Cắt giảm điều kiện kinh doanh: Cần áp lực mạnh hơn nữa

00:00 12/10/2020

Nhiều chuyên gia đánh giá tiến độ "cởi trói" cho doanh nghiệp của các bộ ngành vẫn còn rất chậm chạp, vẫn còn tình trạng "trên nóng, dưới lạnh".

Hôm nay (15/8) là hạn chót để các bộ ngành thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng về việc cắt bỏ 50% điều kiện kinh doanh. Tuy nhiên, đến nay số thủ tục được cắt bỏ mới chỉ đạt 12,5%.

Vẫn còn nhiều rào cản kinh doanh "ngáng chân" doanh nghiệp. (Ảnh minh họa)

Zing cho hay, nhiều chuyên gia đánh giá tiến độ "cởi trói" cho doanh nghiệp của các bộ ngành vẫn còn rất chậm chạp, chưa có sự đồng đều giữa các cơ quan. Điệp khúc "trên nóng, dưới lạnh" vẫn được nêu ra. 

Mới đây, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng, đã chủ trì buổi kiểm tra các bộ, cơ quan trong việc thực hiện các chỉ đạo, nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng giao, liên quan đến công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hoá xuất nhập khẩu và đơn giản hoá, cắt giảm điều kiện kinh doanh.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nêu thực trạng rất nhiều bộ có phương án rà soát, cắt giảm và công bố trên báo chí, truyền hình nhưng thực chất đến giờ vẫn chưa làm được. Ông cho rằng như vậy sẽ gây ảnh hưởng đến lòng tin của doanh nghiệp.

Về thủ tục kiểm tra chuyên ngành, đại diện Tổ công tác của Thủ tướng cho biết các bộ, cơ quan, địa phương được kiểm tra chưa có giải pháp tích cực, hiệu quả trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao. Hiện nay còn có 13 bộ có quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu. Tỷ lệ cắt giảm danh mục sản phẩm, hàng hóa kiểm tra chuyên ngành chưa đạt tỷ lệ theo yêu cầu chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng.

 

Cắt giảm qua loa để... đối phó?

Chia sẻ trên Zing, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc, cho rằng chất lượng đơn giản hóa, cắt giảm điều kiện kinh doanh chưa đồng đều, có tình trạng chạy theo con số, mang tính đối phó, không thực chất.

Ông Lộc nhấn mạnh, tính cải cách trong các phương án rà soát chưa thực sự triệt để. Phần lớn đề xuất trong các phương án mới chỉ dừng lại việc xem xét các điều kiện kinh doanh hiện hành ở trong nghị định. Các kiến nghị chủ yếu xoay quanh sửa đổi, bổ sung nghị định mà chưa mở rộng đánh giá các điều kiện kinh doanh chứa đựng trong luật.

 Chìa khóa để tạo được đột phá trong việc cải cách, cắt giảm thủ tục hành chính được Chủ tịch VCCI đề xuất chính là giao cho các đơn vị độc lập làm, thay vì để các bộ ngành tự làm.

"Quy định cải cách cần giao cho các đơn vị độc lập, chịu trách nhiệm trước bộ trưởng và chủ động tham vấn những vấn đề chuyên môn của các cơ quan khác. Các phương án cải cách cần mang tính triệt để", ông Lộc đề xuất.

Cần áp lực mạnh hơn

 Ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), thì cho rằng cần có sự quyết liệt hơn nữa trong hành động của các bộ, ngành. Ông nhấn mạnh cần một "áp lực" mạnh mẽ hơn nữa từ phía những người đứng đầu.

Theo khảo sát của CIEM, chi phí phục vụ kiểm tra mà các doanh nghiệp Việt Nam phải chịu vẫn còn lớn do kết quả kiểm tra lô hàng trước cùng loại không được thừa nhận.

Cứ 5 lô hàng doanh nghiệp nhập về thì 1 lô hàng phải kiểm tra chuyên ngành (KTCN), trong khi, lô hàng đó được chứng minh không có rủi ro, doanh nghiệp hoạt động tốt, chấp hành kiểm tra tốt.

Trên Báo Đầu Tư, bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao, cho biết. Thủ tướng Chính phủ đã mấy lần chỉ đạo phải chỉnh sửa và xử lý Nghị định 109/2010/NĐ-CP mà nay vẫn chưa xong.

