Để dệt may không bị lỡ ‘chuyến tàu’ nâng cao giá trị và vị thế

23:03 17/04/2023

Bên cạnh phải “xanh hoá” chuỗi sản xuất, theo các chuyên gia trong ngành, các doanh nghiệp dệt may cần đẩy mạnh đầu tư vào sản xuất vải, phát triển khâu thiết kế mẫu, gia tăng tỷ lệ nội địa hóa… để đưa điểm yếu thành sức mạnh, tạo nên sự bứt phá.

 

Ảnh minh họa
Doanh nghiệp ngành dệt may cần đẩy mạnh đầu tư vào sản xuất vải, phát triển khâu thiết kế mẫu, gia tăng tỷ lệ nội địa hóa. Ảnh minh họa: Lê Hoàng.

Nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm…

Lâu nay nguyên liệu vải sợi để sản xuất của doanh nghiệp may mặc Việt Nam phải nhập khẩu hầu hết từ Trung Quốc và các nước khác, rất bị phụ thuộc và không cạnh tranh về giá cả.

Để tự chủ nguồn nguyên liệu trong sản xuất, một doanh nghiệp dệt may có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động gần 20 năm nay ở Việt Nam gần đây đã đầu tư nhà máy vải sợi hiện đại tại tỉnh Đồng Nai nhằm cung cấp vải sợi cho các nhà nhà máy cắt, in, thêu, may, hoàn thành của công ty.

Tại chuỗi các nhà máy sản xuất của doanh nghiệp này cũng có Trung tâm phát triển sản phẩm được đặt ngay trong khuôn viên nhà máy. Việc lên ý tưởng về mẫu mã, sản phẩm và có được thành phẩm trong cùng một nơi, diễn ra khép kín, chính vì vậy công ty có thể đẩy nhanh được tiến độ phát triển sản phẩm mới và quy trình sản xuất cũng diễn ra một cách minh bạch.

Để đáp ứng nhanh yêu cầu của các nhãn hàng và nâng cao giá trị sản phẩm, doanh nghiệp này đã đưa vào hoạt động nhà máy sản xuất tại Mỹ, giúp công ty giảm thiểu thời gian đáng kể trong khâu giới thiệu sản phẩm mẫu đến khách hàng. Tại đây, các nhãn hàng của công ty ở Mỹ và châu Âu có thể trực tiếp đến xem mẫu sản phẩm nhanh nhất có thể. Khi khách hàng có số lượng đơn hàng nhỏ, cần gấp cho các sự kiện của mình, thì nhà máy tại Mỹ của doanh nghiệp này sẽ đáp ứng kịp thời.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa:  Lê Hoàng.

Câu chuyện khép kín chuỗi sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm bằng các nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, thiết kế mẫu cho khách, cũng như mở nhà máy, giới thiệu sản phẩm tại ngay thị trường xuất khẩu như doanh nghiệp FDI nói trên còn là con số ít ỏi với ngành dệt may Việt Nam.

Trong 10 năm qua, tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may Việt Nam luôn ở mức 2 con số và đạt khoảng 45 tỉ đô la vào năm 2022. Sản phẩm may mặc “made in Vietnam” đã tạo được dấu ấn trên thế giới, hiện diện ở rất nhiều hệ thống bán lẻ lớn. Tuy nhiên, theo những người trong ngành, phân tích sâu vào cơ cấu, dệt may Việt Nam đang cho thấy nhiều vấn đề cần phải cải thiện hơn nữa. Đó là, cả hai khâu ở đầu và cuối chuỗi là sợi và may có quy mô phát triển rất lớn, trong khi dệt và nhuộm vẫn là nút thắt trong nhiều năm qua của dệt may.

Phó chủ tịch HĐQT Tập đoàn Cát Tường Aurora, ông Nguyễn Văn Tuấn, người có nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực dệt may, cho rằng trong năm 2022, nhu cầu vải của ngành dệt may Việt Nam lên tới khoảng 11 tỉ mét nhưng sản xuất trong nước chỉ khoảng 4 tỉ mét, phần thiếu hụt phải nhập khẩu.

Việc phụ thuộc phần lớn vào vải nhập khẩu khiến cho ngành dệt may trở nên mỏng manh và dễ tổn thương. Bởi hiện vẫn có tới 70% doanh nghiệp trong ngành làm gia công (CMT) với 100% vải do đối tác, nhãn hàng chỉ định hoặc cung cấp và lợi nhuận đạt được rất thấp, chỉ khoảng 1,7 đô la cho 1 chiếc áo.

