Chuyên gia dự báo về kinh tế Việt Nam cuối năm 2023

14:35 07/09/2023

Các chuyên gia tự tin vào sự phát triển của kinh tế Việt Nam những tháng cuối năm 2023

Theo VTC News, chuyên gia kinh tế - Tiến sĩ Lê Đăng Doanh nhận định, kinh tế Việt Nam quý IV sẽ có sự phục hồi đáng kể. Với đặc thù của nền kinh tế mở, Việt Nam chịu tác động nhiều trước những diễn biến trên thế giới bởi đó là thị trường xuất khẩu, có vai trò quan trọng thúc đẩy kinh tế. Trong khi nhiều thị trường truyền thống đang gặp khó khăn, Việt Nam cần chú trọng phát triển thị trường nội địa và tìm kiếm thị trường mới để hoạt động xuất nhập khẩu không bị ảnh hưởng. Các thị trường mới có thể kể đến như Trung Đông, châu Phi. 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

“Chúng ta cần khai thác và tận dụng tối đa những lợi thế từ việc ký kết 17 Hiệp định thương mại tự do. Bên cạnh đó, việc đẩy mạnh chuyển đổi sang nền kinh tế số cũng rất quan trọng”, ông Doanh nhấn mạnh.

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh phân tích thêm, Việt Nam sở hữu nền kinh tế nông nghiệp bền vững. Nông nghiệp hiện là bệ đỡ an toàn của toàn bộ nền kinh tế Việt Nam, bảo đảm an ninh lượng thực, đời sống của người dân. Vì thế mà chỉ số giá cả, hàng tiêu dùng và lương thực được kiểm soát, không bị lạm phát gia tăng như nhiều nước trên thế giới.

Ông Doanh cũng nhấn mạnh vào việc phát triển thị trường nội địa, coi đó là giải pháp quan trọng tối ưu, trong bối cảnh thị trường xuất khẩu có nhiều biến động. 

Một vấn đề nữa, theo chuyên gia kinh tế là Việt Nam cần khuyến khích người dân lập thêm doanh nghiệp. “Mật độ doanh nghiệp/1000 người dân trên 18 tuổi của chúng ta hiện đang rất thấp, chỉ có 2,2 doanh nghiệp/1.000 dân trên 18 tuổi, trong khi đó con số này ở Mỹ là 84 doanh nghiệp. Muốn trở thành một nền kinh tế phát triển thì chúng ta cần phải có ít nhất 24 doanh nghiệp/1.000 dân trên 18 tuổi. Nhà nước Việt Nam cần khuyến khích người dân đầu tư thành lập doanh nghiệp. Muốn thế thì chính quyền cần hỗ trợ, công khai minh bạch. Các chi phí ngoài pháp luật phải được giảm bớt đáng kể”, chuyên gia khuyến cáo.

Cũng bày tỏ sự lạc quan về tình hình phát triển kinh tế Việt Nam 4 tháng cuối năm, chuyên gia kinh tế - PGS.TS Ngô Trí Long cho rằng, Việt Nam cần tập trung vào các lĩnh vực gồm tiêu dùng trong nước, đầu tư công và xuất khẩu các mặt hàng thuộc thế mạnh như nông sản. Đây được xem là "cỗ xe tam mã" thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Ông Long phân tích: Trong ba động lực đó, nguồn cầu có ý nghĩa quan trọng nên Nhà nước đã tìm mọi biện pháp để phục hồi cầu, kích cầu tăng trưởng. Vấn đề thứ hai cần chú trọng là cần có chính sách đẩy mạnh và tăng cường giải ngân vốn đầu tư công. Theo đó, Chính phủ cần tập trung toàn bộ sức lực, sử dụng hệ thống chính trị đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, các ngành, các cấp để thực hiện.

Động lực tăng trưởng thứ ba là vấn đề xuất khẩu. Việt Nam cần tận dụng hiệu quả hiệp định thương mại tự do FTA và tăng cường các dịch vụ du lịch quốc tế nhằm tạo ra nguồn thu cho đất nước.

Theo ông Ngô Trí Long, việc thực hiện đồng bộ và hiệu quả của các giải pháp này sẽ giúp kích thích tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong nửa cuối năm 2023 và củng cố sự phục hồi sau thời gian khó khăn do đại dịch gây ra.

P.V