Bà Hạnh lo ngại về khả năng "xóa cũ, gài mới" của các cơ quan quản lý nhà nước để đối phó với chủ trương của Chính phủ về cắt giảm điều kiện kinh doanh, xóa bỏ mọi rào cản gây khó cho doanh nghiệp.

"Phải coi doanh nghiệp là động lực phát triển kinh tế, thay vì đối tượng quản lý, phải đóng thuế, phải kiểm tra... bất chấp “sức khỏe” của họ ra sao, những rào cản họ phải đương đầu ngày càng gay go ra sao, họ cần gì để đủ sức cạnh tranh trong tình hình hội nhập mới. Đổi thay cách nghĩ, cách đối xử này là cái gốc rồi mới nói đến việc thảo luận bỏ giấy phép con", bà Hạnh thẳng thắn.

Có về đích đúng hạn?

Báo Lao Động dẫn lời Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ, Bộ GTVT cho biết, Bộ đã rà soát, thống nhất cắt giảm 69/134 (chiếm 51,5%) số lượng sản phẩm phải KTCN trước khi thông quan. Trong lĩnh vực kiểm tra chất lượng xe cơ giới, xe máy chuyên dụng, cắt giảm 50/97 sản phẩm; lĩnh vực tàu biển: Cắt giảm 10/20 sản phẩm; lĩnh vực đường sắt: Cắt giảm 9/17 sản phẩm.

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Hà Công Tuấn cũng cho hay, Bộ đề xuất loại 152 nhóm hàng hóa, sản phẩm khỏi Danh mục hàng hóa KTCN thuộc phạm vi quản lý nhà nước của bộ (chiếm 60,6% tổng số nhóm hàng phải KTCN hiện nay): Nhóm kiểm dịch, lược bỏ 37/53 nhóm; nhóm kiểm tra chất lượng: Lược bỏ 87/104 nhóm; nhóm kiểm tra ATTP: Lược bỏ 44/94 nhóm.

Được coi là bộ có tốc độ cải cách mạnh mẽ nhất, Bộ Công Thương vẫn tiếp tục cắt giảm các điều kiện kinh doanh.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng vừa ký quyết định số 1408/QĐ-BCT ngày 27/4/2018 phê duyệt phương án tổng thể đơn giản hóa một loạt các thủ tục hành chính và điều kiện đầu tư kinh doanh của Bộ Công Thương năm 2018 trên 10 lĩnh vực, trong đó có năng lượng, điện, quản lý cạnh tranh, tiêu chuẩn đo lường, xúc tiến thương mại, ATTP và xuất nhập khẩu... Đây là lần cắt giảm, đơn giản hóa TTHC, điều kiện ĐTKD đầu tiên trong năm 2018 và được xem là "cuộc cách mạng lần thứ 3" trong lịch sử ngành công thương./.

Một số yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ với các bộ, ngành: Văn bản thực thi phương án cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành phải đáp ứng yêu cầu cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 50% danh mục hàng hóa, sản phẩm và thủ tục kiểm tra chuyên ngành; danh mục hàng hóa, sản phẩm kiểm tra chuyên ngành phải gắn mã HS; một sản phẩm, hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu chỉ do một bộ, cơ quan ngang bộ hoặc một đơn vị thuộc bộ, cơ quan ngang bộ chịu trách nhiệm quản lý... Văn bản thực thi phương án cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh phải đáp ứng yêu cầu cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 50% điều kiện kinh doanh; phương án cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh phải thực chất, không gộp nhiều điều kiện thành một điều kiện theo kiểu cơ học hoặc chỉ thay đổi tên gọi. Đối với dự thảo các văn bản thực thi phương án cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành và cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh, thì thời gian các bộ cho ý kiến phối hợp và Bộ Tư pháp cho ý kiến thẩm định chậm nhất là 7 ngày làm việc kể từ ngày nhận được dự thảo văn bản. Nghiêm cấm các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tự đặt thêm điều kiện kinh doanh, danh mục hàng hóa, thủ tục kiểm tra chuyên ngành trái quy định của pháp luật. Các bộ, cơ quan ngang bộ trong quá trình xây dựng dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật có quy định thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh... phải bảo đảm rõ ràng, dễ hiểu, dễ thực hiện, không tạo rào cản gia nhập thị trường, không làm phát sinh chi phí cho doanh nghiệp. (Nguồn: Chỉ thị 20/2018/CT-TTg về tăng cường cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành và cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh).

Trần Ngọc/VoV.vn