Quốc hội đã ban hành Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017, xác định hỗ trợ pháp lý là một trong bảy hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa nhưng đồng thời cũng là nền tảng, cơ sở của tất cả hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Trên cơ sở đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 55/2019/NĐ-CP ngày 24/6/2019 về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Công tác lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng quy định cụ thể.

Tuy nhiên, dự báo thời gian tới, kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng có thể có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường; bên cạnh những thời cơ, thuận lợi, Việt Nam còn tiếp tục phải đối mặt với không ít hạn chế, yếu kém và chát khó khăn, thách thức; do đó, một trong các giải pháp đặt ra là nâng cao lượng xây dựng pháp luật gắn với nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện pháp luật... Trong bối cảnh đó, nhằm triển khai Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp nói chung và hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nói riêng để doanh nghiệp phục hồi và phát triển, góp phần thực hiện thành công Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030, Chính phủ đã giao cho Bộ Tư pháp xây dựng Đề án “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp giai đoạn 2021-2030” trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đây là nhiệm vụ quan trọng, gắn với việc kết nối nhiều mục tiêu, định hướng phát triển kinh tế - xã hội quan trọng của nước ta

TS.Nguyễn Minh Sơn - Thành viên Ban Quản lý, Trưởng Văn phòng Chương trình Hỗ trợ pháp lý liên ngành
TS.Nguyễn Minh Sơn - Thành viên Ban Quản lý, Trưởng Văn phòng Chương trình Hỗ trợ pháp lý liên ngành.

Tại buổi Hội thảo, TS. Trần Minh Sơn chia sẻ: "Hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nói chung, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa nói riêng đã đạt được nhiều kết quả tích cực, được ghi nhận. Ngoài ra, hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp đã được triển khai ở nước ta, gắn với chức năng, nhiệm vụ của các bộ, ngành, địa phương và song hành cùng việc phát triển thị trường dịch vụ pháp lý".

Tuy nhiên bên cạnh những kết quả tích cực thì hiện nay cho thấy công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp còn chưa được quan tâm đúng mức; còn một số khó khăn, vướng mắc, cả quy định pháp luật và thực tiễn triển khai thực hiện cũng như kinh phí, bộ máy…

Nguyên nhân chủ yếu của vấn đề này xuất phát từ đại đa số doanh nghiệp tại Việt Nam là doanh nghiệp nhỏ và vừa, nguồn lực chủ yếu tập trung cho việc sản xuất, kinh doanh, chưa có nguồn lực để bố trí cho công tác pháp chế. Đa phần các doanh nghiệp chỉ quan tâm đến các chi phí trực tiếp cho hoạt động sản xuất kinh doanh, các chi phí gián tiếp như chi phí dịch vụ pháp lý, đội ngũ pháp chế còn chưa được quan tâm thỏa đáng. Hiệu quả tư vấn pháp luật của các tổ chức dịch vụ pháp lý hiện nay chưa cao, chưa đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp…

Tại hội thảo, để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý trong giai đoạn tới, các ý kiến đề xuất cần nghiên cứu, bổ sung tiêu chí đánh giá, giám sát về công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp để các cơ quan tổ chức hỗ trợ pháp lý có công cụ nhằm thực hiện các hoạt động hiệu quả dựa trên các chỉ số cụ thể, bảo đảm sử dụng nguồn lực hiệu quả và hiệu suất nhất, đo lường chính xác các hoạt động hiệu quả để tiếp tục phát huy hoặc có sự điều chỉnh.

Khảo sát, phân loại doanh nghiệp theo vùng, địa phương để lựa chọn nhu cầu của doanh nghiệp để thực hiện tư vấn pháp lý, lựa chọn nhóm vấn đề mà doanh nghiệp ở địa phương đó là thực sự cần. Xác định trọng tâm, trọng điểm trong việc tư vấn pháp lý và dành nguồn lực để hỗ trợ doanh nghiệp, tránh dàn trải. 

Luật sư Nguyễn Duy Lãm chia sẻ tại Hội thảo
Luật sư Nguyễn Duy Lãm chia sẻ tại Hội thảo.

