Tân Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tuyên thệ nhậm chức

09:37 05/04/2021

Sáng 5/4, với 468 phiếu thuận (chiếm tỉ lệ 97,5% tổng số đại biểu Quốc hội, 100% số đại biểu tham gia bỏ phiếu), Quốc hội đã nhất trí bầu ông Nguyễn Xuân Phúc giữ chức Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tuyên thệ. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tuyên thệ. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

 Với đa số phiếu tán thành, ông Nguyễn Xuân Phúc đã được Quốc hội bầu làm Chủ tịch nước nhiệm kỳ 2016-2021 thay Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã được miễn nhiệm chức Chủ tịch nước vào tuần trước.

Ngay sau khi có kết quả kiểm phiếu, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã mời Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày dự thảo Nghị quyết bầu Chủ tịch nước.

Các đại biểu đã biểu quyết thông qua Nghị quyết này. Kết quả cụ thể: 468 đại biểu đồng ý, bằng 97,50% tổng số đại biểu Quốc hội; không có đại biểu nào không đồng ý, không thông qua Nghị quyết này.

Như vậy, ông Nguyễn Xuân Phúc đã được Quốc hội bầu làm Chủ tịch nước nhiệm kỳ 2016-2021.

Sau khi được Quốc hội bầu giữ chức Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tuyên thệ: Dưới cờ đỏ sao vàng thiêng liêng của Tổ quốc, trước Quốc hội và đồng bào, cử tri cả nước, tôi - Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam xin tuyên thệ: Tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Nhân dân, với Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, ra sức công tác, hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó. 

Trong sáng 5/4, Quốc hội nghe Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo kết quả thảo luận tại Đoàn và giải trình, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội về dự kiến nhân sự để bầu Chủ tịch nước.

Cũng ngay sau đó, Chủ tịch nước sẽ trình danh sách đề cử nhân sự để Quốc hội bầu làm Thủ tướng Chính phủ. Việc đề cử này sẽ được các Đoàn ĐBQH thảo luận.

Chủ tịch nước sẽ báo cáo, tiếp thu, giải trình ý kiến các ĐBQH nếu có. Quốc hội sẽ bỏ phiếu kín bầu Thủ tướng Chính phủ sau khi thông qua danh sách nhân sự bầu Thủ tướng Chính phủ do Chủ tịch nước trình.Chiều ngày 5/4, quy trình bầu Thủ tướng Chính phủ bắt đầu bằng việc Quốc hội nghe báo cáo kết quả thảo luận tại các Đoàn ĐBQH về dự kiến nhân sự để bầu Thủ tướng Chính phủ.

Sau khi Quốc hội bầu Thủ tướng Chính phủ, tân Thủ tướng Chính phủ sẽ tuyên thệ nhậm chức.

Các đại biểu Quốc hội bầu Chủ tịch nước bằng hình thức bỏ phiếu kín. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Trong thời gian làm việc còn lại (đến ngày 8/4), Quốc hội sẽ tập trung kiện toàn các chức danh của Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ.

Cụ thể, Quốc hội sẽ lần lượt tiến hành miễn nhiệm Phó Chủ tịch nước, một số ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chủ nhiệm một số ủy ban của Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Tổng Kiểm toán Nhà nước bằng hình thức bỏ phiếu kín; bầu nhân sự cho các chức danh Phó Chủ tịch nước, một số ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội; chủ nhiệm một số ủy ban của Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Tổng Kiểm toán Nhà nước.

Ngoài ra, Quốc hội cũng sẽ thực hiện thủ tục phê chuẩn đề nghị việc miễn nhiệm một số Phó Thủ tướng Chính phủ, một số bộ trưởng và thành viên khác của Chính phủ; một số Phó Chủ tịch và một số ủy viên Hội đồng Bầu cử quốc gia; Phó Chủ tịch và một số ủy viên Hội đồng Quốc phòng và An ninh bằng hình thức bỏ phiếu kín.

Tiếp đó, Quốc hội tiến hành quy trình phê chuẩn đề nghị về việc bổ nhiệm một số Phó Thủ tướng Chính phủ, một số bộ trưởng và thành viên khác của Chính phủ; phê chuẩn về danh sách một số Phó Chủ tịch và một số ủy viên Hội đồng Bầu cử quốc gia; phê chuẩn Phó Chủ tịch và một số ủy viên Hội đồng Quốc phòng và An ninh.

Theo chương trình dự kiến, chiều 8/4, kỳ họp thứ 11, kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khóa XIV, sẽ bế mạc. Phiên họp được phát thanh, truyền hình trực tiếp để cử tri và nhân dân cả nước theo dõi./.

Ông Nguyễn Xuân Phúc năm nay 67 tuổi (sinh ngày 20/7/1954), quê xã Quế Phú, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam. Ông có trình độ cử nhân kinh tế.

Ông Phúc là Ủy viên Bộ Chính trị khóa XI, XII, XIII; Ủy viên Trung ương Đảng: Khóa X, XI, XII, XIII; đại biểu Quốc hội khoá XI, XIII, XIV.

Năm 2006, ông được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần đầu khi 52 tuổi; vào Bộ Chính trị lần đầu vào năm 2011, khi 57 tuổi.

Trong quá trình công tác, ông Nguyễn Xuân Phúc đã kinh qua các chức vụ như: Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ.

Năm 2011, ông được bầu giữ chức vụ Phó Thủ tướng Chính phủ.

Đến năm 2016, ông được tín nhiệm bầu giữ chức Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2011-2016.

Tiếp đó, tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XIV, ông Nguyễn Xuân Phúc được bầu giữ chức Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021.

Ngày 30/1/2021, tại Đại hội XIII của Đảng, ông được bầu vào Ủy viên Trung ương Đảng khóa XIII. Sau đó, ông được Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII bầu vào Bộ Chính trị nhiệm kỳ 2021-2026.

Sáng 2/4, kỳ họp thứ 11 Quốc hội khoá XIV đã miễn nhiệm chức vụ Thủ tướng của ông Nguyễn Xuân Phúc. Sau đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đề cử ông để bầu chức vụ Chủ tịch nước.

PV