Đề xuất bỏ độc quyền sản xuất vàng miếng

14:03 22/03/2024

Tại cuộc họp với Phó Thủ tướng Lê Minh Khái hôm 20/3, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước đề xuất bỏ cơ chế Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, thực hiện cấp phép sản xuất vàng miếng cho một số doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện.

Sau 9 văn bản của Thủ tướng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vẫn không có báo cáo tổng kết Nghị định số 24/2012/NĐ-CP (Nghị định 24) về quản lý hoạt động kinh doanh vàng. Rất nóng ruột khi thị trường vàng nhảy múa liên tục, có khi giá vàng đạt đỉnh “mọi thời đại”, ngày 20/3/2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 22/CĐ-TTg yêu cầu tăng cường các biện pháp quản lý thị trường vàng. Ngay tối 20/3, một cuộc họp với lãnh đạo NHNN, các bộ, ngành, bàn giải pháp quản lý thị trường kim loại quý do Phó Thủ tướng Lê Minh Khái - Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá - chủ trì.

Vấn đề lớn nhất hiện nay là cân nhắc có nên trả vàng về cho thị trường tự do như thế nào? Ảnh: Minh họa
Vấn đề lớn nhất hiện nay là cân nhắc có nên trả vàng về cho thị trường tự do như thế nào? Ảnh: Minh họa.

Xóa bỏ độc quyền vàng miếng là phù hợp với kinh nghiệm quốc tế

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã phê bình NHNN thời gian qua chưa có báo cáo, tham mưu với Chính phủ kịp thời về tình hình biến động giá vàng, quản lý giá vàng.

Tại cuộc họp, Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà cho biết, trong số những giải pháp đồng bộ quản lý thị trường vàng theo Nghị định 24 là Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, xuất khẩu vàng nguyên liệu và nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng. Những giải pháp đó đã làm thay đổi cục diện thị trường vàng miếng sau 12 năm triển khai thực hiện.

Tuy nhiên, theo ông Hà, hiện vẫn còn tồn tại chênh lệch cao giữa giá vàng miếng SJC so với các loại vàng miếng khác, vàng trang sức mỹ nghệ 99,99% và giá vàng quốc tế.

Từ đó, ông Phạm Thanh Hà đề xuất thay đổi phương án sản xuất vàng miếng, bỏ cơ chế Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, thực hiện cấp phép sản xuất vàng miếng cho một số doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện. Đồng thời, NHNN sẽ thực hiện cấp hạn mức sản xuất vàng miếng trong từng thời kỳ phù hợp với mục tiêu chính sách tiền tệ và sự ổn định của nền kinh tế vĩ mô. Việc xóa bỏ cơ chế Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng sẽ phù hợp với kinh nghiệm quốc tế, tăng cung vàng miếng trên thị trường, giải quyết được vấn đề chênh lệch giá.

Ý kiến này không mới, trước đó nhiều chuyên gia tài chính tiền tệ, Hiệp hội Kinh doanh vàng VN (VGTA)… cũng đề xuất như vậy.

Ngay trong cuộc họp triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2024 ngày 3/1/2024, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cũng cho rằng, thời gian qua Nghị định 24 đã phát huy đạt được mục tiêu chống “vàng hóa nền kinh tế”, không để ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô, nhưng đến nay, các điều kiện kinh tế - xã hội cũng đã thay đổi, nên việc sửa nghị định này là cần thiết và đáng nhẽ phải sửa đổi sớm hơn.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Và đến thời điểm này, việc sửa đổi Nghị định 24 là rất cần thiết, bởi 1 nghị định ra đời cách nay 12 năm, làm sao “đủ sức” điều chỉnh được những biến động của thị trường vàng như hiện nay với rất nhiều biến động. Cần nhớ rằng, Nghị định 24 ra đời năm 2012, lúc đó vàng SJC chỉ có 30 triệu đồng/lượng, nay đã lên đên hơn 81 triệu/lượng; tình hình giá vàng thế giới đã rất khác xưa. Đặc biệt chính sự độc quyền của vàng miếng SJC có thể làm cho giá vàng trong nước chênh lệch rất cao so với giá vàng thế giới, có khi lên tới 20 triệu đồng/lượng.

