Cơ hội cho ngành gỗ mở rộng thâm nhập thị trường quốc tế, tăng dư địa xuất khẩu

23:46 30/07/2023

Ngành chế biến gỗ thuộc nhóm có tỷ trọng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, xuất khẩu đi 160 quốc gia. Tuy 6 tháng đầu năm so với cùng kỳ giảm 28,3%, đạt 6,06 tỷ USD.

Tọa đàm - Giữ vị thế - đón cơ hội của các doanh nghiệp ngành gỗ nhằm tìm cơ hội trong khó khăn
Tọa đàm - Giữ vị thế - đón cơ hội của các doanh nghiệp ngành gỗ nhằm tìm cơ hội trong khó khăn.

 

Vị thế cạnh tranh hàng đầu, dư địa phát triển dài lâu

Ông Lê Hoàng Tài – Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại cho biết, tình hình xuất khẩu 6 tháng đầu năm đối mặt với khá nhiều thách thức như hiện nay, việc ngành chế biến gỗ nhìn lại các giá trị nội hàm và tìm hướng phát triển mới cho ngành là việc làm mang tính cấp thiết.

Xét về nội lực, theo chuyên gia kinh tế Phạm Phú Ngọc Trai, thực tế giảm đơn hàng hiện nay của ngành gỗ chỉ là tạm thời. Ngành nội thất Việt Nam có đủ dư địa để phát triển trong 5 đến 10 năm tới. “So với mức phát triển GDP trung bình của toàn cầu, ở mức 3%, tốc độ tăng trưởng kép của ngành nội thất thế giới là 4,5%, ngành chế biến gỗ Việt Nam phát triển trung bình 15,4%/năm là một con số chứng tỏ vị thế và tiềm năng rất lớn. Ngành nên nhìn nhận đánh giá về hành vi tiêu dùng có sự thay đổi về cam kết tiêu dùng xanh của khách hàng", ông Trai nói.. 

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Quốc Khanh, Chủ tịch HAWA cũng cho rằng, bên cạnh tỷ lệ tăng trưởng ấn tượng, DN ngành gỗ cũng đang khẳng định tính chủ động trong kinh doanh hội nhập. Khi thị trường suy giảm, thời gian qua, DN không hề bị động mà cố gắng thích ứng. “Một mặt, DN ngành gỗ tổ chức lại bộ máy sản xuất, tinh gọn mô hình để tiết giảm chi phí. Mặt khác, nỗ lực tận dụng các hỗ trợ từ các cơ quan xúc tiến thương mại tìm kiếm thị trường mới”, ông Khanh chia sẻ.

Theo ông Khanh, trong những giải pháp ứng phó với tình hình hiện tại, ngành gỗ chứng kiến một đợt dịch chuyển mới, có thể gọi là mở rộng biên độ kinh doanh. Cụ thể là việc các thương hiệu nội thất lớn của Việt Nam đang mở rộng hiện diện ở các thị trường xuất khẩu tiềm năng, đặc biệt là thị trường của các nước siêu giàu ở Trung Đông như Arab Saudi, Dubai để tiếp cận cơ hội cung ứng cho các siêu dự án bất động sản mới. Với nội lực của ngành, ông Khanh cho rằng, mục tiêu xuất khẩu của năm 2023 hoàn toàn có thể đạt được bởi đơn hàng đã bắt đầu quay trở lại thời gian gần đây.

“Điều cần nhất lúc này là DN phải kiện toàn nội lực để có thể sẵn sàng đón đơn hàng khi thị trường phục hồi”, ông Trần Sĩ Chương chuyên gia kinh tế phát triển và cố vấn chiến lược cho DN tư vấn. Là thành viên của của Công ty tư vấn chiến lược hàng đầu thế giới 3Horizons tại London, Anh Quốc, dựa vào kinh nghiệm ứng phó từ các đợt suy thoái kinh tế trước đây, ông Chương cho rằng, những sụt giảm của ngành nội thất nói riêng và kinh tế toàn cầu nói chung là hệ lụy của nhiều yếu tố tiêu cực nhưng cơ hội tăng trưởng vẫn có để chúng ta có thể đón đầu. Theo ông Chương, sự cộng hưởng của những biến động tiêu cực của thế giới đã khiến thế giới vận hành theo một cách thức hoàn toàn mới, luật chơi mới, nên người chơi cũng phải mới để thích ứng kịp thời.

