Ngành dược phẩm, y tế Việt Nam - Ấn Độ đặt mục tiêu kim ngạch hai chiều 15 tỉ USD

15:28 08/07/2022

Chính phủ Ấn Độ và đơn vị xúc tiến thương mại, đầu tư tại Việt Nam sẽ hỗ trợ doanh nghiệp về thủ tục hành chính, quy định... để thúc đẩy mối quan hệ hợp tác trong lĩnh vực dược phẩm và y tế của hai nước. Trong đó, đặt mục tiêu kim ngạch hai chiều Việt Nam - Ấn Độ là 15 tỉ USD.

Mới đây, ngày 05/07/2022, Tổng Lãnh sự quán Ấn Độ tại TPHCM, Hội đồng Xúc tiến Xuất khẩu Dược phẩm Ấn Độ (Pharmexcil) và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Chi nhánh Hồ Chí Minh (VCCI-HCM) tổ chức “Hội nghị Kết nối Doanh nghiệp Ấn Độ - Việt Nam lĩnh vực Dược phẩm & Y tế”.

Hội nghị nằm trong chuỗi hoạt động của Lãnh sự quán nhằm kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao giữa Ấn Độ và Việt Nam và là một trong những sự kiện quan trọng nhằm thúc đẩy hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực dược phẩm, một trong những thế mạnh của Ấn Độ. 

Ông Murali Krishna, Giám đốc Hội đồng xúc tiến xuất khẩu dược phẩm Ấn Độ (PHARMEXCIL) chia sẽ thông tin tại hội nghị
Ông Murali Krishna, Giám đốc Hội đồng xúc tiến xuất khẩu dược phẩm Ấn Độ (PHARMEXCIL) chia sẽ thông tin tại hội nghị.

Thương mại song phương Việt Nam - Ấn Độ năm 2021 đạt 13,2 tỷ USD tăng 36,6 % so với năm 2020. Trong đó, Ấn Độ xuất khẩu sang Việt Nam 6,95 tỷ USD (tăng 2,5 tỷ USD - hay tăng 56,7% so với năm 2020); Việt Nam xuất khẩu sang Ấn Độ 6,26 tỷ USD (tăng 1 tỷ USD, tương đương với tăng 19,6% so với năm 2020). Cán cân thương mại Việt Nam-Ấn Độ đổi chiểu từ xuất siêu 800 triệu USD (năm 2020) sang nhập siêu 692 triệu USD (năm 2021)

Ông Murali Krishna, Giám đốc Hội đồng Xúc tiến Xuất khẩu Dược phẩm của Ấn Độ (Pharmexcil) khẳng định, Ấn Độ và Việt Nam có thể hợp tác với nhau trong lĩnh vực bào chế thành phẩm, đặc biệt là các sản phẩm công nghệ cao, API, Tá dược, Thảo mộc và Y học cổ truyền, Biosimilars và vắc xin. Ông cũng mời các cơ quan hữu quan và các doanh nghiệp tham gia Cuộc họp các nhà quản lý quốc tế, bên lề IPHEX dự kiến diễn ra vào tháng 9 năm 2022 tại New Delhi, Ấn Độ.

Phát biểu tại hội nghị, ông Pranay Verma, Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam chia sẻ, dược phẩm và y tế là lĩnh vực quan trọng giữa Việt Nam và Ấn Độ, không chỉ dừng lại ở thương mại song phương mà còn nhiều tiềm năng thu hút đầu tư giữa hai bên.

Ông Pranay Verma cũng nhấn mạnh, có nhiều cơ hội cho Việt Nam và Ấn Độ nói chung, cộng đồng doanh nghiệp nói riêng trong lĩnh vực dược phẩm và y tế, bởi ngành dược Ấn Độ đã và đang là công xưởng về thuốc của thế giới. Những công ty dược phẩm hàng đầu của Ấn Độ đều đạt nhiều tiêu chuẩn quốc tế từ Mỹ, EU, Australia... và doanh nghiệp Việt Nam và Ấn Độ có nhu cầu tìm kiếm cơ hội hợp tác trong lĩnh vực dược phẩm, nhất là sản xuất vaccine phòng COVID-19.

Trong khi đó, Việt Nam là thị trường hấp dẫn cho ngành dược toàn cầu nói chung và Ấn Độ nói riêng, với một số yếu tố như số lượng dân số đông, thu nhập bình dân của người dân đang tăng... nên cộng đồng doanh nghiệp hai nước cần nắm bắt những điều kiện thuận lợi này.

Riêng mặt hàng dược phẩm, Ấn Độ hiện xếp thứ 3 trong số các nhà cung cấp mặt hàng này cho Việt Nam và là mặt hàng chủ lực của Ấn Độ xuất khẩu sang Việt Nam năm 2021 với trị giá đạt trên 267 triệu USD. 

Ông Trần Ngọc Liêm - Giám đốc VCCI-HCM phát biểu tại Hội nghị
Ông Trần Ngọc Liêm - Giám đốc VCCI-HCM phát biểu tại Hội nghị.

“Hai nước đặt ra mục tiêu sớm đưa kim ngạch thương mại hai chiều Viêt Nam - Ấn Độ đạt mức 15 tỉ USD trong thời gian tới. Để hiện thực hóa mục tiêu này, Việt Nam và Ấn Độ cần tăng cường hợp tác hơn nữa trong các lĩnh vực mà hai bên có thế mạnh, có lợi thế cạnh tranh và hỗ trợ nhau như: khai khoáng, hoá chất, dệt may, da giày, năng lượng, y tế - dược phẩm, công nghiệp phụ trợ, máy móc thiết bị, linh kiện phụ tùng ô tô, máy nông nghiệp và công nghệ thông tin”, Giám đốc VCCI-HCM Trần Ngọc Liêm chia sẻ.

 

Doanh nghiệp Việt Nam và Ấn Độ giao thương trực tiếp tại Hội nghị.
Doanh nghiệp Việt Nam và Ấn Độ giao thương trực tiếp tại Hội nghị.

Tại hội nghị, khoảng 200 đại biểu cũng đã được cập nhật các quy định và hướng dẫn mới nhất liên quan đến hoạt động kinh doanh và đầu tư trong lĩnh vực dược phẩm tại Việt Nam. Đồng thời còn được thông tin cơ chế chính sách, tiềm năng thị trường, cơ hội đầu tư và kinh doanh... cộng đồng doanh nghiệp hai bên còn được hỗ trợ gặp gỡ, giao thương trực tiếp.

 Đỗ Mỹ Dung