Nhưng nếu tự chủ được nguồn cung vải, tức là tiến lên phương thức OEM – cung ứng sản phẩm theo đơn đặt hàng của các doanh nghiệp khác, lợi nhuận mỗi chiếc áo sẽ được nâng lên mức khoảng 8 đô la. Đối với phương thức ODM – doanh nghiệp tự thiết kế mẫu và tự chủ về vải, mức giá sẽ tăng lên 12 đô la, còn phương thức OBM – sản xuất từ thương hiệu gốc, mức giá sẽ gấp từ 15 lần trở lên so với gia công.

Các chuyên gia trong ngành dệt may đều khẳng định, để làm cho ngành dệt may mạnh lên thì cần phải chuyển đổi từ gia công lên các phương thức cao hơn, trong đó, điều kiện tiên quyết là doanh nghiệp phải chủ động được nguồn cung vải.

Nếu không gia tăng sản xuất vải ở Việt Nam thì phương thức gia công sẽ tiếp tục còn tồn tại rất lâu và Việt Nam sẽ tiếp tục bị cạnh tranh từ Bangladesh, Ấn Độ với chi phí lao động rất rẻ. Bên cạnh đó, vải sản xuất tại Việt Nam sẽ đáp ứng được yêu cầu xuất xứ hàng hóa từ các thị trường lớn như EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ và các nước khác trong CPTPP.

Số liệu của Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) thì tỷ lệ vải sản xuất cao hơn, nhưng hơn 50% lượng vải vẫn phải nhập khẩu.

Ông Trương Văn Cẩm, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Vitas, cho rằng cái khó của ngành dệt may là nguyên phụ liệu đầu vào, đặc biệt là vải, dệt nhuộm. Một số địa phương cho rằng ngành dệt nhuộm gây ô nhiễm nên không mặn mà với các dự án phát triển lĩnh vực này.

Có địa phương đã từng thẳng thừng từ chối các dự án sản xuất quy mô lớn có khâu dệt nhuộm dù nhà đầu tư khẳng định sẽ sử dụng công nghệ xử lý hiện đại, không tác động xấu đến môi trường.

Ngành dệt may đang phối hợp với Bộ Công Thương xây dựng các khu công nghiệp dệt may lớn có hệ thống xử lý nước thải, bảo vệ môi trường… để đáp ứng phần nào về nguồn nguyên liệu cho ngành.

Lợi thế cạnh tranh từ công nghệ

Ngoài ra, việc ứng dụng công nghệ vào sản xuất không chỉ giúp doanh nghiệp dệt may cắt giảm chi phí sản xuất mà còn tạo lợi thế cạnh tranh.

Ảnh minh họa
Nhiều nhà cung cấp máy móc, thiết bị, công nghệ ngành sản xuất dệt may thế giới đến Việt Nam chào sản phẩm tại một triển lãm chuyên ngành diễn ra ở TPHCM gần đây. Ảnh minh họa: Lê Hoàng.

Theo các doanh nghiệp, bên cạnh sản xuất xanh, bền vững thì công nghệ số sẽ giúp tối ưu hóa hoạt động sản xuất kinh doanh. Nhiều doanh nghiệp lớn đã khai thác công nghệ 4.0 như một cơ hội tận dụng thành tựu của thời đại mới. Một số doanh nghiệp ứng dụng công nghệ robot trong sản xuất giúp tối ưu thời gian và hiệu suất lao động thể chất, ứng dụng IoT (internet vạn vật) để hiện thực hoá khái niệm về một nhà máy thông minh.

Big data sẽ được xem là huyết mạch của nhà máy thông minh, giúp kiểm soát và cải thiện mọi khía cạnh hoạt động, từ tăng năng suất, tối ưu quy trình, thúc đẩy tăng trưởng và đặt các đối tác khách hàng vào trung tâm của sự chuyển đổi…

Ảnh minh họa
Đầu tư vào công nghệ hiện đại, tự động cũng là nâng cao vị thể và hiệu suất trong sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Ảnh minh họa: Hùng Lê.

Theo lãnh đạo Vitas, nếu các doanh nghiệp chủ động được thiết kế mẫu cho các nhãn hàng sẽ rất thuận lợi chuyển lên phương thức ODM hoặc phát triển thương hiệu thời trang riêng.

Để chuẩn bị cho giai đoạn thị trường phục hồi, các doanh nghiệp dệt may, nhất là doanh nghiệp nội địa đang nỗ lực cắt giảm chi phí sản xuất, bằng mọi cách giữ chân lực lượng lao động. Việc này không chỉ chuẩn bị nguồn lực sẵn sàng cho giai đoạn phục hồi đơn hàng mà còn để khẳng định tính ổn định của nền sản xuất trong nước như một yếu tố cạnh tranh với các quốc gia khác.

Quá trình chuyển đổi này đang bắt đầu bằng quyết tâm mạnh mẽ của các doanh nghiệp trong thực hiện sản xuất bền vững và chuyển đổi số, đưa công nghệ vào quy trình sản xuất và kinh doanh.

