Cựu Quân nhân, thương binh Từ Công Sạp: Gần 30 năm “đội đơn” tìm công lý

00:00 12/10/2020

Ông Từ Công Sạp sinh năm 1947, sinh ra và lớn lên tại thôn Nguyệt Áng, xã Tân Ninh, huyện Quảng Ninh, Quảng Bình, hiện trú tại 39 - Lê Văn Hưu, phường Thuận Lộc - Huế (tỉnh Thừa Thiên - Huế). Ông Sạp tham gia Quân đội tháng 9/1966, năm 1987, ông bị khởi tố, điều tra, bắt giam với tội danh “Vi phạm chế độ tem phiếu và tham ô”, bị Tòa án quân sự Quân khu IV tuyên phạt 13 năm tù.

Ông Từ Công Sạp trong một lần tiếp xúc với báo chí

Quá khứ vẻ vang

Thời tuổi trẻ, ông Từ Công Sạp khao khát được cầm súng lên đường đánh Mỹ. Năm 1965, ông tốt nghiệp cấp 2, cũng là lúc giặc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Bốn đợt liên hoan chia tay để tiễn ông lên đường nhập ngũ nhưng đều không thành. Về sau mới biết ông là thanh niên thuộc diện cán bộ “dự phòng” của địa phương. Chưa được ra trận, ông được bà con trong thôn bầu vào Ban Quản trị Hợp tác xã, đội trưởng sản xuất nông nghiệp, thư ký xã đội, giáo viên dạy Bình dân học vụ… Ngày bám ruộng để sản xuất, thâm canh, đêm cùng bộ đội đào trận địa pháo bắn máy bay Mỹ. Tháng 2/1966, ông được kết nạp vào Đảng. Tháng 9/1966, ước mơ vào Quân đội của ông mới được toại nguyện.

9 năm trực tiếp đánh giặc trên các chiến trường Quảng Bình, Vĩnh Linh, Quảng Trị. Từ chiến sỹ pháo mặt đất, ông đã kinh qua các chức vụ: Tiểu đội trưởng bộ binh, Trung đội trưởng pháo 12,7 ly, Trợ lý Quân giới, Trợ lý Quân nhu. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, ông làm Trợ lý quân lương (thuộc phòng Hậu cần - Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Bình Trị Thiên). Quá trình tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ông Sạp đã được tặng thưởng Huân chương Chiến sỹ giải phóng hạng Ba, Huân chương Chiến sỹ vẻ vang hạng Nhì và hạng Ba. 8 năm liền là chiến sỹ thi đua quyết thắng. Là thương binh chống Mỹ hạng 1/8 do Thiếu tướng Dương Bá Nuôi, Phó Tư lệnh Quân khu IV kí ngày 29/8/1982.

Hành trình đi tìm công lý

Đầu tháng 8/2018, nhiều phóng viên các báo Trung ương thường trú tại Quảng Bình có nhận được quyển Hồi ký chép tay có tựa đề: “Nỗi oan của một người lính”, do một cộng tác viên của báo địa phương chuyển tới. Chủ nhân của cuốn Hồi ký là ông Từ Công Sạp.

Ông Sạp kể: Năm 1987, ông là Thượng úy - Trợ lý quân lương của Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Bình Trị Thiên cùng với các ông Nguyễn Văn Tiệp, cấp bậc Trung úy - Trợ lý quân lương Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Thanh Hóa, ông Nguyễn Trung Tính - Đại úy, Trợ lý quân lương thuộc Cục Hậu cần Quân khu 4 cùng bị bắt giam và bị Tòa án Quân sự Quân khu 4 xét xử, kết án 13 năm tù với tội danh “Vi phạm chế độ tem phiếu và tham ô”. Ở trong tù, ông và gia đình viết đơn kêu oan gửi đến các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quân đội. Lá đơn kêu oan của gia đình ông Sạp đã đến tay Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh. Sau  khi có ý kiến của Tổng Bí thư, Đại tướng Lê Đức Anh - Bộ trưởng Bộ Quốc Phòng đã chỉ đạo Quân khu 4 kiểm tra, xem xét lại vụ án để giải quyết đúng người, đúng tội. Thanh tra Chính phủ và Thanh tra Bộ Quốc phòng đã về gặp ông Sạp tại Trại giam T74, Thạch Thành, Thanh Hóa. Và, chỉ sau nửa tháng, ngày 14/1/1991, ông Sạp được lệnh tha, sau khi đã thụ lý được 3 năm, 6 tháng, 10 ngày. Ra tù, ông Sạp trở lại Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Thừa Thiên - Huế công tác (lúc này tỉnh Bình Trị thiên đã chia tách thành 3 tỉnh, theo đó, tên gọi của các đơn vị Quân đội cũng được gọi theo đơn vị hành chính).