Đối với Đề án này, tại buổi Hội thảo, Luật sư Nguyễn Duy Lãm đã đưa ra một số góp ý đề hoàn thiện Đề án dựa trên 5 phần, bao gồm: phần thực trạng công tác hỗ trợ pháp lý dành cho doanh nghiệp; phần quan điểm, mục tiêu; phần nhiệm vụ, giải pháp; phần tổ chức thực hiện và phần rà soát, chỉnh sửa lỗi kỹ thuật, chỉnh sửa câu từ cho đúng ngữ pháp, dễ hiểu, dễ thực hiện. 

Ông cũng đánh giá rằng, Dự thảo Đề án được xây dựng cụ thể, chi tiết, đã kế thừa, phát huy những kết quả của Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp giai đoạn 2010-2014 và 2015-2020, đồng thời gắn với Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2021-2025. 

Ảnh minh họa
Đại diện Cục phát triển doanh nghiệp - Bộ kế hoạch đầu tư chia sẻ. 

Cũng tại Hội thảo, đại diện Cục phát triển doanh nghiệp - Bộ kế hoạch đầu tư đã đưa ra đề xuất nâng cao chất lượng công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong thời gian tới. Đại diện Cục kiến nghị Ban quản lý Chương trình chủ trì:

Thứ nhất, nghiên cứu, bổ sung tiêu chí đánh giá, giám sát về công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp để các cơ quan, tổ chức hỗ trợ pháp lý có công cụ nhằm thực hiện các hoạt động hiệu quả dựa trên các chỉ số cụ thể, đảm bảo sử dụng nguồn lực hiệu quả và hiệu suất nhất, đo lường chính xác các hoạt động hiệu quả để tiếp tục phát huy hoặc có sự điều chỉnh.

Thứ hai, khảo sát, phân loại doanh nghiệp tại theo vùng, địa phương để lựa chọn nhu cầu của doanh nghiệp để thực hiện tư vấn pháp lý, lựa chọn nhóm vấn đề mà doanh nghiệp ở địa phương đó thực sự cần. Xác định trọng tâm, trọng điểm trong việc tư vấn pháp lý và dành nguồn lực để hỗ trợ doanh nghiệp với những nội dung trọng tâm, trọng điểm; tránh dàn trải.

Thứ ba, chủ động xây dựng và triển khai các hoạt động thường xuyên cập nhật kiến thức pháp luật cho doanh nghiệp và người làm công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; Tăng cường ứng dụng chuyển đổi số trong công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.

Thứ tư, tăng cường vai trò chỉ đạo, quản lý của cơ quan quản lý nhà nước về hỗ trợ pháp lý, nhất là trong triển khai, theo dõi việc thực hiện pháp luật về hỗ trợ pháp lý. Nhà nước quản lý tổ chức và hoạt động hỗ trợ pháp lý sát sao, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, đánh giá chất lượng hỗ trợ pháp lý đối với các tổ chức, cá nhân thực hiện hỗ trợ pháp lý trong toàn quốc.

Thứ năm, nghiên cứu các cơ chế góp phần nâng cao chất lượng hoạt động hỗ trợ pháp lý về kinh phí, về chế độ, chính sách cho người thực hiện hỗ trợ pháp lý...; tiếp tục nghiên cứu và đổi mới để tăng cường sự tham gia của các tổ chức hành nghề luật sư, tổ chức tư vấn pháp luật có chất lượng, uy tín vào hoạt động hỗ pháp lý thông qua nhiều hình thức đa dạng, phát huy tốt mọi nguồn lực của xã hội cho hoạt động hỗ trợ pháp lý.

Bên cạnh đó, tại hội thảo hôm nay, các ý kiến cũng nhấn mạnh cần nghiên cứu giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của mạng lưới tư vấn viên pháp luật; hoạt động của tư vấn viên có sức lan tỏa và được sự tham gia, hưởng ứng của cộng đồng doanh nghiệp và tổ chức dịch vụ pháp lý.

Bảo Bảo