Đại biểu QH lo ngại rủi ro khi tăng trần nợ công để hỗ trợ kinh tế

15:55 09/11/2021

Tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, chiều 9/11, đại biểu Quốc hội tiếp tục thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước và dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2022. Trong đó, đề xuất về việc tăng trần nợ công gây được nhiều chú ý.

Đại biểu Nguyễn Hữu Toàn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách, cho rằng, việc nới mức trần nợ công để hỗ trợ kinh tế sẽ khiến quy mô dư nợ đến 2025 tăng gấp đôi so với đầu nhiệm kỳ, tạo ra rủi ro lớn cho an ninh tài chính.

Ông Toàn lập luận, nếu nhìn vào tỷ lệ nợ công trên GDP, quy mô 44% có thể thấp, nhưng con số này đạt được chủ yếu là do việc điều chỉnh lại số liệu GDP tăng thêm hơn 1 triệu tỷ đồng. "Tỷ số nhìn có vẻ thấp nhưng là vấn đề cần hết sức quan tâm". 

  Ông Nguyễn Hữu Toàn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho biết, đến 2021, mức trả nợ lãi và gốc đã xấp xỉ 25% GDP, tức là cứ 4 đồng chi tiêu thì có 1 đồng chi cho trả nợ. Ông Toàn cho rằng đây là nội dung cần quan tâm trong an ninh tài chính quốc gia.

Ngoài ra, trong giai đoạn 10 năm gần đây, quy mô nợ công cũng tăng liên tục. Tốc độ tăng nợ bình quân giai đoạn 2011 - 2015 lên tới 18,1%, trong nhiệm kỳ 5 năm gần nhất, mức tăng rút xuống còn hơn 6,5%. Nếu căn cứ theo mục tiêu tăng nợ trung bình khoảng 11% cho nhiệm kỳ này, quy mô nợ công có thể đạt 6,5 triệu tỷ đồng vào cuối năm 2025.

"Đây là vấn đề cần hết sức thận trọng. Chúng ta cần có chương trình phục hồi kinh tế nhưng cần tính toán dư địa chính sách, tránh rủi ro", ông Toàn nêu quan điểm.

“Trong kế hoạch tài chính 5 năm hiện nay cũng xác định tăng 11%, nếu tăng trần nợ công lên 51% vào năm 2025 thì dư nợ công lúc đó khoảng 6,5 triệu tỷ đồng, tăng gấp đôi so với đầu nhiệm kỳ”, ông Toàn phân tích và đề nghị hết sức thận trọng.

Ông Toàn bày tỏ, đồng ý cần có chương trình phục hồi kinh tế, song vẫn cần tính toán dư địa tài chính, tiền tệ một cách có cân nhắc để tránh rủi ro cho phát triển bền vững nền kinh tế về sau.

P.V