Đà Nẵng có quá vội vàng với giấy đi đường?

21:22 06/08/2021

Kể từ 12 giờ trưa 06/8/2021, thành phố Đà Nẵng chính thức áp dụng mẫu giấy đi đường mới với mọi công dân đi lại trong giai đoạn giãn cách xã hội, thay cho mẫu cũ ban hành ba ngày trước. Tuy nhiên, dư luận tiếp tục bùng lên ý kiến bất thuận với thay đổi này. Phải chăng Đà Nẵng đã vội vàng với việc áp dụng giấy đi đường, khi chưa chuẩn bị đầy đủ các phương án?

Việc áp dụng và thay đổi vội vàng mẫu giấy đi đường đang tạo dư luận tiêu cực tại Đà Nẵng.
Việc áp dụng và thay đổi vội vàng mẫu giấy đi đường đang tạo dư luận tiêu cực tại Đà Nẵng..

Cộng đồng mạng nhìn nhận, thay đổi quá nhanh một chủ trương tác động toàn diện lên mọi mặt xã hội ở Đà Nẵng, cũng cho thấy ngay từ đầu, việc đặt ra một “thủ tục cục bộ” ở góc nhìn giải pháp ngăn chặn dịch bệnh, là rất chủ quan. Đó là lý do giấy đi đường, đã áp dụng kém hiệu quả tại TP.HCM, tiếp tục gặp trở ngại với Đà Nẵng.

Trở ngại “giấy phép con”?

Theo dư luận, ngay giai đoạn đầu bùng phát dịch bệnh, TP.HCM đã áp dụng giấy đi đường như công cụ tiết chế sự đi lại của cộng đồng, trực tiếp hạn chế người dân đi lại không cần thiết. Với tinh thần bảo đảm “mục tiêu kép”, mẫu giấy đi đường được chính quyền ban hành, cho phép nhân viên các tổ chức kinh tế đi lại làm việc giữa các khu vực giãn cách xã hội.

Nhưng thực tế cho thấy, hiệu quả giấy đi đường giảm sút khi mật độ người đi lại vẫn đông, vì có quá nhiều trường hợp có giấy đi đường khó kiểm soát. Một số sự cố cứng nhắc, sai sót xảy ra ở các chốt kiểm tra về giấy đi đường, liên quan hàng hóa thiết yếu, bị tung lên mạng xã hội đã gây áp lực nặng nề với lực lượng chức năng. Kết quả, dù không loại bỏ, giấy đi đường đã bị xem là áp dụng “trật bài”, kém hiệu quả chống dịch, thậm chí phản tác dụng khi người đi đường tụ tập đông hơn tại các chốt để chờ xét giấy.

Đối với Đà Nẵng, mật độ đi lại thấp hơn nhiều, việc áp dụng giấy đi đường có nên hay không, vẫn đáng phải suy xét. Cho đến nay, mọi hoạt động xã hội, cộng đồng ở địa phương sau 5 lần bùng dịch, đã giảm thiểu. Việc áp dụng Chỉ thị 16 còn khóa chặt các hoạt động thương mại không cấp thiết, hàng quán đóng cửa. Nên việc xiết chặt với giấy đi đường và hàng trăm chốt chặn trên đường phố Đà Nẵng bị đánh giá là tạo áp lực khủng hoảng tinh thần người dân, hơn là hiệu quả nhắc nhở người dân dừng ra đường.

Một số doanh nghiệp bày tỏ, khi chính quyền dùng giấy đi đường làm mệnh lệnh hành chính để khống chế đi lại, đã tạo áp lực cho hoạt động sản xuất, kinh doanh tại địa bàn, và nảy sinh tâm lý bất thuận từ người dân. Do đó, đã xuất hiện các trường hợp dùng giấy đi đường không đúng tinh thần giới hạn, mà là tăng cơ hội đi lại trên đường. Thế là đường phố Đà Nẵng tự dưng đông hơn, buộc chính quyền phải thay đổi mẫu giấy mới.

