Công ty phần mềm Adobe thất bại trong thương vụ thâu tóm nền tảng Figma

16:15 19/12/2023

Do thỏa thuận bị bỏ rơi, Công ty phần mềm Adobe hiện có nghĩa vụ phải trả phí chấm dứt hợp đồng trị giá 1 tỷ đô la cho Figma.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Công ty phần mềm máy tính Adobe ngày 18/12 đã hủy bỏ thỏa thuận trị giá 20 tỷ USD với nền tảng thiết kế dựa trên đám mây Figma, do không có một lộ trình rõ ràng cho việc phê chuẩn liên quan đến chống độc quyền tại châu Âu và Anh đối với thỏa thuận mua đứt lớn nhất một công ty khởi nghiệp về phần mềm.

Đây là thỏa thuận mới nhất được các nhà chức trách xem xét kỹ lưỡng, do lo ngại về các vụ thâu tóm các tập đoàn công nghệ lớn sẽ làm tăng sức mạnh thị trường của các công ty vốn đã chiếm lĩnh thị trường hay liên quan đến các doanh nghiệp khởi nghiệp được xem là các đối thủ còn non nớt.

Trong tuyên bố chung đưa ra ngày 18/12, Adobe và Figma cho biết: “Không có lộ trình rõ ràng để nhận được phê duyệt pháp lý cần thiết từ Ủy ban châu Âu và Cơ quan Thị trường và Cạnh tranh Anh (CMA)”.

Dù “hoàn toàn không đồng ý” với các phát hiện gần đây của nhà chức trách, cả hai quyết định rằng hoạt động độc lập là tốt nhất cho lợi ích đôi bên, CEO Adobe - Shantanu Narayen nói.

Được công bố vào tháng 9/2020, việc Adobe thâu tóm Figma với giá 20 tỷ USD bằng cả tiền mặt và cổ phiếu được kỳ vọng sẽ là một trong những thương vụ lớn nhất trong lịch sử ngành phần mềm. Tin tức này khiến cổ phiếu Adobe rung lắc dữ dội song công ty kiên trì rằng thương vụ sẽ bổ sung danh mục đầu tư của Adobe, mở ra kỷ nguyên mới của sáng tạo cộng tác.

Tuy nhiên, nó đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ các cơ quan quản lý của EU và Anh, lo ngại rằng việc này sẽ trao cho Adobe quyền kiểm soát quá lớn đối với thị trường phần mềm thiết kế.

Do thỏa thuận bị bỏ rơi, Adobe hiện có nghĩa vụ phải trả phí chấm dứt hợp đồng trị giá 1 tỷ đô la cho Figma.

CNBC nhận xét đây là bước ngoặt đột ngột so với những luận điểm gần đây của CEO Narayen. Chỉ vài ngày trước, ông còn khẳng định Adobe tin vào sáp nhập và lợi ích của nó đối với người dùng.

Ông chia sẻ, muốn kết hợp năng lực của Figma với những gì Adobe đã làm trong lĩnh vực sáng tạo và giúp mọi người tiếp cận dễ hơn. Dù vậy, ông thừa nhận môi trường pháp lý là một thách thức.

Figma được thành lập vào năm 2012 với sứ mệnh chính là cải thiện khả năng cộng tác giữa các nhà thiết kế trên ứng dụng web và di động. Công ty có trụ sở tại San Francisco, với nền tảng hợp tác dựa trên web về các thiết kế được Uber, Coinbase, Zoom Video Communications và nhiều công ty khác sử dụng.

Figma đã mở rộng đội ngũ từ 800 người lên 1.300 người vào năm ngoái và dự kiến doanh thu định kỳ hàng năm tăng 40%, lên 600 triệu USD trong năm nay.

Cả Figma và Adobe đều được hưởng lợi từ sự phát triển "bùng nổ" của trí tuệ nhân tạo (AI) tạo sinh, khi Figma ra mắt các tính năng mới trong quá trình phát triển phần mềm và Adobe công bố các công cụ tạo sinh hình ảnh như Adobe Firefly.

Cơ quan Cạnh tranh và Thị trường Anh tháng trước cho rằng, thỏa thuận sẽ ảnh hưởng đến việc đổi mới phần mềm được nhiều nhà thiết kế kỹ thuật số của Anh sử dụng, điều mà Liên minh châu Âu cũng lo ngại có thể làm giảm khả năng cạnh tranh.

Theo CEO Figma Dylan Field, sau thời gian làm việc với Adobe và ban lãnh đạo, một điều ngày càng sáng tỏ trong những tháng qua là nhà chức trách không có chung quan điểm với hai công ty.

Phó Chủ tịch Adobe David Wadhwani cho biết sẽ tìm những cách hợp tác với Figma để làm hài lòng khách hàng chung của cả hai.

Thu Hà (T/h)