Một câu hỏi rất “nóng” cần được đặt ra: Tại sao vàng nhẫn lại không chênh lệch cao như vậy và luôn thấp hơn vàng SJC hơn 10 triệu đồng, có khi hơn 13,5 triệu đồng/lượng - có nghĩa là gần tiệm cận với gái vàng thế giới? Trả lời được câu hỏi này cũng có thể mở ra nhiều vấn đề trong công tác quản lý thị trường vàng hiện nay.

Để giá vàng nhảy múa liên tục; để giá vàng SJC chênh lệch quá cao so với vàng nhẫn; để giá vàng trong nước chênh lệch quá xa so với vàng thế giới, có thể dẫn đến phát sinh nhiều hệ lụy như buôn lậu, gian lận, khiến việc quản lý ở các cửa khẩu phức tạp, đặc gây áp lực lên ngoại tệ, ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô.

Trả vàng về thị trường tự do?

Nếu trả vàng về cới thị trường tự do, SJC không còn gia công cho NHNN để sản xuất độc quyền vàng miếng SJC, thì điều gì sẽ xảy ra?

Điều lo lắng nhất là tình trạng “vàng hóa nền kinh tế” có lặp lại? Nhớ lại, trước khi có Nghị định 24 (trước năm 2012), một số ngân hàng còn cho người dân gửi tiết kiệm bằng vàng, còn hiện nay các ngân hàng không được phép huy động và cho vay bằng vàng, thì sự lo lắng “vàng hóa nền kinh tế” là khó xảy ra. Vàng hiện tại trong nền kinh tế đã đóng vai trò khác, là phương tiện tích trữ, không phải là phương tiện thanh toán.

Khi để thị trường vàng tự do, các doanh nghiệp được phép kinh doanh vàng miếng phải là các doanh nghiệp kinh doanh có điều kiện, dưới sự quản lý của NHNN trong vai trò cầm cân nảy mực, điều tiết thị trường, quản lý thị trường vàng.

NHNN cũng là đơn vị chủ động trong việc nhập khẩu vàng để tránh thất thoát ngoại tệ, không thể để nhập khẩu vàng tự do mà cần có hạn mức nhập khẩu vàng.

Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh - giảng viên cao cấp Học viện Tài chính còn đề xuất, trong bối cảnh tình hình thị trường hiện nay, phương thức giao dịch vàng cũng cần đa dạng hơn, NHNN có thể phát hành chứng chỉ vàng, giảm bớt nhu cầu mua vàng vật chất và giảm sự luân chuyển dòng ngoại hối. Cơ chế chứng chỉ vàng (hay còn gọi là “vàng giấy) hiện Trung Quốc và một số quốc gia khác đã áp dụng trên sàn vàng, thay vì người mua nhận vàng vật chất.

Lập sàn vàng cũng là một phương thức quản lý vàng tốt nhất hiện nay mà nhiều quốc gia đã làm. Tại Toạ đàm “Giải pháp phát triển thị trường vàng an toàn và bền vững” do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức hôm 28/1/2024, các chuyên gia đã trao đổi và đề nghị lập sàn giao dịch vàng, xem đó là giải pháp để quản lý thị trường vàng minh bạch, hiệu quả.

Mô hình quản lý vàng qua sàn vàng Thượng Hải của Trung Quốc là một ví dụ, về quản lý giá vàng rất hiệu quả, không làm cho chệnh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới quá cao. Chênh lệch giá vàng tại Trung Quốc và giá thế giới là có nhưng trong biên độ quy định của cơ quan chức năng. Theo quy định, giá vàng 99,99%, các doanh nghiệp ở Trung Quốc được định giá bán cộng thêm tối đa 15% trên cơ sở giá mà sàn vàng Thượng Hải công bố mỗi ngày.