Điều này cũng lý giải vì sao cả trăm doanh nghiệp thiết bị, công nghệ và nguyên phụ liệu nhiều nước trên thế giới trong lĩnh vực dệt may tập trung tại Triển lãm quốc tế thường niên ngành công nghiệp dệt may – thiết bị và nguyên phụ liệu – (Saigontex 2023) tại TPHCM gần đây, là cơ hội cho các doanh nghiệp dệt may Việt Nam tiếp cận các công nghệ tiên tiến nhất, thiết bị hiện đại nhất để có cơ sở xác định hướng đầu tư trong thời gian tới.

Tại sự kiện, Thứ trưởng Bộ Công Thương, bà Phan Thị Thắng cũng nhấn mạnh về việc thay đổi tư duy, chiến lược trong tầm nhìn phát triển ngành dệt may Việt Nam, tập trung vào việc phát triển chuỗi sản xuất dệt may hoàn chỉnh với quy mô lớn, đầu tư vào thiết bị hiện đại, tự động hóa cao, quản trị tự động theo thời gian thực, sản xuất xanh sạch, thân thiện môi trường…

Bà Thắng cũng đánh giá, tuy kim ngạch xuất khẩu cao, nhưng giá trị gia tăng trong sản phẩm dệt may hiện nay còn ở mức thấp, chưa chủ động nguyên phụ liệu, chưa đáp ứng được các công đoạn thượng nguồn chuỗi cung ứng mang lại giá trị gia tăng cao hơn. Bên cạnh đó, năng suất lao động cũng thấp hơn các nước trong khu vực, trình độ công nghệ ở mức trung bình khá.

Chính vì vậy, trong giai đoạn tới, ngành dệt may Việt Nam cần tăng cường phát triển theo chiều sâu, thay vì chiều rộng, tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu, đặc biệt tập trung vào những công đoạn mang lại giá trị gia tăng cao như thiết kế, sản xuất nguyên phụ liệu đầu vào, phân phối, từng bước chuyển mình lên vị trí cao hơn trong chuỗi sản xuất.

Để đạt được các mục tiêu đã đặt ra đến năm 2030, ngành dệt may Việt Nam cần thay đổi tư duy trong tầm nhìn, chiến lược, trong đó, cần tập trung phát triển chuỗi sản xuất dệt may hoàn chỉnh quy mô lớn; thiết bị hiện đại, tự động hóa cao; quản trị tự động theo thời gian thực, sản xuất xanh sạch, thân thiện môi trường…

Đồng thời, trong tình hình kinh tế thế giới đối mặt với những nguy cơ khó lường hơn, định hướng ngành dệt may cần tìm được những hướng đi phù hợp, đảm bảo công ăn việc làm, đảm bảo an sinh xã hội cho người lao động, đẩy lùi những khó khăn về dịch bệnh đồng thời hướng về mục tiêu lâu dài phát triển ngành theo hướng bền vững.

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Cao Hữu Hiếu, Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), cho biết Vinatex đã xây dựng chiến lược phát triển bền vững, dài hạn, mang tính dẫn dắt ngành công nghiệp, đảm bảo đáp ứng các tiêu chuẩn ngày càng khắt khe của thị trường.

Với chiến lược phát triển đến 2030 trở thành một điểm đến trọn gói cho sản phẩm thời trang xanh, Vinatex đang tăng cường đầu tư cho sản xuất, ổn định và chủ động nguồn nguyên liệu; đẩy mạnh công tác phát triển sản phẩm, xây dựng thương hiệu thời trang trên thị trường; tuân thủ quy định của các thị trường xuất khẩu chính đối với khía cạnh môi trường và trách nhiệm xã hội.

Trong đó tập trung vào ứng dụng công nghệ tiên tiến nhằm giảm sử dụng năng lượng, giảm phát thải, giảm sử dụng lao động, tăng năng suất và chất lượng; sản xuất xanh, xây dựng hệ thống sản xuất và kinh doanh tuần hoàn…

Theo ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Vitas, ngành dệt may còn nhiều dư địa để tăng cường hội nhập kinh tế quốc tế, mở rộng thị trường xuất khẩu. Bởi lẽ trong vòng 2 năm tới, nhiều hiệp định thương mại tự do có hiệu lực, ưu đãi thuế quan giảm dần về bằng 0 là cơ hội cho ngành dệt may Việt Nam, thị trường xuất khẩu rất rộng mở.

Tuy nhiên, yêu cầu đặt ra với các doanh nghiệp lúc này là phải phát triển bền vững và “xanh hóa” trong sản xuất, đảm bảo an toàn cao, ít tác động xấu đến môi trường…

Ông Trần Như Tùng, Phó chủ tịch, Trưởng ban Phát triển bền vững của Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), nhấn mạnh rằng phát triển bền vững là xu hướng của thế giới và là yêu cầu từ phía thị trường và khách hàng. Do đó, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam không có lựa chọn nào khác. Những quy định của chính phủ Việt Nam đối với ngành dệt may cũng đặt ra yêu cầu về vấn đề xanh hóa và sản xuất sạch hơn.

