Cục Di sản văn hóa lí giải quần thể danh lam thắng cảnh Tam Chúc xếp hạng di tích quốc gia

11:02 11/03/2023

Cục Di sản văn hóa (Bộ VHTTDL) cho biết, quần thể danh thắng Tam Chúc được xếp hạng di tích quốc gia là thuộc loại hình danh lam thắng cảnh, đáp ứng đầy đủ tiêu chí theo quy định của Luật Di sản văn hóa.

Ảnh minh họa
Khu Tam Chúc được xếp hạng danh lam thắng cảnh là khu vực rất rộng, gồm toàn bộ khu núi, khu rừng, hồ nước. Giá trị thẩm mỹ của nó là hệ thống núi, rừng cây, hệ thống đầm lầy kết hợp mặt nước.

Quần thể danh thắng Tam Chúc nằm trên địa phận thị trấn Ba Sao và xã Khả Phong, huyện Kim Bảng. Vị trí của danh thắng này tiếp giáp giữa Hà Nội, Hòa Bình và Hà Nam. Bao quanh quần thể còn có các quần thể di tích danh thắng đã được nhà nước xếp hạng quốc gia như Căn cứ Lạt Sơn (xã Thanh Sơn); Danh lam thắng cảnh Bát Cảnh Sơn (xã Tượng Lĩnh), Chùa Bà Đanh - Núi Ngọc (xã Ngọc Sơn), đền Trúc Ngũ Động Sơn (xã Thi Sơn)…

Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa Trần Đình Thành cho biết, quần thể danh thắng Tam Chúc được xếp hạng cấp quốc gia là thuộc loại hình danh lam thắng cảnh. Theo Luật Di sản văn hóa, tiêu chí xếp hạng của loại hình này được quy định: Khu vực cảnh quan thiên nhiên đẹp hoặc khu vực thiên nhiên có giá trị khoa học về địa chất, địa mạo, địa lý, đa dạng sinh học, hệ sinh thái đặc thù… Đối chiếu các tiêu chí này, Cục đã hướng dẫn cơ quan chức năng của tỉnh Hà Nam tham mưu với UBND tỉnh về việc khoanh vùng với quy mô khu vực rộng lớn hơn; bám sát khu vực quy hoạch Khu du lịch quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.

"Cần được hiểu rõ, danh lam thắng cảnh là cảnh quan thiên nhiên hoặc địa điểm có sự kết hợp giữa cảnh quan thiên nhiên với công trình kiến trúc có giá trị lịch sử thẩm mỹ, khoa học. Khu vực thiên nhiên có giá trị khoa học về địa chất, địa mạo, địa lý, đa dạng sinh học, hệ sinh thái đặc thù hoặc khu vực thiên nhiên chứa đựng những dấu tích vật chất về các giai đoạn phát triển của trái đất. Việc xếp hạng nhằm mục tiêu bảo tồn và phát huy các giá trị di sản, cảnh quan thiên nhiên và xã hội, góp phần tuyên truyền, giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa cho các thế hệ, đồng thời đáp ứng nhu cầu tham quan, vui chơi, giải trí của nhân dân địa phương, du khách trong và ngoài nước”, Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa cho biết.

Đại diện Cục Di sản văn hóa cho rằng một số người phản ứng vì chưa hiểu đúng, tưởng xếp hạng di tích quốc gia cho chùa Tam Chúc.

Luật quy định danh lam thắng cảnh là khu vực có cảnh quan thiên nhiên gắn với công trình có giá trị thẩm mỹ, hay khu vực thiên nhiên có những giá trị về địa chất, địa mạo, đa dạng sinh học.

Khu Tam Chúc được xếp hạng danh lam thắng cảnh là khu vực rất rộng, gồm toàn bộ khu núi, khu rừng, hồ nước. Giá trị thẩm mỹ của nó là hệ thống núi, rừng cây, hệ thống đầm lầy kết hợp mặt nước.

Ngoài ra nó còn có giá trị đa dạng sinh học, với thảm động thực vật phong phú. Ở đây có rất nhiều loài, trong đó có hai loài đặc hữu quan trọng nhất là voọc mông trắng.

Quần thể này còn có khu vực khảo cổ học, hang động giá trị về cảnh quan. Ở đây đã phát hiện được dấu tích đồ đá, đồ đồng, đồ gốm thời xưa, gắn với Văn hóa Hòa Bình, Văn hóa Đông Sơn, gắn với cả việc phát triển tôn giáo khi ở đây có hệ thống đền, chùa cổ.

"Cho nên Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch mới xếp hạng nó là danh lam thắng cảnh, với một khu vực rất rộng lớn, trong đó hồ và chùa chỉ là một khu vực nhỏ thôi.

Giá trị về danh lam thắng cảnh mới là giá trị nổi trội, nên xếp hạng nó là danh lam thắng cảnh, không phải di tích kiến trúc nghệ thuật, không liên quan tới công trình trong đó", ông Thành nói.

Như Biển t/h