Sàn vàng Thượng Hải hiện là 1 trung tâm giao dịch vàng của Trung Quốc do nhà nước đầu tư vốn 100%, là sàn vàng vật chất giao ngay (spot gold). Sản phẩm được phép giao dịch là vàng miếng đạt tiêu chuẩn quốc tế, ngoài ra còn có các kim loại quý khác như bạch kim và bạc. Sàn hoạt động thông qua cơ chế khớp lệnh tập trung, giá cả sẽ do cung cầu thị trường quyết định.

Sàn vàng ra đời đánh dấu chấm dứt cơ chế độc quyền đối với thị trường vàng của Trung Quốc, đặc biệt làm cho giá vàng trong nước luôn sát với giá vàng thế giới.

Người Việt vốn rất ưa chuộng vàng. Việc tích trữ vàng nhằm đảm bảo nguồn lực tài chính, để sinh lời và cũng là để khi có việc cần đến có thể bán ngay được. Vàng, bao gồm cả vàng miếng theo quy định của pháp luật là tài sản của người dân. Theo các quy định hiện hành thì người dân được nắm giữ và mua bán vàng bình thường.

Vấn đề là làm sao có một thị trường vàng minh bạch và lành mạnh. Việc sửa đổi Nghị định 24 hay bất cứ biện pháp can thiệp nào vào thị trường vàng cũng phải tuân theo cơ chế thị trường và phải đảm bảo mục đích chống “vàng hóa nền kinh tế” và phải đưa giá vàng trong nước sát với giá vàng thế giới.

Chênh lệch giá vàng gây thiệt hại nặng nề không chỉ cho người tiêu dùng do phải mua vàng với giá quá cao so với thực tế, mà còn làm “chảy máu” ngoại tệ khi dân buôn lậu vơ vét ngoại tệ, ra nước ngoài mua vàng rồi nhập lậu về, gây ra hậu quả khó lường.

Đánh giá kỹ các tác động việc mở rộng cấp phép sản xuất vàng miếng

Kết luận cuộc họp hôm 20/3, dẫn con số biến động giá vàng, giá vàng miếng SJC do NHNN quản lý có tốc độ tăng cao hơn tốc độ tăng của thế giới, chênh lệch giữa giá trong nước và thế giới cũng cao, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nêu rõ nếu không có giải pháp kịp thời xử lý biến động thị trường vàng sẽ ảnh hưởng đến phục hồi và phát triển kinh tế, các cân đối lớn của nền kinh tế. Đây là vấn đề Chính phủ, lãnh đạo Chính phủ, các bộ, ngành rất quan tâm.

Phó Thủ tướng yêu cầu ngay trong tuần này NHNN phải có thông tin phản hồi, tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo kịp thời về quản lý thị trường vàng.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái phân tích giá vàng trong nước chênh lệch cao so với giá vàng thế giới, có thể dẫn đến phát sinh nhiều hệ lụy như buôn lậu, gian lận, khiến việc quản lý ở các cửa khẩu phức tạp, gây áp lực lên ngoại tệ.

Phó Thủ tướng yêu cầu trước mắt, NHNN đánh giá cung cầu thị trường, diễn biến giá vàng trong và ngoài nước, các đơn vị trong chuỗi cung ứng để có động thái kịp thời xử lý những nguyên nhân dẫn đến thị trường biến động. Về lâu dài, NHNN đánh giá tổng thể các giải pháp quản lý hiện nay, nhất là quy định trong Nghị định 24, để có điều chỉnh kịp thời, phù hợp.

"Việc có mở rộng cấp phép sản xuất vàng miếng hay không phải phân tích, đánh giá rất kỹ các tác động đối với tỉ giá, ngoại hối, kinh tế vĩ mô, tâm lý người dân. Chính sách phải góp phần ổn định thị trường vàng trong nước, ổn định kinh tế vĩ mô, thị trường ngoại tệ" - Phó Thủ tướng Lê Minh Khái lưu ý.

Vĩnh Hy