Cần xem xét nới lỏng chính sách tài khóa

11:15 03/09/2022

Tài khóa không chỉ là kết quả của sản xuất, kinh doanh, mà còn là một trong những quan hệ cân đối kinh tế vĩ mô quan trọng. Tình hình kinh tế thời gian qua cho thấy, cần xem xét nới lỏng chính sách tài khóa mà không nên thắt chặt ở mức như hiện vừa rồi.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Lý do lớn nhất của việc thắt chặt chính sách tài khóa là góp phần kiểm soát lạm phát theo mục tiêu. Tài khóa cùng với tiền tệ là yếu tố tiềm ẩn, đồng thời là lý do trực tiếp của lạm phát, tiền tệ và tài khóa đều liên quan đến tiền - mà tiền tệ là biểu hiện của giá và giá làm cho tiền giảm giá nhiều hay ít. Việc kiểm soát lạm phát theo mục tiêu có ý nghĩa rất lớn về nhiều mặt, trực tiếp tác động đến nhu cầu hàng ngày, mức sống thực tế của chủ thể đông nhất trên thị trường là người tiêu dùng, nhất là người nghèo, người có thu nhập thấp…

Bội thu ngân sách trong 7 tháng đầu năm 2022 là biểu hiện của chính sách tài khóa thắt chặt. Đây là kết quả tích cực hiếm thấy so với cùng kỳ và cả năm trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, việc thắt chặt tài khóa, cùng với việc tăng không cao hơn bao nhiêu so với 2 năm trước của dư nợ tín dụng cần được xem xét bởi nhiều lý do.

CPI bình quân 7 tháng so với cùng kỳ năm trước mới ở mức 2,54% - còn thấp xa so với mục tiêu cả năm (khoảng 4%) và thấp xa so với CPI tương ứng của nhiều nước trên thế giới. Nhập khẩu lạm phát tiếp tục tăng cao, làm tăng chi phí sản xuất - kinh doanh, làm tăng giá sản xuất cao hơn CPI.

Số doanh nghiệp tạm dừng kinh doanh, tạm dừng hoạt động và hoàn tất thủ tục giải thể vẫn còn rất lớn, tổng số doanh nghiệp ra khỏi hoặc tạm thời ra khỏi thị trường lên đến 94.600, tăng 13,5%, bình quân một tháng có tới 13.514 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, bình quân một ngày lên đến 450 doanh nghiệp.

Tăng trưởng GDP đã 2 năm rơi xuống “đáy” trong hơn 30 năm; mục tiêu năm nay đề ra 6-6,5% cao gấp 2-3 lần so với 2 năm trước. Quốc hội và Chính phủ đã đưa ra gói hỗ trợ tài chính - tiền tệ  lên đến 350.000 tỷ đồng, với 40.000 tỷ đồng hỗ trợ đầu tư cấp bù lãi suất 2%, kéo 1 triệu tỷ đồng bình quân 1 năm, riêng năm 2022 chỉ còn một nửa thời gian thực hiện…

Tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm đã đạt 6,42%, dự báo cả năm có thể vượt mục tiêu, thậm chí có thể vượt 7%. Tuy tăng cao nhưng mức tăng không lớn do số gốc so sánh đạt thấp; so với mục tiêu bình quân 1 năm trong kế hoạch 5 năm (2021-2025), thì đòi hỏi phải tăng cao hơn. Để ngăn chặn nguy cơ “sập bẫy trung bình”, “chưa giàu đã già”…, thì tốc độ tăng trưởng GDP còn phải cao hơn nữa.

Do vậy, cần xem xét nới lỏng chính sách tài khóa mà không nên thắt chặt ở mức như vừa rồi, với những giải pháp cần thiết. Chẳng hạn như giảm tiếp thuế VAT; giảm hoặc cắt thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng dầu; thực hiện nhanh hơn chi đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách nhà nước; phối hợp với ngân hàng để thực hiện nhanh việc cấp bù lãi suất 2% theo Nghị quyết của Quốc hội, của Chính phủ…

PV (t/h)