Đạo luật mới của EU buộc các Big Tech phải "mở rào" và liên kết cùng nhau

10:52 02/11/2022

Đạo luật mới về thị trường kỹ thuật số sẽ buộc các nền tảng Big Tech phải "mở rào", liên kết và có thể tương tác cùng nhau. Điều đó có thể mang lại những thay đổi lớn đối với những gì mọi người có thể làm với các thiết bị và ứng dụng của họ.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa.

Đạo luật Thị trường Kỹ thuật số (DMA) của EU có hiệu lực từ 1/11, áp dụng cho các hãng công nghệ đáp ứng một số tiêu chí “người gác cổng” và buộc họ phải mở cửa các dịch vụ, nền tảng cho những công ty khác.

Tuy những quy định mới này sẽ không khả quan trong thời gian sớm nhất, nhưng có thể tạo ra bước ngoặc mới đối với Internet trong vài năm tới.

Theo luật mới, EU có thể buộc các nền tảng Amazon, Google, Apple và Meta phải "mở rào", liên kết và có thể tương tác cùng nhau vào giữa năm 2023.

Điều đó có thể mang lại những thay đổi lớn đối với những gì mọi người có thể làm với các thiết bị và ứng dụng của họ. Và đây cũng là một lời nhắc nhở mới, rằng Châu Âu đã quản lý các công ty công nghệ tích cực hơn nhiều so với Mỹ.

“Chúng tôi hy vọng tác động sẽ là đáng kể", Gerard de Graaf, một quan chức kỳ cựu của EU, người đã giúp DMA được đưa vào áp dụng, cho biết. Tháng trước, ông đã trở thành giám đốc của một văn phòng mới của EU tại San Francisco, nơi được thành lập để giải thích những vấn đề của đạo luật mới đối với các công ty Big Tech. De Graaf nói rằng họ sẽ buộc phải "phá bỏ khu vườn có tường bao quanh" của các công ty này.

“Nếu bạn có iPhone, bạn sẽ có thể tải xuống ứng dụng không chỉ từ App Store mà từ các cửa hàng ứng dụng khác hoặc từ internet”, de Graaf nói. DMA yêu cầu các nền tảng thống trị mạng Internet phải cho phép các đối thủ cạnh tranh nhỏ hơn có cơ hội phát triển, thậm chí có thể buộc WhatsApp của Meta nhận tin nhắn từ các ứng dụng cạnh tranh như Signal hoặc Telegram, hay ngăn Amazon, Apple và Google đưa ra các động thái ưu tiên các ứng dụng và dịch vụ của riêng họ.

Mặc dù DMA bắt đầu có hiệu lực, nhưng các nền tảng công nghệ không phải tuân thủ ngay lập tức. Trước tiên, EU phải quyết định những công ty nào "đủ lớn" và "đủ sức ảnh hưởng" để được phân loại vào nhóm “người gác cổng”, buộc họ phải tuân theo các quy tắc khắc nghiệt nhất. De Graaf dự kiến rằng khoảng một chục công ty sẽ nằm trong nhóm đó, trong một danh sách sẽ được công bố vào mùa xuân năm sau. Những "người gác cổng" này sau đó sẽ có sáu tháng để tuân thủ các quy tắc mới.

De Graaf đã dự đoán về một làn sóng kiện tụng sẽ xuất hiện, thách thức các quy tắc mới của Liên minh Châu Âu đối với Big Tech. Nhưng ông cũng cho biết sự hiện diện của mình ở California chính là để giúp nói rõ với những tập đoàn công nghệ khổng lồ ở Thung lũng Silicon rằng các quy tắc của Internet đã thay đổi. EU trước đây đã phạt Google, Apple và những gã khổng lồ khác thông qua các cuộc điều tra chống độc quyền, một cơ chế đã đặt gánh nặng về việc phải chứng minh sai phạm lên các quan chức, theo de Graaf. Nhưng với DMA, hoạt động này sẽ thay đổi và đi đúng hướng hơn.

“Thông điệp chính là các cuộc đàm phán đã kết thúc, và giờ là tình trạng tuân thủ”, de Graaf nói. "Bạn có thể không thích nó, nhưng đó là cách nó vận hành."

Theo đạo luật mới, Apple gần như chắc chắn xếp vào loại “người gác cổng” do quy mô lợi nhuận của hãng tại EU, quyền sở hữu và vận hành các nền tảng có lượng người dùng tích cực lớn và vị thế “vững vàng, lâu bền” căn cứ theo thời gian đáp ứng những tiêu chí. Vì vậy, nhà sản xuất iPhone nhiều khả năng là đối tượng thi hành quy định mới trong DMA.

EU có thể buộc các nền tảng Amazon, Google, Apple và Meta phải
EU có thể buộc các nền tảng Amazon, Google, Apple và Meta phải "mở rào", liên kết và có thể tương tác cùng nhau vào giữa năm 2023.

DMA có thể buộc Apple thực hiện một số thay đổi lớn trong cách vận hành App Store, Messages, FaceTime, Siri tại châu Âu. Chẳng hạn, “táo khuyết” có thể bị buộc cho phép người dùng cài đặt chợ ứng dụng ngoài và sideload ứng dụng, cho nhà phát triển khả năng liên thông với dịch vụ riêng của Apple, quảng bá dịch vụ của họ bên ngoài App Store và sử dụng hệ thống thanh toán của bên thứ ba, truy cập dữ liệu do Apple thu thập.

Một trong những bổ sung mới của DMA là yêu cầu liên thông các dịch vụ nhắn tin, gọi thoại và gọi video. Về mặt lý thuyết, nó đồng nghĩa với các ứng dụng Meta như WhatsApp hay Messenger có thể gửi yêu cầu liên thông với framework iMessage và Apple buộc phải chấp hành tại châu Âu.

Ủy ban Châu Âu (EC) đề xuất DMA vào tháng 12/2020 và được Thượng viện, Hội đồng châu Âu chấp thuận vào tháng 3/2022. DMA bước vào giai đoạn thi hành 6 tháng trước khi bắt đầu áp dụng vào ngày 2/5/2023. Sau đó, trong vòng 2 tháng và muộn nhất vào ngày 3/7/2023, những “người gác cổng” tiềm năng sẽ phải thông báo cho EC về việc các nền tảng lõi của họ đã đáp ứng những ngưỡng mà DMA đặt ra hay chưa.

Một khi EC nhận được thông tin hoàn chỉnh, họ sẽ có 45 ngày làm việc để đánh giá công ty có đáp ứng các ngưỡng không và chỉ định họ là “người gác cổng”. Sau đó, “người gác cổng” có 6 tháng để tuân thủ yêu cầu trong DMA, muộn nhất vào ngày 6/3/2024.

Tú Anh (TH)