Tại hội nghị Ngày truyền thống Dệt may Việt Nam được tổ chức vào cuối tháng 3 vừa qua, ông Trần Như Tùng, tiếp tục kêu gọi doanh nghiệp hội viên cần tuân thủ những quy tắc của các thương hiệu về trách nhiệm xã hội và môi trường. Theo ông Tùng, đây là một trong những yêu cầu cơ bản, nền tảng mà các nhà máy khi tham gia vào chuỗi cung ứng đều phải cam kết.

Theo ông Tùng và đại diện các nhãn hàng, việc đầu tư cho phát triển bền vững không chỉ giúp tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp mà còn giúp tạo dựng hình ảnh tốt với khách hàng, đặc biệt là nhà nhập khẩu, thương hiệu đến từ Mỹ và châu Âu về khía cạnh môi trường. Từ đó, giúp doanh nghiệp, nhà sản xuất có thêm nhiều đơn hàng mới, phát triển bền vững hơn.

Cũng như nhiều ngành, lĩnh vực sản xuất khác, chi phí nhân công tăng nhanh đang gây áp lực cho các doanh ngiệp. Trong giai đoạn tới, yếu tố nhân công giá rẻ sẽ không còn là lợi thế của dệt may Việt Nam. Trong khi đó, lâu nay, dệt may chủ yếu làm hàng gia công cho các nhãn hàng, giá trị lợi nhuận không cao.

Do đó, định hướng phát triển của ngành dệt may Việt Nam là tiến dần lên các phương thức sản xuất mang lại giá trị gia tăng cao hơn, từ gia công (CMT: Cut – Make – Trim) tiến lên FOB (Free On Board: Mua nguyên liệu, bán thành phẩm), ODM (Original Design Manufacturing). Theo Vitas, xa hơn nữa, đến năm 2035, đóng góp chủ yếu vào giá trị xuất khẩu dệt may sẽ đến từ xuất khẩu các sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam.

Quá trình chuyển đổi này đang bắt đầu bằng quyết tâm mạnh mẽ của các doanh nghiệp trong thực hiện sản xuất bền vững và chuyển đổi số, đưa công nghệ vào quy trình sản xuất và kinh doanh.

Công ty cổ phần Kết nối thời trang – Faslink trong thời gian qua đặt mục tiêu là mở rộng và phát triển bền vững, doanh nghiệp này đã chuyển mình từ đơn vị cung cấp dịch vụ sản xuất thuần gia công (CMT) sang FOB, và ODM cho các doanh nghiệp thời trang Việt Nam và quốc tế. Trong đó, yếu tố ứng dụng công nghệ giúp doanh nghiệp nâng cao năng suất.

Bà Trần Hoàng Phú Xuân, Tổng giám đốc Faslink, cho biết Faslink khoảng 2 năm nay ứng dụng công nghệ thiết kế Style 3D, từ việc xây dựng một kho vải kỹ thuật số cho phép khách hàng ở bất kỳ đâu cũng có thể truy xuất thông tin, tính năng kỹ thuật và họa tiết của từng mẫu vải.

“Chúng tôi làm việc với khách hàng trên ứng dụng Style 3D, giới thiệu cho họ mẫu vải, thực hiện ngay tức thì các yêu cầu thiết kế trực tuyến theo ý tưởng của khách hàng, thay đổi màu sắc, họa tiết mẫu vải, thêm bớt phụ kiện trên sản phẩm mẫu không khác gì hai bên đang làm việc trực tiếp mặt đối mặt”, bà Xuân nói, và cho biết: “Điểm khác biệt ở chỗ, từ một mẫu vải đến khi ra thành phẩm theo yêu cầu của khách hàng chỉ trong một vài giờ so với trước đây phải cần vài ngày”.

Kinh nghiệm của Faslink cho thấy, công nghệ thiết kế 3D cho phép doanh nghiệp cắt giảm gần như toàn bộ công đoạn may mẫu. Thậm chí doanh nghiệp đã thực hiện những cuộc trình diễn thời trang hoàn toàn trực tuyến, từ thiết kế, lên thành phẩm và người mẫu ảo trình diễn đều trên ứng dụng công nghệ Style 3D.

“Chúng tôi đã có 15% đơn hàng hoàn toàn từ ứng dụng thiết kế Style 3D. Như vậy công nghệ này không chỉ mở ra một kênh tiếp thị, tiếp cận khách hàng mà còn tiết giảm về thời gian, chi phí sản xuất rất lớn cho doanh nghiệp”, bà Xuân cho hay.

Hùng Lê/Kinhtế SaigonOnile