Cơ hội từ chuyển đổi xanh, từ mô hình liên kết xuất khẩu

Một trong những “luật chơi” mới mà thị trường đang đòi hỏi cấp thiết là tính bền vững trong sản phẩm nội thất. Đây không còn là đòi hỏi mang tính tự nguyện như trước đây mà đã trở thành điều kiện bắt buộc, nếu muốn tham gia thị trường. “Chuyển đổi xanh ngay từ bây giờ chính là con đường để có cơ hội nâng cao năng lực cạnh tranh”, ông Phạm Phú Ngọc Trai nói.

Nhiều tham luận hữu ích trong đó có việc doanh nghiệp ngành gỗ nắm bắt cơ hội chyển đổi xanh nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh
Nhiều tham luận hữu ích trong đó có việc doanh nghiệp ngành gỗ nắm bắt cơ hội chyển đổi xanh nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh.

Theo Chủ tịch GIBC, ngoài những quy định bắt buộc hiện hành, DN Việt Nam sẽ đối diện với những đòi hỏi mới như Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) do Ủy ban Châu Âu (EC) đề xuất, có hiệu lực từ tháng 10/2023. Hàng hóa nhập khẩu vào thị trường châu Âu sẽ phải chịu thêm chi phí, nếu không chuyển đổi mô hình sản xuất ít phát thải hơn để có tín chỉ carbon. Với hiện trạng ngành gỗ Việt Nam có trữ lượng rừng trồng đáng kể, ông Trai cho rằng, nếu thiết lập lại và tổ chức kết nối tốt, thị trường tín chỉ carbon chính là cơ hội để DN nội thất Việt Nam gia tăng lợi thế. Chuyên gia này tư vấn: “Ngành chế biến gỗ Việt Nam cần định vị lại mục tiêu, tầm nhìn trở thành Trung tâm đồ nội thất thế giới xanh và bền vững”.

Theo bà Phạm Thị Ngọc Thủy Giám đốc Ban IV, những thách thức mới về thị trường liên quan đến EUTR hay mục tiêu Net Zero cũng sẽ giúp ngành chế biến gỗ và lâm sản Việt Nam phát triển theo chiều hướng tích cực hơn. Từ đó, tạo điều kiện cho ngành vươn xa hơn, thu hút thêm dòng vốn đầu tư từ khối ngoại. Tuy nhiên, ngành gỗ cần tránh bước xe đổ như ngành dệt may nên chuẩn bị các chứng chỉ xanh, đầu tư ngay từ bây giờ để không bỏ lỡ cơ hội khi các nhà nhập khẩu yêu cầu phải đáp ứng giảm phát thải carbon.

Tổng Giám đốc, Mekong Capital, ông Chad Ovel nhận định, với những điển hình lớn như AA Corporation, An Cường, Trường Thành... ngành nội thất Việt Nam khá ấn tượng trong mắt các nhà đầu tư. Ông tin rằng, ngành nội thất Việt Nam hoàn toàn có cơ hội đón nhận làn sóng đầu tư và làn sóng tăng trưởng hậu lạm phát. Vấn đề là cách thức thích ứng với khó khăn hiện nay và chiến lược phát triển bền vững của ngành được triển khai thế nào.

Phục vụ cho mục tiêu này, Chủ tịch HAWA cũng đã đề xuất Hình thành trung tâm logistic – xúc tiến thương mại nội thất Việt Nam ở thị trường trọng điểm, đầu tiên là ở Mỹ, nhằm tạo điều kiện cho DN xuất khẩu có thể kết hợp để tiếp cận với khách hàng ở các nước sở tại với chi phí thấp. “Một DN đầu tư sẽ khó hiệu quả vì chi phí và rủi ro quá cao nhưng nếu thiết lập ngôi nhà chung cho các DN xuất khẩu tại nước ngoài sẽ tháo gỡ phần nào các khó khăn vướng mắc như pháp lý, kho hàng, quản lý hàng hóa, nhân sự... Chi phí vận hành cũng giảm đi rất nhiều, nâng cao tính chuyên nghiệp”, ông Khanh khẳng định.

Thu Hiền