Chi phí nguyên liệu tăng cao, Bộ Xây dựng kiến nghị gỡ khó cho đầu tư xây dựng

21:05 28/03/2022

Chi phí vật liệu tăng nhanh trong thời gian qua đã làm tăng tổng mức đầu tư, dự toán xây dựng công trình, ảnh hưởng đến kế hoạch phân bổ vốn đầu tư công trung hạn đã được Quốc hội thông qua giai đoạn 2021-2025.

Trong Hội nghị toàn quốc “trao đổi các khó khăn, vướng mắc trong quản lý chi phí đầu tư xây dựng, hợp đồng xây dựng đối với các dự án sử dựng vốn đầu tư công, vốn Nhà nước ngoài đầu tư công và các giải pháp khắc phục”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, thời gian gần đây giá các mặt hàng năng lượng, vật tư, nguyên liệu sản xuất có xu hướng tăng đột biến và liên tục biến động.

Trong khi đó, yêu cầu hình thành các dự án đầu tư công hoặc hợp tác công tư trên thực tế rất lớn, quản lý phức tạp như dự án cao tốc Bắc- Nam khu vực phía Đông giai đoạn 2021-2025. Do vậy, hệ thống quy định về định mức, giá xây dựng, suất vốn đầu tư và quản lý hợp đồng xây dựng xuất hiện những bất cập không theo kịp.

Chi phí nguyên liệu tăng cao, Bộ Xây dựng kiến nghị gỡ khó cho đầu tư xây dựng
Chi phí nguyên liệu tăng cao, Bộ Xây dựng kiến nghị gỡ khó cho đầu tư xây dựng.

Theo đánh giá của Bộ Xây dựng, trong bối cảnh giá nguyên vật liệu xây dựng biến động theo hướng tăng, khó dự báo, tại một số nơi phương pháp vẫn còn xác định giá xây dựng, chỉ số giá xây dựng theo quý nên công bố chậm, chưa kịp thời; không bám sát diễn biến thị trường hoặc chưa sát thực tế...

Ngoài ra, việc chi phí vật liệu tăng nhanh trong thời gian qua đã làm tăng tổng mức đầu tư, dự toán xây dựng công trình, ảnh hưởng đến kế hoạch phân bổ vốn đầu tư công trung hạn đã được Quốc hội thông qua giai đoạn 2021-2025. Với nguồn lực hạn chế, chi phí đầu tư xây dựng tăng sẽ ảnh hưởng đến việc cân đối ngân sách, điều chỉnh nguồn vốn cũng như kế hoạch đầu tư cho từng dự án. Việc đảm bảo thực hiện thành công chiến lược đầu tư cơ sở hạ tầng trọng yếu như đường bộ cao tốc, cảng biển, sân bay,... đang đặt ra nhiều thách thức.

Tại hội nghị, đại diện các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội, chủ đầu tư cũng đã nêu ra một loạt các khó khăn, vướng mắc như một số công việc xây dựng, chưa có định mức hoặc đã có định mức ban hành nhưng không phù hợp với thực tế. Đơn cử như ngành giao thông còn thiếu hơn 32 định mức liên quan đến đầu tư đường cao tốc. Hay như ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, nhiều nhóm công trình đặc thù cũng gặp nhiều vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện. Đáng quan tâm nhất là giai đoạn xác định tổng mức đầu tư dự án, 1 số định mức cần phải xây dựng định mức mới hoặc điều chỉnh vì quá lạc hậu so với hiện tại.

Ngoài ra, việc xử lý điều chỉnh hợp đồng đối với hợp đồng trọn gói, trước các biến động khó lường như đại dịch COVID-19, giãn cách xã hội… cũng chưa rõ ràng. Chi phí quản lý dự án, chi phí tư vấn cũng còn có sự khác nhau giữa các ngành.

Đối với thực trạng trên, ông Trần Dương Phúc, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hậu cần (Bộ Quốc Phòng) cho rằng, thời gian tới, các khó khăn, vướng mắc trong quản lý chi phí đầu tư xây dựng cần được tập trung tháo gỡ.

PV