Có thể do chưa rà soát kỹ, chưa đánh giá đúng vấn đề nên ngăn ngừa ở đâu, mẫu giấy đi đường mới của Đà Nẵng càng tạo thêm xung khắc, khi yêu cầu mọi công dân, doanh nghiệp chủ yếu phải xin xác nhận ở cấp xã phường, tự tạo làn sóng áp lực trách nhiệm lên chính quyền cơ sở. Thiếu thông tin kết hợp, thiếu tập huấn…, việc xử lý giấy đi đường tại các xã phường lập tức quá tải, càng gây khốn khó cho doanh nghiệp khi muốn tiếp tục hoạt động, bài trí nhân viên sau 12 giờ trưa 06/8/2021. 

Đà Nẵng sử dụng giấy đi đường để giảm hơn nữa lượng người dân đi lại trên đường phố.
Đà Nẵng sử dụng giấy đi đường để giảm hơn nữa lượng người dân đi lại trên đường phố..

Nhiều người không ngại cho rằng, giấy đi đường là một loại giấy phép con mới, gây trở ngại cho hoạt động kinh tế xã hội địa phương!

Cần thay đổi đúng mục đích hơn!

Chưa đầy 24 giờ áp dụng mẫu giấy đi đường mới, dư luận Đà Nẵng đã rộn lên nhiều đánh giá tiêu cực về chủ trương này. Đa số ý kiến cho rằng, chính quyền Đà Nẵng cần điều chỉnh ngay yêu cầu xác nhận giấy đi đường tại các xã phường, mâu thuẫn quyền tự chủ của doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh. Việc áp dụng mẫu giấy in thủ công, đóng dấu trực tiếp cũng là một giới hạn làm tăng tốn thời gian, gây phiền hà khi đăng ký.

Một số nhà tư vấn xã hội, báo chí và giới tri thức Đà Nẵng cho rằng, là một thành phố có chỉ số ứng dụng công nghệ tiến bộ, đã áp dụng công nghệ vào hỗ trợ phòng chống dịch 2 năm qua, cụ thể đã dùng mã QR code vào phát phiếu đi chợ, cấp luồng xe vận tải lưu thông, thì tại sao không tiếp tục áp dụng với giấy đi đường? Sở Truyền thông và Thông tin Đà Nẵng cho biết việc mở hệ thống đăng ký giấy đi đường, dựa trên nền dữ liệu mã QR code công dân mà địa phương đã có sẵn, là tiện lợi. Nên việc các tổ chức, doanh nghiệp tự đăng ký vào hệ thống áp dụng để lấy mã tự động, là khả thi.

Khi đã áp dụng hệ thống mã này, với tính chọn lọc qua cài đặt, sử dụng dữ liệu quản lý từ các sở ngành, việc cấp giấy đi đường cho các tổ chức, doanh nghiệp sẽ rất nhanh chóng và chính xác. Chỉ cần chính quyền yêu cầu các trạm chốt lưu động trang bị thiết bị quét mã, có thể dùng điện thoại thông minh, để kiểm tra bất chợt công dân đi lại trên đường, là đã phát hiện được các đối tượng đi lại không mục đích. Các doanh nghiệp khi phải chịu trách nhiệm cụ thể về cấp giấy đi đường, cũng sẽ tự hạn chế số lượng nhân viên đi lại. Việc kiểm tra mã code theo ứng dụng công nghệ, cũng nhanh hơn rất nhiều so với việc kiểm tra giấy in, lại vừa tránh bị tiếp cận gần.

Như vậy, nếu không thể áp dụng phong tỏa địa bàn, hy sinh hoạt động kinh tế để chống dịch, chính quyền Đà Nẵng cần cân nhắc lại việc ban hành giấy đi đường, nên thay đổi về mặt kỹ thuật công nghệ và điều kiện triển khai, cần sự vào cuộc hiệu quả của giới chuyên môn, và truyền thông thông tin tích cực với đông đảo người dân. Có như vậy, mô hình giấy đi đường sẽ áp dụng đúng mục đích hơn và phát huy hiệu quả trong công tác phòng chống dịch đi đôi với sản xuất kinh tế, bảo đảm tốt “mục tiêu kép” cho Đà Nẵng.

Nguyên Đức