Đẩy mạnh liên kết vùng: Cần câu trả lời thỏa đáng cho chuỗi giá trị sản phẩm

16:05 26/10/2022

Liên kết vùng còn nhiều bất cập, đòi hỏi phải sớm có câu trả lời thỏa đáng về chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, cơ chế chính sách, chuỗi giá trị sản phẩm nhằm đẩy mạnh liên kết vùng, tăng tốc phát triển kinh tế.

Nhằm tham mưu cho Chính phủ và cơ quan quản lý Nhà nước các giải pháp thúc đẩy liên kết vùng và kết nối tiêu thụ sản phẩm cho doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX); hỗ trợ giải đáp thắc mắc về tác động của các mối liên kết nội vùng và ngoại vùng, đồng thời gợi mở, tháo gỡ đầu ra cho sản phẩm, ngày 26/10, Tạp chí Kinh doanh- cơ quan của Liên minh HTX Việt Nam phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức "Diễn đàn Đẩy mạnh liên kết vùng - Tăng tốc phát triển kinh tế: Kết nối tiêu thụ sản phẩm cho doanh nghiệp, HTX".

Ảnh minh họa
"Diễn đàn Đẩy mạnh liên kết vùng - Tăng tốc phát triển kinh tế: Kết nối tiêu thụ sản phẩm cho doanh nghiệp, HTX". 

Trước bối cảnh tình hình kinh tế xã hội trong nước và trên thế giới còn nhiều biến động, vấn đề liên kết vùng và kết nối tiêu thụ sản phẩm của doanh nghiệp, HTX càng trở thành vấn đề cấp bách. Nhất là sau tác động của đại dịch COVID-19 cho thấy liên kết vùng còn nhiều bất cập, đòi hỏi phải sớm có câu trả lời thỏa đáng về chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, cơ chế chính sách, chuỗi giá trị sản phẩm.

Với khu vực kinh tế tập thể, HTX hiện nay, vai trò liên kết vùng lại càng trở nên quan trọng khi mà khu vực này đang thu hút khoảng 7 triệu thành viên. Các HTX hiện nay đã thu hút được 3,28 triệu hộ nông dân (chiếm khoảng 38% tổng số hộ nông dân cả nước).

Trên địa bàn cả nước đã tổ chức được trên 1.600 chuỗi cung ứng nông sản an toàn, trong số các chuỗi nêu trên có sự tham gia của trên 300 công ty, 150 HTX. Tỷ lệ nông sản chủ lực tiêu thụ thông qua liên kết sản xuất tiêu thụ nông sản từ 10% năm 2017 (trước khi triển khai Nghị định số 98/2018/NĐ-CP ngày 05/7/2018 về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp) hiện nay đã lên tới 30%, trong đó tỷ lệ HTX nông nghiệp thực hiện liên kết, tiêu thụ nông sản cho nông dân đạt 37% (tăng 25%).

Tuy nhiên, trong liên kết vùng và kết nối tiêu thụ sản phẩm giữa doanh nghiệp với HTX thì vai trò của các bên tham gia hợp tác, liên kết trong chuỗi giá trị nông sản còn nhiều hạn chế.

Hiện còn gần 70% hợp tác xã nông nghiệp chưa tham gia tiêu thụ nông sản, chưa làm được vai trò cầu nối nông dân với doanh nghiệp, một số HTX có tham gia nhưng cũng ở mức độ, quy mô hạn chế.

Ảnh minh họa
Cần giải pháp thúc đẩy liên kết vùng và kết nối tiêu thụ sản phẩm cho doanh nghiệp, HTX. 

Quá trình hợp tác, liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân chưa bền vững, chủ yếu vẫn là thỏa thuận mua bán, tổ chức các vùng nguyên liệu đạt chuẩn về chất lượng, sản xuất theo hợp đồng gắn với thị trường tiêu thụ diễn ra chậm. Việc tiêu thụ sản phẩm còn qua nhiều trung gian, hiệu quả kinh tế không cao.

Trước những bất cập này, ông Nguyễn Văn Thịnh, Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam khuyến nghị, cần tiếp tục nghiên cứu hình thành tổ chức quản trị - điều hành cấp vùng phù hợp, đủ sức đảm đương và điều tiết các nhu cầu cấp vùng và thực hiện quản lý Nhà nước về phát triển vùng. Để đưa nông dân vào guồng máy sản xuất lớn trong nền nông nghiệp hiện đại cùng với sự liên kết của doanh nghiệp và HTX thì phải giải quyết được bài toán tích tụ ruộng đất. Cần thắt chặt liên kết “bốn nhà”, trong đó, mô hình liên kết HTX chính là nhằm khắc phục những hạn chế hiện nay trong sản xuất nông nghiệp, đồng thời xây dựng nền tảng vững chắc, phát huy lợi thế từng địa phương, vùng miền. Quan tâm hơn tới việc đầu tư hạ tầng sản xuất và khâu tiêu thụ sản phẩm của các HTX nói riêng và các đơn vị sản xuất kinh doanh nông nghiệp nói chung. Thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu sản xuất (bao gồm cơ cấu cây trồng, vật nuôi) theo hướng chuyên môn hóa theo vùng lãnh thổ và mở rộng liên kết vùng.

“Cần thúc đẩy liên kết kinh tế để  quy tụ, tập trung các HTX, hộ nông dân sản xuất nhỏ lẻ, phân tán thành cụm, thành tổ, thành nhóm để thuận lợi cho việc ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ, đưa công nghệ mới vào sản xuất, đẩy mạnh cơ giới hóa. Tạo thuận lợi cho việc kiểm tra, giám sát hay thu mua nông sản; hướng sản xuất vào một loại cây, con thế mạnh nhất định như năng suất, chất lượng cao, giá thành hợp lý, phù hợp với nhu cầu của thị trường, từ đó, dần hình thành các vùng sản xuất tập trung, chuyên canh”, ông Thịnh khuyến nghị.

H.Anh