   

Biên bản của Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Thừa Thiên Huế có nhiều điểm bất ổn, được cho là “tác nhân” đẩy ông Sạp “trắng tay” sau khi xuất ngũ về địa phương

Cùng với quyển Hồi ký, ông Sạp còn cung cấp cho báo chí “Biên bản họp xét giải quyết chế độ cho Quân nhân sau khi ra tù trở lại đơn vị” của Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Thừa Thiên - Huế. Qua biên bản này, chúng tôi nhận thấy, ông Từ Công Sạp bị Tòa án Quân sự Quân khu IV kết án 13 năm tù, nhưng ông chỉ thụ lý 3 năm, 6 tháng, 10 ngày là “được tha tù trước thời hạn’’ chứ không phải “hết hạn cải tạo” như cách hiểu và cách dùng từ của Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Thừa Thiên - Huế. Lẽ ra lãnh đạo Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Thừa Thiên - Huế phải đi tìm nguyên nhân vì sao ông Sạp được tha tù trước thời hạn? Do ông cải tạo tốt hay bị kết án oan? Biên bản này cũng có câu “Hội đồng đề nghị Chỉ huy trưởng xét thăng quân hàm Thượng sỹ cho quân nhân Sạp trước khi xuất ngũ”. Trước ngày vào tù, ông Sạp mang quân hàm Thượng úy, sau khi ra tù, không biết căn cứ vào đâu mà Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Thừa Thiên - Huế lại phong Quân hàm Thượng sỹ cho ông?

Đi tìm lời giải cho nỗi oan của ông Sạp

Trong cuốn Hồi ký đẫm nước mắt của mình, ông Từ Công Sạp viết: “ … Trừ đi 5 năm, 1 tháng, 11 ngày bị tạm giam và chấp hành án phạt tù, chỉ còn  thiếu 19 ngày nữa là trọn 20 năm mặc áo lính…” Vậy mà sau khi về địa phương ông Sạp vẫn “trắng tay”! Tại sao cùng một vụ án, một tội danh, một mức án, ông Nguyễn Văn Tiệp, ở Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Thanh Hoá, ông Nguyễn Trung Tính, cục Hậu cần Quân khu 4 lại được Quân đội giải quyết chính sách, còn ông Sạp đến bây giờ vẫn “đội đơn” đi tìm câu trả lời! Sau khi ra tù, thẻ thương binh của ông cũng bị ông Chương (Trưởng ban chính sách của Tỉnh đội Thừa Thiên - Huế lúc đó), đến nhà đọc lệnh thu hồi với lý do không minh bạch!

Trao đổi với phóng viên, ông Sạp chua chát nói: Gần 20 năm phục vụ trong Quân đội, đến thời điểm này tôi vẫn không có bất kỳ một chế độ gì. Nhớ đồng đội, nhớ những năm tháng chiến đấu qua nhiều chiến trường, tôi làm đơn xin gia nhập Hội Cựu chiến binh phường nơi tôi cư trú, nhưng bị Ban chấp hành Hội Cựu chiến binh Thành phố Huế bác đơn với lý do “đi tù về”!?

Ông Sạp đã bước sang tuổi 73, ở cái tuổi “gần đất, xa trời”, với biết bao thăng trầm, biến cố của cuộc đời. Không nản lòng, gần 30 năm, người lính già, thương binh Từ Công Sạp, có anh trai là liệt sỹ chống Mỹ vẫn miệt mài gửi đơn và “mỏi mòn” chờ các cấp có thẩm quyền trong Quân đội xem xét, giải quyết chế độ, trả lại niềm tin, sự công bằng cho một người lính.

Trọng Lãnh