Doanh nghiệp Dệt may: Thiếu lao động, nguy cơ ngưng trệ sản xuất

17:03 04/07/2021

Dù đơn hàng dồi dào nhưng doanh nghiệp (DN) dệt may lại “đứng ngồi không yên” khi dịch bệnh bủa vây, dẫn đến thiếu lao động và nguy cơ ngưng trệ sản xuất có thể xảy ra bất kỳ lúc nào.

Bày tỏ niềm vui khi đơn hàng tấp nập từ tháng 3/2021 đến nay, ông Phạm Quang Anh - Giám đốc Cty TNHH May mặc Dony (Q.Tân Bình, TPHCM) cho biết: “Không chỉ trong Cty mà ngay cả các đối tác cũng kín đơn hàng. Điều quan trọng nhất lúc này là làm sao kịp hoàn thành đơn hàng đúng thời gian cam kết; đồng thời đảm bảo an toàn cho công nhân sản xuất”.

 Dù đơn hàng dồi dào nhưng doanh nghiệp (DN) dệt may lại “đứng ngồi không yên” khi dịch bệnh bủa vây, dẫn đến thiếu lao động và nguy cơ ngưng trệ sản xuất có thể xảy ra bất kỳ lúc nào.

Mặc dù Cty Dony không nằm trong điểm nóng của dịch bệnh, cũng chưa xuất hiện các ca F1, F2 nhưng lãnh đạo đơn vị này cũng rất lo lắng, bởi công nhân thuê trọ ở nhiều địa phương, chỉ cần một ca nghi mắc hoặc tiếp xúc thì khả năng đơn vị tạm ngưng sản xuất là rất lớn. “Chúng tôi cũng muốn tuyển thêm lao động giai đoạn này nhưng hầu như không có. Vì vậy, chúng tôi vừa sản xuất, vừa phòng dịch ở mức độ cao nhất”, ông Quang Anh nói.

Thời điểm này, Cty CP may Bình Minh (TPHCM) nhận đơn hàng đến hết quý 3 từ khách hàng ở Mỹ và châu Âu. DN chỉ dám nhận số đơn hàng bằng khoảng 70% so với năm 2019 để khi có tình huống xấu, xảy ra ca bệnh, có thể chuyển đơn hàng cho các nhà máy của Cty ở khu vực khác sản xuất. Theo ông Võ Quốc Hào, Tổng Giám đốc Cty CP may Bình Minh, điều ông lo nhất là có thêm khu vực nào đó bị căng dây phong tỏa, vì hơn 500 công nhân Cty ở rải rác tại quận Bình Thạnh, Gò Vấp và quận 12... Vốn thiếu hụt lao động, nay lại có nhiều công nhân phải cách ly tại các khu phong tỏa, Cty luôn phải căng thẳng điều phối lao động ở các dây chuyền sản xuất. “Để đảm bảo tiến độ giao hàng thì trước khi nhận đơn hàng, chúng tôi tính toán chọn hàng thuộc sở trường của mình. Thời hạn giao hàng phải giãn ra, thiếu lao động thì luân chuyển người hoặc đưa người từ khối gián tiếp hỗ trợ khối sản xuất trực tiếp”, ông Hào nói.

Còn tại Cty TNHH Việt Thắng Jean, mỗi ngày, các xưởng ở TPHCM phải sản xuất khoảng 20.000 sản phẩm, để có đủ 5 container hàng/tuần giao cho khách ở Mỹ, châu Âu và Nhật. Trong khi lao động thiếu khoảng 20% và phải thực hiện giãn cách, DN buộc phải tổ chức tăng ca.

Ông Bùi Thế Kích, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tổng Cty CP May Đồng Nai (TP Biên Hòa) cho biết, từ đầu quý 2, đơn hàng của doanh nghiệp rất nhiều, nhưng lại thiếu lao động. “Bình thường, doanh nghiệp đã luôn thiếu lao động, nay với dịch bệnh kéo dài, lao động càng khan hiếm hơn. Hiện tại, Cty đang cần khoảng 3.000 lao động”, ông Kích nói. Để khắc phục tình trạng khó khăn về lao động, theo ông Kích, giải pháp được áp dụng phổ biến là tăng ca. Tuy nhiên, việc tăng ca chỉ giải quyết được một phần việc. Để chạy kịp đơn hàng cho đối tác, doanh nghiệp phải hợp tác với các đơn vị khác gia công sản phẩm, thay đổi công nghệ, máy móc để giảm bớt nhân công.

Lý giải nguyên nhân khó tuyển lao động trong giai đoạn này, ông Quang Anh cho rằng, đợt dịch năm 2020, nhiều DN sa thải công nhân. Không có việc làm, họ đành về quê, bên cạnh đó, để tránh dịch phức tạp, họ cũng không quay lại nữa. Ngoài ra, một lượng lớn lao động đang ở trong các khu phong tỏa, cách ly nên càng khó tuyển dụng hơn. “Nếu DN có các ca F1,F2 thì họ phải thực hiện cách ly cả tháng. DN đã thiếu nay còn hụt lao động nên khó lại càng thêm khó”, lãnh đạo Cty Dony nói. 

Ngoài chịu tác động của dịch, các DN dệt may đối mặt với sự thiếu hụt lao động còn do chi phí nhân công ngày càng tăng. So với cùng kỳ năm 2020, nhu cầu tuyển dụng trong mảng này tăng khoảng 50-60%. Trong khi đó, theo Navigos - đơn vị tuyển dụng nhân sự, dệt may không còn là lựa chọn hàng đầu của người lao động, bởi mức lương thấp hơn các ngành khác, nhiều người không mặn mà.

Phó Chủ tịch Hội Dệt may - thêu - đan TPHCM, ông Phạm Văn Việt, Chủ tịch HĐQT Cty TNHH Việt Thắng Jean cho biết, đặc thù ngành dệt may sử dụng nhiều lao động và làm việc theo dây chuyền nên chỉ cần có lao động bị cách ly 14 - 21 ngày thì kế hoạch sản xuất của doanh nghiệp sẽ bị phá vỡ, chuỗi sản xuất bị gián đoạn. “Chúng tôi rất lo lắng, bởi nếu hủy đơn hàng thì phải bồi thường cho khách hàng, trong khi hàng ngàn lao động phải nghỉ việc, mất việc làm do bị cách ly, nằm trong khu vực phong tỏa hoặc do doanh nghiệp dừng hoạt động”, ông Việt nói.

Đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết, DN thuộc Vinatex sẵn sàng chịu mọi chi phí để tiêm vắc-xin cho người lao động của mình. Vinatex có khoảng 150.000 lao động. Để tiêm vắc-xin cho người lao động, các DN của Vinatex cần dành nguồn kinh phí khoảng 100-200 tỷ đồng.

P.V