CEO Google: Con người cần chuẩn bị thích nghi với những công nghệ mới

11:38 18/04/2023

 CEO Google, ông Sundar Pichai cho rằng, trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ tác động đến mọi thứ và con người cần chuẩn bị để thích nghi với những công nghệ mới.

CEO Google, ông Sundar Pichai
CEO Google - ông Sundar Pichai.

Trong cuộc phỏng vấn với Đài CBS, CEO Google, ông Sundar Pichai cho rằng, trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ tác động đến mọi thứ và có thể trở thành trợ lý siêu năng lực cho con người trong tương lai.

Người đứng đầu gã khổng lồ tìm kiếm cho biết, “tất cả các sản phẩm của mọi công ty” đều sẽ bị ảnh hưởng bởi sự phát triển nhanh chóng của AI, đồng thời cảnh báo con người cần chuẩn bị thích nghi với những công nghệ mới đã và đang dần xuất hiện.

Ông cũng cho rằng, AI có thể trở thành trợ lý siêu năng lực cho con người, và sẽ tác động đến các sản phẩm của tất cả doanh nghiệp.

Ông Sundar Pichai cũng lưu ý rằng, các công việc khó thay thế như: nhà văn, kế toán, kiến trúc sư, kỹ sư phần mềm,... có thể bị gián đoạn bởi trợ lý "ảo" AI.

Giám đốc điều hành của Google cho biết, vai trò của một bác sĩ X quang lâm sàng cũng có thể được hỗ trợ và cải thiện bởi AI. Các "bác sĩ" AI này sử dụng hình ảnh để chẩn đoán và điều trị các bệnh lý. AI có thể giúp các bác sĩ xác định những trường hợp nghiêm trọng nhất trong danh sách bệnh nhân mỗi ngày và đưa ra cảnh báo về khả năng bỏ sót điều gì đó quan trọng trong quá trình chẩn đoán bệnh.

Theo ông Sundar Pichai, công cụ trò chuyện chatbot AI ChatGPT có thể vượt qua các cuộc phỏng vấn để được thuê làm kỹ sư phần mềm sơ cấp tại công ty.

Cảnh báo những nguy cơ do AI tạo ra, Pichai nói rằng AI có thể gây hại cho con người thông qua việc tạo ra thông tin sai lệch. “AI có thể tạo ra video một cách dễ dàng. Xét về cấp độ xã hội, nó có thể gây ra rất nhiều tác hại”.Tháng trước, theo nguồn tin nội bộ Google, Pichai nhắc nhở các nhân viên rằng, sự thành công của Bard đang phụ thuộc vào thử nghiệm công khai và “mọi thứ có thể đi chệch hướng”.

Ông Pichai cho biết, mặt tiêu cực của AI làm ông có nhiều đêm trằn trọc. “Nó có thể rất có hại nếu được triển khai sai cách. Chúng ta chưa hiểu hết về nó và công nghệ đang phát triển rất nhanh. Tôi đã có nhiều đêm mất ngủ vì suy nghĩ về nó" - ông nói.

Gã khổng lồ công nghệ Google đã ra mắt công cụ trò chuyện chatbot Bard của mình vào tháng 3 vừa qua. Chatbot Bard đưa ra câu trả lời dựa trên văn bản cho các câu hỏi và lời nhắc từ người dùng. Sản phẩm này được thiết kế để tăng năng suất, tăng tốc ý tưởng và thúc đẩy sự tò mò của người dùng. Ứng dụng này đã trở thành ứng dụng dành cho người tiêu dùng phát triển nhanh nhất trong lịch sử internet, đạt 100 triệu người dùng chỉ sau hai tháng.

CEO Google được cho là đã tham gia một số cuộc họp xung quanh chiến lược phát triển AI, đồng thời chuyển một số nhóm nhân sự tập trung vào việc xây dựng bộ sản phẩm AI của riêng công ty công nghệ này.

Vào tháng 3, hơn 1.000 chuyên gia trí tuệ nhân tạo, nhà nghiên cứu và chủ doanh nghiệp, bao gồm tỉ phú Elon Musk, đã ký một lá thư kêu gọi tạm dừng phát triển các AI “khổng lồ” trong ít nhất 6 tháng. Họ cho rằng AI chỉ nên được tiếp tục phát triển khi có sự giám sát của các chuyên gia, đồng thời kêu gọi sự tham gia của các nhà hoạch định chính sách để quản trị AI tốt hơn.

Bản thân Google cũng có tài liệu phác thảo “các khuyến nghị để quản lý AI”, nhưng CEO Pichai tin rằng xã hội phải nhanh chóng hoàn thiện quy định, điều luật, cũng như hiệp ước giữa các quốc gia nhằm đảm bảo AI an toàn đối với thế giới và phù hợp với “giá trị con người”.

“Việc này không thể do một công ty quyết định”, CEO người Ấn nói. “Đó là lý do tôi cho rằng, không chỉ các kỹ sư công nghệ, mà cần cả sự tham gia của các nhà khoa học xã hội, đạo đức học, triết gia… vào quá trình phát triển AI”.

Người đứng đầu Google cũng cho biết, ông cảm thấy xã hội chưa sẵn sàng cho những công nghệ AI như Bard, do “tốc độ phát triển công nghệ so với tốc độ thích nghi của mô hình tổ chức xã hội dường như đang không khớp nhau”. Dù vậy, ông vẫn cảm thấy lạc quan vì so với những phát minh trong quá khứ, ngày nay đã có nhiều người sớm lo lắng về các hệ lụy công nghệ có thể gây ra.

Phương Anh (t/h)