Ông Nguyễn Xuân Phúc chính thức rời cương vị Thủ tướng

10:23 02/04/2021

Sáng 2/4, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết miễn nhiệm Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2016 - 2021 đối với ông Nguyễn Xuân Phúc. Nghị quyết có hiệu lực khi Quốc hội bầu được Thủ tướng Chính phủ.

 

Ông Nguyễn Xuân Phúc chính thức rời ghế Thủ tướng

Ủy viên Bộ Chính trị Nguyễn Xuân Phúc và Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính. Ảnh: Trần Thường

Trước khi công bố kết quả thông qua nghị quyết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo Quốc hội kết quả thảo luận tại Đoàn; Chủ tịch nước báo cáo Quốc hội về việc giải trình, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội về việc miễn nhiệm Thủ tướng Chính phủ.

Sau đó, Quốc hội miễn nhiệm Thủ tướng Chính phủ bằng hình thức bỏ phiếu kín; Ban kiểm phiếu công bố kết quả; Quốc hội biểu biểu quyết bằng hình thức bấm nút (điện tử) thông qua Nghị quyết về việc miễn nhiệm Thủ tướng Chính phủ đối với ông Nguyễn Xuân Phúc. 

Ông Nguyễn Xuân Phúc cũng chính là nhân sự được đề cử để Quốc hội bầu giữ chức Chủ tịch nước vào sáng thứ 2, tuần sau (5/4).

Ông Nguyễn Xuân Phúc chính thức rời ghế Thủ tướng

Kết quả biểu quyết thông qua Nghị quyết miễn nhiệm Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2016 - 2021 đối với ông Nguyễn Xuân Phúc

 Nhớ lại 5 năm trước, khi nhậm chức Thủ tướng Chính phủ, ông Nguyễn Xuân Phúc đã cam kết "cố gắng rất nhiều để rút ngắn khoảng cách với thế giới".

"Chính phủ phải nỗ lực, tinh giản bộ máy hành chính nhà nước các cấp, đi đầu trong việc tiết kiệm công quỹ, sử dụng tài sản công, xe công, đi công tác nước ngoài. Chúng ta cần phải trách nhiệm với từng đồng tiền thuế của dân, phải sử dụng minh bạch, hiệu quả vì lợi ích chung của người dân và của toàn xã hội", ông Nguyễn Xuân Phúc nói khi nhậm chức.

5 năm sau, báo cáo công tác nhiệm kỳ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ: "Đầu kỳ Formosa, cuối kỳ thì virus Corona hoành hành", "con tàu" Việt Nam đã phải vượt qua hải trình dồn dập bão tố của thách thức lớn hơn, vượt xa hơn so với những dự tính. Đặc biệt, từ đầu năm 2020, đại dịch Covid-19 đã ập đến tàn phá nặng nề nền kinh tế thế giới và các quốc gia.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ kịp thời chỉ đạo thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, bảo đảm an sinh và trật tự an toàn xã hội, phục hồi kinh tế trong điều kiện “bình thường mới”.

Điều đó cũng được thể hiện qua sự cải thiện mạnh mẽ thứ tự xếp hạng quốc tế của Việt Nam trên nhiều chỉ số, lĩnh vực như đổi mới sáng tạo môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh toàn cầu; phát triển Chính phủ điện tử; phát triển con người Việt Nam; xếp hạng về phát triển bền vững. Có thể nói, đây là thành công chung với nhiều dấu ấn trong lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành của Chính phủ và cá nhân Thủ tướng.

Khi nhậm chức, Thủ tướng thể hiện quyết tâm xây dựng một Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động, kỷ cương. Điểm lại lời hứa đó có đi vào thực tiễn hay không, các ĐBQH cho rằng: “Thủ tướng đã nói đi đôi với làm. Người đứng đầu đã truyền cảm hứng mạnh mẽ tới địa phương với tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm”.

Ngày 5/4, bầu tân Thủ tướng Chính phủ

Theo chương trình, sáng 5/4, Chủ tịch nước trình danh sách đề cử để Quốc hội bầu tân Thủ tướng Chính phủ.

Buổi chiều, Quốc hội bầu Thủ tướng Chính phủ bằng hình thức bỏ phiếu kín. Sau khi được Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết, tân Thủ tướng tuyên thệ

Lâm Nghi